Chủ quán Bún bò gân “bá đạo” ngày đóng cửa trả lời phỏng vấn bằng thơ vui
Vậy là sau 1.5 năm xuất hiện ở vỉa hè chung cư Tôn Thất Thuyết, quán Bún bò gân “bá đạo” nhất Sài Gòn đã đóng cửa vào ngày 30/5/2015. Ông chủ quán đã có lời bộc bạch vui bằng thơ.
Anh Nguyễn Hoàng Anh Dũng Biệt danh: Dũng Đinh Chủ quán Bún bò gân “bá đạo” nhất Sài Gòn Phương châm sống: Cứ sống vui trọn hôm nay! |
"Nếu đổi câu chuyện này cho tôi trúng số độc đắc thì tôi vẫn thích chọn thế này hơn"
Chào anh Dũng, sau gần 1,5 năm phục vụ, quán bún bò gân chọc cười khách hàng bằng những bảng thông báo hài hước đã đóng cửa vào ngày cuối cùng của tháng 5 này. Nguyên nhân của việc đóng cửa quán bún bò gân lần này là thế nào ạ?
Có khi nào anh nghĩ giá mà bảng nội quy hài hước và “bá đạo” của anh không trở nên quá nổi tiếng thì đến giờ anh vẫn sẽ tiếp tục buôn bán yên lành ở chung cư Tôn Thất Thuyết không?
Thật sự tôi chỉ làm bảng nội quy cho vui theo tính cách của tôi thôi chứ không tính toán là nó sẽ nổi tiếng. Thế nhưng mọi chuyện diễn biến sau đó vượt ngoài tầm tay của tôi. Tôi được nhiều thứ và cũng mất đi một vài thứ. Không còn được bán ở chỗ cũ nữa, thật sự tôi cũng buồn, vì sẽ không còn gặp những gương mặt khách hàng thân quen hàng ngày nữa. Tôi đã bán ở đây hơn một năm, cũng quen hơi quen tiếng rồi, buồn lắm chứ.
Bù lại, cái được là công việc buôn bán của tôi trở nên thuận lợi hơn sau khi bảng nội quy bị tịch thu, tôi rất cảm ơn anh chị em báo chí và khách hàng đã quan tâm đến tấm bảng này mà nhờ đó có nhiều người biết đến quán bún bò gân của tôi hơn. Nhờ sự kiện này, tôi cũng tìm lại được những bạn bè thất lạc mấy chục năm khắp nơi trên thế giới từ cái bảng nội quy quỷ quái kia. Tôi còn nhận được nhiều lời mời hợp tác kinh doanh cũng như lời mời trở lại showbiz. Giờ thì tôi chưa trả lời gì cả nhưng thật sự tôi cảm thấy mình rất may mắn. Nếu đổi câu chuyện này cho tôi trúng số độc đắc thì tôi vẫn thích chọn thế này hơn, haha.
Những ngày cuối cùng, quán Bún bò gân của anh Dũng luôn đông nghẹt khách
Anh Dũng vẫn cặm cụi chuẩn bị nguyên liệu cho món bún bò gân trong tâm trạng bùi ngùi trước ngày quán đóng cửa
Điều anh buồn nhất khi rời khỏi quán bún bò gân ở Tôn Thất Thuyết là gì?
Đó là việc chia tay những khách hàng thân thiết hơn một năm qua, đặc biệt là những người đến quán tôi vào “khung giờ vàng” đặc biệt khi tô bún thứ 100 đã hết. Tôi gọi họ là những vị khách 101, những người đến khi quán đã hết sạch thịt bò, chả chỉ còn nước lèo, rau giá, bún và mì gói. Tôi nhớ những vị khách đặc biệt này. Tôi nhớ anh Nghĩa bán vé số.Mỗi ngày khoảng 13 giờ trưa đến hẹn lại lên, tôi chờ anh đến đây để giúp đẩy xe anh lên bậc lề đường, đợi anh bán vòng vòng vài quán cà phê rồi đẩy xe đưa anh xuống đường trở lại. Tôi không chơi vé số nhưng lâu lâu tôi hay mua một vài tờ vé số và nhờ anh Nghĩa giữ giùm nếu trúng thì anh em chúng tôi chia nhau xài. Haha, nhưng vận may vẫn chưa mỉm cười với anh em tụi tôi lần nào cả. Tôi mong anh Nghĩa có nhiều sức khỏe và gặp may mắn trong cuộc sống, sẽ gặp nhiều người có lòng hảo tâm giúp đỡ anh. Tôi nhất định sẽ quay lại thăm anh.
