Viết tiếp câu chuyện tình người trên đất Sài Gòn: “Người đặc biệt” của anh bán vé số cụt cả hai tay
“Ai đã chăm sóc cho anh kể từ ngày cô em gái trở về quê?”, những thắc mắc mà chúng tôi cố gắng hỏi anh Thanh đã có lời giải khi nhân vật "bí ẩn" xuất hiện.
Câu chuyện về tình người giữa Sài Gòn của cô Lê Thị Cúc, chủ nhân sạp bún bò đầu chợ Bàn Cờ (Q.3) với anh bán vé số tật nguyền Nguyễn Đức Thanh (30 tuổi, quê Bình Định) vẫn chưa đến hồi kết, bởi nó vô tình tiết lộ một câu chuyện cảm động khác. Gần hai năm nay, kể từ lúc em gái anh Thanh về quê lấy chồng, có một người phụ nữ khác đã không quản khó nhọc, chăm sóc cho anh từng miếng ăn giấc ngủ. Lạ thay, chị không lấy một đồng tiền công, cũng không phải ruột rà máu mủ của anh bán vé số.
"Người đặc biệt" của anh Nguyễn Đức Thanh.
2 năm làm kiếp nuôi tằm
Đó là chị Huỳnh Thị Thảo (44 tuổi, quê Quảng Nam), hàng xóm của anh Thanh tại khu nhà trọ nằm sâu trong một con hẻm trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh). Mỗi ngày, chị là người trực tiếp lo lắng cho anh bán vé số không tay từ việc tắm rửa, giặt giũ đến ăn uống, đi vệ sinh.
“Sáng tôi đánh thức nó dậy, súc miệng rồi cho nó ăn sáng. Xong xuôi, tôi kêu thằng con trai chở nó ra đầu đường bắt xe buýt đi bán. Đến tối nó về thì tôi tắm rửa, thay quần áo, đút cơm cho nó ăn” – chị Thảo nói.
Hỏi vì sao lại tự nguyện làm công việc này, chị mỉm cười: “Cũng chẳng hiểu vì sao nữa, chắc do duyên nợ”.
Chị kể, mình vào Sài Gòn năm 1990. Ít lâu sau, chị lập gia đình với một người đàn ông, sinh cho anh ta hai đứa con. Nhưng cuộc hôn nhân sớm đổ vỡ khi người chồng suốt ngày cờ bạc rượu chè, ăn chơi trác táng. Ngày li dị, chị Thảo để lại hết tài sản giá trị cho chồng, dắt hai đứa con ra ở trọ, mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm ngoài bến xe miền Đông suốt mười mấy năm trời.
Mọi sinh hoạt từ tắm rửa, ăn uống, giặt giũ của anh đều do một tay chị Thảo cáng đáng.
Mỗi lần đi tắm, chị lựa từng cái quần, chiếc áo cho anh.
"Ban đầu rất ngại nhưng rồi cũng quen dần" - chị Thảo nói.
Khi anh Thanh cùng em gái đến ở phòng kế bên cũng là lúc chị Thảo nghỉ hẳn chạy xe ôm ngoài bến xe, chuyển sang chở mối cho một vài khách quen hằng ngày. Con lớn của chị cũng đi làm phụ mẹ nên cuộc sống tương đối ổn định.
“Hồi nó mới đến, tôi sợ lắm. Nhìn tướng ốm nhom, cụt hai tay, trên mình lại xăm, dữ tợn như giang hồ. Tôi còn nói các con đề phòng nữa” – Người phụ nữ tiếp lời.
Một thời gian sau, biết được hoàn cảnh bất hạnh của chàng trai, lại thấy anh hiền lạnh chịu khó, chị Thảo xoá hết mọi nghi ngại. Ở nhà rảnh rỗi không có việc gì làm, chị hay sang nhà trọ anh chơi, rồi phụ cô em gái đút cơm cho anh ăn. Dần dần trở thành thói quen, mỗi lần em gái hàng xóm bận việc gì đều nhờ cậy chị “trông” anh giúp. Xóm trọ chỉ có hai nhà nên tối nào đi bán về, anh Thanh cũng chạy sang nhà chị chơi. Thành ra thân thiết.
