Chủ hàng bánh ướt “chạy” hút khách Tây ở Sài Gòn và suy nghĩ bá đạo: Thích “ế” để sống vui vẻ

Mộc Cát,
Chia sẻ

Trái ngược với nhiều người buôn gánh bán bưng khác khi luôn cầu mong mình được mua may bán đắt, người phụ nữ này lại cực kỳ thoải mái và cảm thấy vui mừng khi hàng bánh ướt của mình bán… ế.

Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ một hình ảnh đầy thú vị về một chàng trai Tây đứng “lom khom” chờ mua bánh ướt lề đường. Bức ảnh đi kèm câu chuyện về một hàng bánh ướt “chạy” đã tồn tại 26 năm giữa lòng Sài Gòn, chứng kiến biết bao lớp người đến rồi đi. 

Mưu sinh bên hông Bảo tàng chứng tích chiến trang (Q.3, TP.HCM), đôi vợ chồng già đã có những kỷ niệm thật đẹp với cái nghề đã nuôi sống cả cuộc đời mình.

7
Bức ảnh đi kèm câu chuyện mà anh T.G.T chia sẻ trên mạng xã hội. (Ảnh: tác giả cung cấp)

Mối ruột của “Tây, Thái ba lô”

Trên trang cá nhân của mình, anh T.G.T chia sẻ:

Anh chàng Tây này tới đưa 25 ngàn, rồi đứng chồm hổm nhìn cô bán hàng xếp đồ ăn vô hộp. Lúc nãy nó mới ăn một phần rồi, giờ quay lại mua một phần nữa.

Bánh ướt quán này không có để trong đĩa mà để trong hộp xốp cho cơ động. Vợ chồng cô này bán 26 năm rồi. Sáng thì ngồi lề đường Lý Tự Trọng, gần Đồng Khởi, đến 13 giờ thì chạy qua Lê Quý Đôn...

Bán lề đường, ngồi bệt thôi mà xe hơi ghé ăn, Việt kiều ghé ăn...

Bánh ướt luôn trong nồi hấp nên lúc nào cũng nóng. Giá cũng hấp từng ít một nên còn tươi. Chả thì bảo đảm ngon, không phải loại chả bột, lấy từ lò làm chả nổi tiếng ở Gò Vấp.

Tui ăn cũng được 15 năm rồi. 2 vợ chồng nói chuyện dễ thương nên tui ghé hoài. Nước mắm bao ngon luôn”.

Câu chuyện thú vị ấy nhanh chóng được cư dân mạng hưởng ứng nhiệt liệt. Nhiều người tự hào khi nói về hàng bánh ướt bình dị, thân thiện, về những buổi chiều kẹt xe vội vã tranh thủ ghé ngang. Và họ dành những lời có cánh cho cặp vợ chồng bán bánh với tính cách bỗ bã nhưng nhiệt tình đúng “chất” Sài Gòn.

2
Tính cách bỗ bã nhưng rất chân tình, cô Liên được nhiều khách hàng yêu quý.

Men theo địa chỉ mà người viết để lại, rốt cuộc chúng tôi cũng tìm ra nhân vật chính trong câu chuyện: cô Nguyễn Thị Kim Liên (52 tuổi) và người chồng Đặng Quỳnh Lương (57 tuổi). Khi nhìn thấy tấm hình chụp mình, cô Liên ồ lên: “A, “thằng Tây” bữa trước nè. Nó không ăn được chả, nên bán cho nó có 15 ngàn hà. Tây giàu thì ít chứ tụi “Tây ba lô” hay ghé chỗ cô ăn lắm”.

Ngồi gọn lỏn tại một góc nhỏ bên hông Bảo tàng chứng tích chiến tranh (TP.HCM), sạp hàng của cô Liên chỉ đơn giản là chiếc cần xé lớn đủ để đựng những hộp nhựa, đũa tre, nước mắm, rau và những miếng bánh ướt xắt nhỏ. Cô kể cho chúng tôi nghe điều đã từng kể với anh T.: “Hôm trước có một thằng Tây đi ngang qua, nhìn một lúc rồ rụt rè đưa điện thoại cho cô xem. Có hiểu gì đâu, nên ngồi cả buổi mới biết nó nói gì. Thì ra nó có thằng bạn ăn chỗ cô rồi, nó về nước giới thiệu cho thằng này, qua Việt Nam phải ghé hàng bánh ướt này ăn”.

3
Khi có khách đặt bánh ướt, chú Lương lãnh nhiệm vụ đi giao hàng.

Lần khác, có ông sếp người Đức được nhân viên mua cho hộp bánh ướt ăn, vừa miệng quá nên khoái, tự mình ra chỗ cô mua luôn. “Mấy đứa bán hàng rong thấy ổng bận đồ bảnh bao, tưởng mới ở bển qua nên chạy lại chèo kéo mua đồ. Hổng dè ổng nói tiếng Việt ngọt xớt làm tụi nó ngớ người hết” – cô Liên cười sảng khoái.

Thậm chí có lần cô còn tiếp luôn khách Thái Lan: “Tụi Thái đến nói chuyện vui lắm. Mỗi lần đi ăn là kéo cả đoàn. Mà lâu rồi không thấy, chắc về nước hết trơn rồi”.

