Chỉ chưa đầy 1 tháng đã có 3 vụ hành hung nhân viên y tế khiến dư luận dậy sóng
Lại thêm một vụ hành hung bác sĩ tại bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) nối dài thêm danh sách những vụ bạo lực xảy ra trong môi trường bệnh viện chỉ tính từ đầu tháng 4 trở lại đây khiến dư luận bất bình, ngành y bất an.
Nhiều người trong nghề ví, nhân viên y tế công là những người luôn sống trong nỗi thấp thỏm, lo âu bởi "rủi ro" có thể đến bất cứ lúc nào, không chỉ trách nhiệm với người bệnh mà còn phải đối mặt với cả áp lực phía người nhà bệnh nhân.
Bên cạnh đó, họ còn chịu quá nhiều thiếu thốn, áp lực khi có những bác sĩ phải khám cho 200 bệnh nhân mỗi ngày, phải đảm nhận khối lượng công việc khổng lồ, với những ca trực liên miên, suốt đêm đến sáng. Rồi tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên cũng khiến bác sĩ và nhân viên y tế rất dễ bị stress. Thế nhưng, những gì họ phải đối mặt không chỉ có vậy.
Bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn bất ngờ bị người nhà bệnh nhi đấm liên tiếp vào mặt
Chỉ cách đây hai hôm thôi, ngày (13/4), trong lúc bác sĩ trực V.H.C. tiếp nhận một bé trai khoảng 7 tuổi với vết thương trên trán, khi đang ngồi trao đổi với người nhà bệnh nhân về phương án xử lý vết thương thì bất ngờ, người nhà bệnh nhân nhi (là một người đàn ông cao to với khuôn mặt dữ dằn) bất ngờ đứng dậy đấm liên tiếp vào mặt, vào đầu bác sĩ.
Hình ảnh camera ghi lại khi bác sĩ bị người nhà bệnh nhi tấn công mà không thể phản kháng. Ảnh cắt từ clip
Một nhân viên cùng khoa chạy vào can ngăn liền bị người đàn ông này chửi mắng, tấn công. Chỉ khi lực lượng bảo vệ và công an phường Điện Biện, quận Ba Đình có mặt, người này mới chịu dừng.
Ngay sau đó, bác sĩ C. đã được đồng nghiệp đưa đi kiểm tra sức khoẻ. Rất may là bác sĩ C. không bị tổn thương quá nặng, nhưng bác sĩ vẫn bị chấn động về tinh thần nên đang được theo dõi, chăm sóc, nghỉ ngơi tại nhà.
Clip: Bác sĩ BV Xanh Pôn bị người nhà bệnh nhi đấm liên tiếp vào mặt. Nguồn: Facebook
Chia sẻ với báo chí, GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, lúc bác sĩ C. ngồi trao đổi về hướng xử lý vết thương, người nhà bệnh nhi nói và hỏi liên tục rồi bất ngờ đứng dậy, xông tới đấm vào mặt bác sĩ C. 2 cú khiến anh không kịp phản ứng.
Bác sĩ Nhi bị cha bệnh nhân đánh chấn thương sọ não
Cách sự việc trên 5 ngày, tức ngày 8/4, một bác sĩ công tác tại Khoa Nhi, BV đa khoa Hà Tĩnh) đã bị cha bệnh nhi đánh đến thương sọ não.
Theo đó, vào khoảng 23h30 ngày 8/4, khi bác sĩ Nguyễn Đình Phi (sinh năm 1990, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh) tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Phúc Đạt (14 tháng tuổi) trong tình trạng sốt cao 39,6 độ và đã được đặt thuốc hạ nhiệt hậu môn tại khoa Cấp cứu Chống độc.
BS Nguyễn Đình Phi đang được chăm sóc tại khoa Ngoại. Ảnh: SKĐS.
Sau khi được điều dưỡng đưa bệnh nhân vào buồng bệnh và cặp nhiệt độ, bác sĩ Nguyễn Đình Phi thăm khám, bất ngờ từ phía sau có tiếng chửi bới, một người đàn ông xưng là cha cháu Đạt xông đến túm cổ áo bác sĩ Phi, đấm thẳng vào mặt, làm bác sĩ bị vỡ kính, choáng váng ngã xuống sàn nhà.
Thực tập sinh Trần Nhật Giáp đang được chăm sóc tại khoa Ngoại Thần kinh. Ảnh: SKĐS.
Lúc này, thực tập sinh Trần Nhật Giáp (sinh năm 1994, sinh viên năm 6, Đại học Y khoa Vinh) vào can ngăn liền bị người này đấm liên tiếp vào mặt và vùng đầu, khiến em bất tỉnh. Hiện tại, bác sĩ Nguyễn Đình Phi và thực tập sinh Trần Nhật Giáp đều được điều trị tại khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
Bộ Y tế sau đó đã đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo BV đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tổ chức thăm hỏi động viên; quan tâm công tác điều trị phục hồi sức khoẻ và tâm lý cho bác sĩ của bệnh viện bị người nhà người bệnh hành hung trong khi đang làm nhiệm vụ; phối hợp với cơ quan công an địa phương điều tra xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật.