Tôi cũng nhớ Anh – một trong số những vị khách thứ 101 của bún bò gân hơn một năm nay. Tôi chưa biết tên Anh và rất muốn nói cho Anh biết là chỉ còn 2 ngày nữa thôi Anh hãy tranh thủ ghé quán ăn, vì sau này tôi không còn bán ở đây nữa. Tôi đã cố gắng hết sức diễn tả bằng thủ ngữ, không biết Anh có hiểu gì không, vì Anh là người câm và điếc.Tôi cầu xin Chúa giữ gìn và ban ơn lành cho Anh.
Anh Nghĩa bán vé số (ảnh trên) và vị khách hàng 101 câm điếc (ảnh dưới) – hai vị khách hàng thân thiết của anh Dũng
Được biết, sau khi bảng nội quy “bá đạo” bị tịch thu, ngoài đơn hàng “khủng” 60 tô/ngày, anh còn có rất nhiều kỷ niệm vui từ khách hàng hiếu kỳ đến ăn ở quán, anh có thể kể vài câu chuyện không ạ?
Đúng là sau khi cái bảng nội quy quỷ quái ấy bị tịch thu, mỗi ngày bán bún bò với tôi đều có niềm vui đến từ những khách hàng mới. Có một cô bay từ Hà Nội vào Sài Gòn đến quán của tôi bằng xe hơi khi quán của tôi đã bán hết sạch. Tự dưng cô ấy đứng giậm chân ngay tại quán và tự trách mình cả tuần lễ không đến, ngày mai bay về Hà Nội rồi làm sao thưởng thức món bún bò gân đây. Tôi cũng áy náy mà chẳng biết làm sao. Thật ngạc nhiên là ngày hôm sau cô ấy quay lại và mừng rỡ nói “Mừng quá, tôi dời vé được rồi”. Cô ấy ăn bún bò gân trong tâm trạng rất vui vẻ, còn gọi điện về cho bà con họ hàng khoe, rồi còn chụp ảnh nữa. Chứng kiến cảnh ấy, tôi cảm thấy mình quá hạnh phúc vì được khách hàng yêu mến như vậy.
Hay mới đây thôi, cách đây hai hôm, tôi nhận được cú điện thoại của một phụ nữ muốn cho tôi thuê mặt bằng. Tôi rất hồ hởi khi nghe tin ấy vì tôi cũng tìm kiếm mặt bằng mấy hôm rồi và giá đề nghị mặt bằng của chị ấy khá rẻ. Chưa kịp bàn bạc là tôi sẽ đến đó xem mặt bằng thế nào thì chị ấy tâm sự. “Chị bán bánh ướt ở đó từ sáng đến chiều. Cho nên chị sẽ cho em thuê mặt bằng nhưng mà dạng hợp tác, em bán bún bò gân còn kế bên chị sẽ bán bánh ướt”.Tôi chặc lưỡi bảo vậy thì không được vì như vậy thì rất khó cho việc buôn bán của tôi, vì tôi cần không gian cho bếp núc, cho khách hàng đến ăn, còn bàn ghế này nọ nữa. Tôi chưa kịp nói gì thì chị ấy tiếp lời rất nhanh. “Em cứ hợp tác với chị đi, khách của chị đông dữ lắm. Em yên tâm đi, chị đã qua quán bún bò gân của em ăn rồi, chị thấy khách đến quán em mà đợi 5 – 10 phút chị sốt ruột lắm. Nên giả dụ mà em qua đây hợp tác với chị thì khách đến mà đợi á, chị sẽ đem… bánh ướt của chị ra phục vụ liền, bánh ướt chị làm lẹ lắm”. Kaka, tôi đứng hình luôn, vậy là tôi thuê mặt bằng để bán bún bò gân hay để chị ấy bán bánh ướt đây? “Dạ, để em suy nghĩ lại”, tôi đáp lời chị ấy. Rồi xong phim, hài quá không chịu được!