Đông khách căng thẳng lắm, ế như vầy thích hơn

Trái ngược với sự vui vẻ của cô Liên, chú Lương có phần trầm ngâm, ngồi trên chiếc xe máy cũ nhìn xa xăm, khi nào có khách mới lầm lũi chạy lại nhận “order” rồi đi giao. Cả chục năm nay, chiếc xe ấy là chỗ dựa của hai vợ chồng già.

4
Hộp bánh ướt nóng hổi, chả lấy tại nơi uy tín và nước mắm ngon là bí quyết hút khách của hai vợ chồng.

Gần 30 năm trước, cô Liên bán trái cây ở chợ Bến Thành, còn chú Lương hành nghề đạp xích lô. Chạm mặt riết thành ra cảm mến, cái ngày hai người về góp gạo thổi cơm chung, cô Liên mới tròn 18 tuổi. Một năm sau thì sinh đứa con đầu lòng. Khoảng thời gian này, cô Liên chuyển sang bán bánh bò, bánh tiêu nhưng không khá khẩm là bao. Đến khi đứa con thứ hai ra đời, cuộc sống ngày càng túng thiếu.

Thấy vậy, anh bán bánh ướt bên đường Bích Tưa (Pasteur) mới ngỏ ý nhượng lại xe hàng cho cô, kêu thử đổi nghề coi may mắn không, chứ ảnh cũng muốn nghỉ rồi. Thôi thì có gì làm đó, hai vợ chồng đánh liều chơi đại”.

1
Khách ăn ngoài những "anh Tây" thì đa phần là dân công sở, nhân viên văn phòng.

Vậy là từ đó, mỗi ngày cô Liên cùng chồng đẩy xe bánh ướt vô trung tâm thành phố bán dạo. Khoảng thời gian đầu vô cùng khó khăn khi chỉ lẹt đẹt vài người mua. Dần dà họ cải tiến nước mắm, lại chọn mua nguyên liệu tại những chỗ uy tín, bán đến đâu làm đến đấy nên chất lượng bánh được nâng lên, khách bắt đầu ổn định.

Cỡ 5-6 năm trước mà tụi con tới giờ này không đời nào cô tiếp đâu, khách mua đứng xếp hàng dài. Giờ mối quen nghỉ hưu hết rồi, khách nước ngoài đa số cũng về nước. Nhờ vậy mới khoẻ” – Cô Liên nói nhẹ nhàng.

6
Dù là khách cao sang hay bình dân, vợ chồng cô Liên cũng tiếp đãi đàng hoàng.

Thấy vẻ mặt bất ngờ của chúng tôi, người phụ nữ tiếp lời: “Hồi đó cứ tay này xắt rau thì tay kia phải lấy bánh, chan nước mắm, làm liên tục không kịp thở nên mặt lúc cô lúc nào cũng nhăn nhó khó chịu hết. Con coi giờ rảnh tay rảnh chân, thấy cô cười vui không. Cho cô chọn lại cô cũng thích ế như vầy, ngày bán vài chục hợp đủ sống là được rồi” – người phụ nữ tiếp lời.

Bán được ngày nào hay ngày đó

Thoải mái là vậy nhưng cũng có lúc đôi vợ chồng gặp chuyện buồn. Cô kể có lần một đám thanh niên chạy ào đến, hỏi bán món gì. Khi nghe tên bánh ướt, cả đám trợn trừng mắt, la làng lên “quay đầu là bờ” rồi phóng đi một nước. Mấy lần tương tự vậy, hai vợ chồng chỉ biết lắc đầu, bảo nhau: “Làm như tụi trẻ bây giờ không thích ăn bánh ướt nữa”.

Nói chuyện hồi lâu nhưng thấy cô Liên cứ ngồi một chỗ không nhúc nhích. Hỏi kỹ, chúng tôi mới biết cô bị thoái hoá khớp háng đã 7 năm nay. Dù đã được bác sĩ cảnh báo phải ngồi ghế thật cao và mang nạng nhưng vì cuộc sống, cô đánh liều tiếp tục ngồi xổm đi bán. Hậu quả là chân phải của cô gần như liệt, mỗi lần muốn leo lên xe phải dùng tay nhấc bổng lên.

8
Hai người chỉ dọn hàng khi phố thị đã lên đèn,

26 năm hít bụi đường, nhờ hàng bánh ướt dạo, cô Liên và chú Lương đã nuôi được hai đứa con khôn lớn nên người, có cuộc sống riêng. Có điều, chẳng ai muốn theo nghề bán bánh ướt của cha mẹ, bởi cái sự lăn lộn giữa chợ trời, chiều chuộng khách thập phương dường như là bài toán quá nan giải với họ.

5
"Bán được lúc nào hay lúc đó" - cô Liên nói.

Chính vì điều này, nên dù có đôi lúc mỏi mệt, hai vợ chồng cô Liên vẫn đều đặn với lịch trình quen thuộc: 3 giờ sáng thức dậy, 5 giờ đi bán, 7 giờ tối trở về. Cả hai đã xác định bám trụ được với nghề ngày nào hay ngày đó. Người vợ sợ khi mình không nhấc nổi bàn chân lên xe, bịch nước mắm ngọt sẽ không có người thưởng thức, miếng bánh ướt vì thế cũng chẳng còn cơ hội để được khen ngon.

Và chúng tôi cũng sợ. Sợ ngày nào đó một món quen thuộc, ngọt ngào và chân chất nữa của Sài Gòn không còn ở góc phố quen thuộc đến thân thương này nữa...

Chia sẻ