Chồng bệnh nhân lăng mạ, hành hung bác sĩ chỉ vì... vợ kêu đau và tê tay
Trước khi vụ hành hung xảy ra, bệnh nhân đã được điều trị tại trung tâm Y tế TP. Bắc Kạn. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn ngày 29/3. Tuy nhiên, gia đình đã tự ý đưa bệnh nhân về nhà.
Tại nhà, bệnh nhân có các biểu hiện nôn, chóng mặt, đau đầu, tay chân tê bì, mệt mỏi. Khoảng 14h ngày 31/3, chồng của bệnh nhân đưa bệnh nhân tới bệnh viện Đa khoa tỉnh để thăm khám.
Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn. (Ảnh: sở Y tế Bắc Kạn).
Chồng của bệnh nhân này đã tức tốc gọi các bác sĩ, điều dưỡng viên của ca trực và to tiếng lăng mạ, đánh 1 nữ bác sĩ và 1 điều dưỡng của ca trực. S
ự việc xảy ra có khoảng 40 - 50 bệnh nhân đang điều trị tại khoa chứng kiến. Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã tiến hành các bước cần thiết để lên phác đồ điều trị, sau đó bệnh nhân kêu đau và tê tay.
"Các bác sĩ đã khám đúng quy trình, bệnh nhân bị co quắp và tê tay nhưng môi vẫn hồng hào, hỏi vẫn trả lời. Chúng tôi cũng đã giải thích cho người nhà bệnh nhân bình tĩnh, bệnh tình của bệnh nhân không có gì ghê gớm. Có thể người nhà bệnh nhân không hiểu nên mới có lời ra tiếng vào và giúi đầu bác sĩ", BS. Cương nói.
Hành hung nhân viên Y tế - hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp - đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: "Hành vi hành hung bác sĩ là hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Những hành vi vi phạm này cần phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh để đảm bảo an toàn cho xã hội, giữ gìn sự tôn kính với những người thầy thuốc, bác sĩ và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm con người".
Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng LS Chính Pháp - Đoàn luật sư TP.Hà Nội
"Hành vi tấn công bằng bạo lực với bác sĩ khi đang thực hiện hoạt động khám chữa bệnh tức là liền một lúc xâm hại đến nhiều khách thể được pháp luật bảo vệ như: Chống người thi hành công vụ, Gây rối trật tự công cộng, Cố ý gây thương tích... Vì vậy, nếu có người hành hung bác sĩ, khiến bác sĩ bị thương tích đến mức độ nghiêm trọng thì người hành hung bác sĩ sẽ bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích.
Nếu hành vi chống người thi hành công vụ gây ra thương tích hoặc thiệt mạng người thi hành công vụ thì người vi phạm sẽ bị xử lý về tội Giết người hoặc tội Cố ý gây thương tích với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là "đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân", khi đó hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.
Nếu thương tích chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người hành hung bác sĩ cũng sẽ bị xử lý về tội Chống người thi hành công vụ hoặc tội Cố ý gây rối trật tự công cộng, tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể mà có thể xác định những tội danh khác nhau. Trong trường hợp chưa gây hậu quả nghiêm trọng, hành vi chưa tới mức nguy hiểm cho xã hội thì hành vi này cũng vẫn có thể bị xử phạt hành chính, luật sư Cường phân tích.
Cũng theo luật sư Cường, những sự việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ liên tiếp xảy ra thời gian gần đây cho thấy văn hóa ứng xử và đạo đức xã hội đang có xu hướng xuống cấp, thiếu đi những nét đẹp văn hoá đạo đức truyền thống. Nguyên nhân chính là từ giáo dục, ý thức chứ không phải là vì hình phạt không đủ răn đe.
"Hậu quả của cơn nóng giận bao giờ cũng nghiêm trọng hơn nguyên nhân. Vì vậy bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải biết kiềm chế bản thân, phải có thái độ ứng xử đúng mực với người đang cứu, chữa cho bản thân mình hoặc cho người nhà của mình.
Ngày nay pháp luật đã cho công dân rất nhiều quyền trong đó có quyền khiếu nại, quyền khởi kiện, quyền tố cáo, quyền yêu cầu bồi thường. Vì vậy nếu trong quá trình khám chữa bệnh mà có sự vi phạm, tắc trách của y bác sĩ thì nạn nhân bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hoàn toàn có thể thực hiện các quyền nêu trên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tuyệt đối không được sử dụng bạo lực để giải quyết những bức xúc với bác sĩ. Hành vi không kìm chế được bản thân, dùng vũ lực để tấn công bác sĩ đều là những hành vi dại dột và phải chịu chế tài của pháp luật", luật sư Cường nhận định.