Sau sự kiện bảng nội quy bị tịch thu, trả lại và quán Bún bò gân của anh trở nên nổi tiếng, các chuyên gia marketing đều phân tích câu chuyện Bún bò gân như một trường hợp làm marketing rất hiệu quả, anh nghĩ sao về điều này?
Như các bạn đã biết tôi khởi nghiệp Bún bò gân từ con số 0 một cách rất ngẫu nhiên. Đầu tiên tôi thất bại khi nấu bún bò gân dở mà đến tôi cũng không dám ăn vì tôi chẳng phải là người trong ngành nghề ẩm thực. Nhưng sau thất bại ấy, tôi nghĩ rằng người ta làm được thì chắc mình làm được. Cuộc đời tôi kể từ khi bước ra ngoài đời kiếm tiền, trải qua biết bao nhiêu nghề thì chẳng có nghề nào mà tôi được học hành bài bản cả (trừ những nghề tôi học hành tử tế thì lại không kiếm tiền được). Nên khi “đụng” món bún bò gân này cũng vậy, tôi nghĩ:“A, mình sẽ quyết tâm làm cho được món bún bò gân này”.Tôi dành thời gian suốt 2 tháng để nghiên cứu, chế biến, rồi sau đó tôi có một lượng khách ổn định, nghe họ đóng góp ý kiến để tôi hoàn thiện món ăn của mình hơn.
Sau khi quán Bún bò gân trở nên nổi tiếng sau 2 sự kiện bảng nội quy được mạng xã hội, báo chí phát hiện rồi bị tịch thu, các chuyên gia marketing đánh giá này nọ thì thật lòng tôi không dám nhận vì tôi chỉ làm điều mình thích để “lấy lòng” và “chọc cười” khách hàng của mình tôi, không tham vọng gì thêm. Thật sự, thời gian đầu khi bảng nội quy bắt đầu nóng lên, thu hút sự chú ý của mọi người, tôi cũng hơi lo. Lo là khách hàng đến vì hiếu kỳ, vì bảng nội quy mà họ đến, tôi lo sau khi họ đến thì họ có tiếp tục quay lại không? Thật vui tôi để ý quan sát thì có nhiều khách hàng quay lại và tiếp tục ủng hộ, nên tôi nghĩ:“À, họ đến vì món bún bò gân của mình chứ không chỉ vì bảng hiệu”. Từ đó đến nay, lượng khách đến quán tôi vẫn có những người hiếu kỳ, những khách hàng mới sau khi bảng nội quy bị tịch thu vẫn quay lại, là tôi cảm thấy mình thành công rồi, vì tôi đâu còn treo bảng nội quy nữa. Tiêu chí bán hàng của tôi là ngon, vệ sinh và vui vẻ, 3 yếu tố phải đi song hành với nhau. Tôi nghĩ nếu ai làm được như vậy thì cũng sẽ thành công thôi, chứ không chỉ riêng tôi.
Anh Dũng chăm chút cho từng tô bún của mình
"Tiêu chí bán hàng của tôi là ngon, vệ sinh và vui vẻ, 3 yếu tố phải đi song hành với nhau"
Anh Dũng là người luôn sáng tạo nhiều bài thơ, bảng thông báo trước mỗi sự kiện đặc biệt của quán, sao lần này chúng tôi không thấy biểu hiện gì đặc biệt trong ngày cuối cùng của quán Bún bò gân vậy ạ?
