Chùa Bà Đanh có thật sự vắng khách không mà nổi tiếng đến độ đưa vào câu ví “vắng như chùa Bà Đanh”, già trẻ đều thuộc!?
Hãy cùng mục sở thị nơi "Vắng như chùa Bà Đanh" vẫn được lưu truyền trong sử sách.
Dân gian xưa vẫn có câu "Vắng như chùa Bà Đanh" hay là "Vắng tanh như chùa Bà Đanh" để nói về một nơi nào đó cô quạnh, hoang vu, không có nhiều người. Và dù rằng ai cũng đã từng dùng câu nói này ít nhất một lần trong đời những chắc chắn có rất ít người biết nguồn gốc của nó. Vậy chùa Bà Đanh có thật ngoài đời không, nó có vắng như lời đồn hay không? Và tại sao lại vắng như vậy?
Anh Hoàng Nam, một Youtuber có khá nhiều người theo dõi trên mạng xã hội mới đây đã có chuyến đi về tỉnh Hà Nam và ghé thăm địa danh Chùa Bà Đanh để tìm hiểu xem đây có phải là nơi dân gian vẫn "đồn" về sự vắng vẻ hay không. Kết quả là sau khi tìm hiểu một vòng và ghi lại những thước phim cho mọi người cùng xem thì ai cũng phải gật đầu đồng ý: Đúng là Vắng như chùa Bà Đanh thật.
Được biết, chùa Bà Đanh này còn được gọi "Bảo Sơn Nữ", tọa lạc trên một vùng đất tại thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Chùa có diện tích khoảng 10ha, được xem là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam nói riêng và của miền Bắc nói chung.
Anh Hoàng Nam trước cổng ngôi chùa Bà Đanh trong truyền thuyết.
Chùa rất rộng, cây cối um tùm tuy nhiên lại hoàn toàn vắng bóng người. Khi anh Hoàng Nam ghé vào thì phải tìm rất lâu mới thấy được ông Từ (người trông giữ chùa) nhưng ông cũng đang nằm ngủ. Sau khi đánh thức được ông dậy thì anh Nam và bạn cũng không kéo được ông đi cùng mà đành phải tự đi tìm hiểu.
Suốt cả hành trình, ngoài ekip của anh Nam, bạn anh Nam và ông từ nọ thì chùa cũng không thấy xuất hiện thêm người nào ghé chơi hoặc đến làm lễ. Toàn bộ không gian chùa được bao phủ một sự im ắng đến nỗi cơn gió thoảng qua cũng có thể nghe rõ tiếng xì xào.
Chùa cực kỳ vắng vẻ, không một bóng người.
Anh Nam có đem cái sự thắc mắc không chỉ của anh mà còn của rất nhiều người khác về câu nói "Vắng như chùa Bà Đanh" để hỏi ông từ thì nhận được câu trả lời rằng: Ngôi chùa này thờ Bà, lại nằm ở thôn Đanh Xá cho nên mới gọi là chùa Bà Đanh. Khi xưa xây dựng chùa, các cụ đã chọn địa điểm là khu vực bán đảo nằm tách biệt với nơi có người sống, mặt trước của chùa hướng ra sông Đáy.
Đây là nơi có núi, có sông nhưng lại vô cùng vắng vẻ vì xa khu dân cư cho nên mới hiếm người qua lại. Trải qua thời gian, tuy nhà cửa có được xây dựng nhiều hơn nhưng mà vì chùa vẫn nằm riêng lẻ ở một góc cho nên người dân cũng không có thói quen ghé qua viếng chùa nhiều cho lắm. Cũng theo lời anh Hoàng Nam thì chùa Bà Đanh chỉ đông đúc hơn đôi chút vào ngày Rằm hay Mồng Một khi mọi người vào lễ, còn ngày thường thì cực kỳ vắng vẻ.
Toàn cảnh chùa Bà Đanh từ trên cao.
Chùa nằm trên bán đảo, mặt hướng ra phía sông Đáy.
Mà không chỉ có nguyên nhân vị trí địa lý, anh Nam cũng tìm hiểu được là hiện nay, chùa không mở cửa miễn phí cho người dân mà tiến hành thu 30 ngàn đồng cho mỗi lượt người. Theo anh thì đây không phải là mức giá thấp cho một ngôi chùa ở tỉnh xa. Điều này dẫn đến hậu quả là có những đoàn đi rất đông người muốn vào viếng chùa. Tuy nhiên, khi tất cả đã tề tựu đông đủ thì chiếc vé kia lại ập vào mặt khiến cho họ nhất trí chỉ cử một đại diện vào làm lễ rồi sau đó cùng nhau quay đầu về. Và rõ ràng, vì quy định này mà chùa vốn đã vắng nay lại càng vắng hơn.
Chùa thu phí người đến viếng 30k/lượt cho nên ngày càng có ít người vào thăm hơn.
Đúng là ở đời cái gì cũng có nguyên do của nó mọi người nhỉ, không tự dưng mà ai cũng ví von "Vắng như chùa Bà Đanh" đâu. Sau này mà có gặp ai còn thắc mắc thì mọi người hãy nhớ đến những thông tin trong bài viết này để giải thích cho người ta nhé, cũng hữu ích lắm thay.