Ngày cuối cùng của quán Bún bò gân ở chung cư Tôn Thất Thuyết không có gì đặc biệt cả, tôi không muốn có điều gì đặc biệt xảy ra. Nhưng lợi nhuận 3 ngày cuối cùng, tôi sẽ đem tặng một khoản tiền nhỏ cho những vị khách hàng số 101. Có khoảng hơn hai mươi người, là những người nhặt ve chai, bán vé số, nhặt rác… Tôi nghĩ mình sẽ rời khỏi nơi đây, số tiền nhỏ tôi tặng họ cũng chẳng giúp ích gì nhiều cho họ, nhưng tôi vẫn muốn làm xem như là “tạo lộc” cho chính mình. Tôi không làm được gì nhiều để giúp họ, những khách hàng đặc biệt mà tôi yêu quý nên chỉ có thể làm được như thế này thôi.
"Với showbiz, tôi ví mình như con tắc kè vậy"
Anh suy nghĩ gì về con đường hơn 15 năm ca hát không đem lại sự nổi tiếng cho anh bằng “sự nghiệp bún bò gân” chỉ mới 1.5 năm của anh, khi giờ đây từng đường đi nước bước của quán Bún bò gân “bá đạo” nhất Sài Gòn luôn được báo giới quan tâm và người hâm mộ theo dõi?
Mấy người bạn đồng nghiệp ca sĩ của tôi cũng nói y như vậy: “Mày đi hát cả 15 năm không nổi tiếng, bán bún bò gân mới có 1 năm nổi tiếng rần rần cả thế giới là sao?”. Tôi mới nói: “Tụi bây bỏ nghề hết đi bán bún bò như tao đi. Tụi nó nói: Bán bún bò thì cũng được nhưng chưa đủ độ khùng như mày nên thôi vẫn làm ca sĩ chắc ăn”. Thật sự thời xưa tôi đi hát khi lên sân khấu tôi cũng thích làm trò này trò nọ rồi. Nhưng có lẽ nền âm nhạc khi ấy còn nghiêm túc quá, không ai chấp nhận “sự khùng” của tôi nên không nổi tiếng được. Giờ tôi thoải mái bán bún bò vỉa hè nên sẽ tha hồ....
Những ngày cuối cùng ở chung cư Tôn Thất Thuyết, anh Dũng muốn thời gian trôi đi thật chậm để anh lưu giữ mãi kỷ niệm với những con người ở nơi này.
Khách hàng nào cũng muốn chụp ảnh kỷ niệm với ông chủ quán Bún bò gân bá đạo nhất Sài Gòn
Cùng với “sự nghiệp” Bún bò gân phát triển, có vẻ con đường nghệ thuật anh đi trước đây cũng rộng mở hơn trước phải không ạ?
Nếu quay trở lại showbiz thì anh Dũng Đinh sẽ xuất hiện như thế nào ạ?
Tôi sẽ làm ca sĩ và hát nhạc xưa. Tôi ví mình giống như con tắc kè vậy, tôi thích gì sẽ hát đó chứ không theo một dòng nhạc nào cả. Tôi nghĩ cỡ tuổi tôi mà lên sân khấu quậy tưng như ngày xưa chắc người ta nghĩ mình bị tâm thần, nên thôi, chắc sẽ không quậy nữa đâu. Nhưng có một điều chắc chắn, với tính cách của tôi, tôi không làm điều gì quá nghiêm túc được và tôi luôn có cách riêng của mình để làm tất cả mọi việc.
Anh có thể cho biết cuộc sống của anh đã thay đổi thế nào sau khi bảng nội quy “bá đạo” bị tịch thu?
"Hẹn gặp lại các bạn ở Tập 2 Liveshow Bún bò gân"
Dù cuộc sống và việc buôn bán bún bò gân của anh gặp nhiều trắc trở nhưng trên Facebook của Dung Dinh, ai cũng thấy anh rất hài và “rất bá đạo” trong nhiều chủ đề khác. Quan điểm sống của ông chủ quán bún bò gân “bá đạo” nhất Sài Gòn là gì ạ?
Cuộc sống này vốn có nhiều trắc trở nên với tôi, khi gặp một trắc trở nào đó thì mình nên đón nhận nó. Giải quyết trắc trở không xong thì phải chấp nhận nó thôi, chứ ngồi buồn bã suốt ngày thì kết quả vẫn thế. Cánh cửa này đóng lại chắc hẳn sẽ có cánh cửa khác mở ra. Tôi đã từng làm ăn thất bại nợ nần khắp nơi, cũng đau buồn nhiều đến mức không muốn sống nữa, nhưng rồi cũng vượt qua được hết. Khi nhìn lại mọi việc tôi thấy mình ngu quá, bỏ phí quá nhiều thời gian cho chuyện đau buồn nhưng kết quả vẫn bằng không. Thế nên, phương châm sống của tôi là “Chuyện của hôm qua thì không bao giờ thay đổi được. Hãy cứ hãy sống vui cho hết hôm nay đi vì ngày mai ai biết được chuyện gì xảy ra”.
Phương châm sống của tôi là “Chuyện của hôm qua thì không bao giờ thay đổi được. Hãy cứ hãy sống vui cho hết hôm nay đi vì ngày mai ai biết được chuyện gì xảy ra”.
Quán bún bò gân dời đến địa điểm mới sẽ có phong cách thế nào ạ?
Tôi sẽ cố gắng tìm địa điểm thật tốt, tốt cho công việc của tôi và tốt cho cả khách hàng. Tôi khởi nghiệp bún bò từ một sự ngẫu nhiên vì tôi không hiểu biết gì về ngành ẩm thực cả, nhưng giờ đây, bún bò gân đã thành công như vậy là nhờ sự ủng hộ của đông đảo khách hàng thân thiết. Trong tập 2 của bún bò gân, phong cách của quán vẫn sẽ như cũ, ý là độ hài và “độ khùng” của tôi vẫn sẽ không thay đổi, nhưng tôi sẽ thay đổi một số chi tiết để việc buôn bán chuyên nghiệp hơn.
Phong cách quán mới là nhân viên sẽ mặc đồng phục, đồng phục thế nào thì xin phép tôi chưa tiết lộ, nhưng tôi sẽ gây hài cho thực khách đến quán. Kế đến, tôi sẽ không để tình trạng khách chờ lâu như ở Bún bò gân Tập 1 ở chung cư Tôn Thất Thuyết nữa, ở đấy tôi không khống chế được tình hình, tôi sẽ rút kinh nghiệm để Tập 2 Bún bò gân sẽ phục vụ khách hàng tốt hơn và chuyên nghiệp hơn. Tập 2 Bún bò gân cũng sẽ không ngồi vỉa hè nữa mà chuyển vào trong nhà, khi ấy tôi cũng tự do sáng tạo những tấm bảng thông báo cho quán theo dòng từng sự kiện thời sự hay trào lưu mà mọi người quan tâm giống như trên Facebook của tôi vậy. Quán Bún bò gân Tập 2 sẽ giống như sân khấu của riêng tôi vậy, ví dụ như không phải là bảng hiệu bán Bún bò gân nữa mà là “Liveshow Bún bò gân, mở màn lúc mấy giờ đến mấy giờ, Chủ nhật nghỉ” chẳng hạn. Kaka, kiểu khìn khìn như vậy, liveshow người ta tổ chức cuối tuần thì liveshow Bún bò gân sẽ tổ chức vào ngày thường.
Bảng nội quy “bá đạo” được xem như là dấu ấn quan trọng trong “sự nghiệp” bán bún bò của anh đưa anh trở thành người nổi tiếng trong khi nó chỉ tồn tại được khoảng 4 tháng. Nếu được làm một bài thơ về bảng nội quy huyền thoại này, bài thơ của anh sẽ thế nào ạ?
Hẹn gặp lại ở "Liveshow Bún bò gân" nhé các bạn!
Cảm ơn anh Dũng về cuộc trò chuyện đầy vui nhộn. Hy vọng "Liveshow" Bún bò gân Tập 2 của anh sẽ gây bất ngờ cho khán giả lẫn thực khách thân thiết, những người đang háo hức theo dõi hành trình tiếp theo của quán Bún bò gâm “bá đạo” nhất Sài Gòn. Và hy vọng showbiz Việt trong thời gian sắp đến, tên ca sĩ Dũng Đinh sẽ xuất hiện như một làn gió mới đầy tươi vui.