Vì chán đời, đã từng có thời gian anh Thanh uống rượu bia, buông xuôi số phận.
Thậm chí nghe lời bạn bè, anh còn tập tành đi xăm để không ai muốn đến gần mình.
Cho đến giữa năm 2014, cô em gái sang nhà báo tin sẽ về quê lấy chồng, chị Thảo bất ngờ, hỏi em về rồi thằng Thanh tính sao. Lần này, cô em cậy nhờ chị một việc to lớn hơn rất nhiều: Chăm sóc anh Thanh cho đến ngày cô trở lại.
“Phân vân mãi, tôi mới gặp vài người bạn. Nghe tôi kể chuyện, họ khuyên thôi cứ giúp người ta làm phước, tích đức cho con cháu sau này. Tôi nghĩ cũng đúng, nó đáng tuổi em mình mà đã mang tật. Mình may mắn lành lặn, cũng nên cưu mang nó”.
Vậy là từ đó, chị Thảo trở thành người cáng đáng mọi sinh hoạt của anh Thanh. Chị nhớ lại, lần đầu tiên đầu tắm cho anh ngại lắm, đến nỗi cứ vặn vòi sen cho ướt hết đồ, rồi trút xà bông lên đầu, vừa gội vừa nhắm mắt.
Nhưng kể từ ngày được chị Thảo cưu mang, cuộc sống của chàng thanh niên đã thay đổi hoàn toàn.
Nhưng khó khăn hơn rất nhiều là lúc giúp anh đi vệ sinh, vừa trấn an tinh thần, vừa phải vượt qua ranh giới đạo đức giữa nam và nữ. “Để nuôi hai đứa con khôn lớn, tôi đã làm đủ mọi công việc thấp hèn nhất, nên không ngại bất cứ chuyện gì. Tôi cứ nghĩ nếu mình không giúp nó thì nó sẽ chết, bởi xung quanh đâu còn ai nữa. Ráng vài ba tháng chờ em nó lên. Vậy là làm được thôi à”.
“Tôi coi chị Thanh và hai đứa con chị như gia đình thứ hai”
Ấy vậy mà chờ mãi, chờ mãi, vài ba tháng đã thành hai năm. Nhờ bàn tay chăm sóc hằng ngày của chị Thảo, anh Thanh từ chỗ gầy gò đen đủi nay đã có da có thịt. Đổi lại, anh lo tiền cơm cho cả nhà bằng số tiền bán vé số kiếm được. Đáng mừng hơn, anh còn để dành tiền để gửi về quê mỗi tháng, thay vì ngốn hết vào men rượu giải sầu như trước. Chị Thảo giải thích: “Tôi nói với nó muốn được lo lắng thì không được rượu chè nữa, để tiền đó gửi về cho cha mẹ, vì khi mình bị nạn, cha mẹ đã vay mượn rất nhiều tiền để lo cho mình rồi. Làm người thì phải có chữ hiếu”.
Từ một người đen đủi ốm yếu, anh Thanh đã mập mạp và sáng sủa hơn rất nhiều.
Đó là nhờ vào những bữa cơm đạm bạc mà chị Thảo nấu cho anh ăn mỗi ngày.
Mới hồi Tết, vết thương ở chân anh Thanh trở nặng, lở loét nhiều chỗ. Sau khi phẫu thuật từ bệnh viện trở về, chị Thảo lại trực tiếp băng bó, chăm sóc cho anh từng đêm. Thấy anh buồn, chị trấn an, nói ráng cầm cự, khi nào chị trúng số sẽ cho tiền về quê, chu cấp hàng tháng.
Nhưng thay vì vui mừng, anh Thanh lại lắc đầu, bảo không muốn về nữa. Bởi nơi ấy bạn bè không còn niềm nở, người thân lại kề cận một cách miễn cưỡng. Về quê, anh thấy mình thật vô dụng.
Trời nổi cơn mưa lớn. Anh Thanh trở về phòng trọ khi tối mịt, trên người ướt sũng. Tắm rửa xong xuôi, chị Thảo xúc một tô cơm lớn đút cho chàng trai. Anh bán vé số ăn ngon lành như thể đó là sơn hào hải vị. Rồi anh nhanh nhảu đứng dậy lấy cùi chỏ ấn nút mở màn hình tivi, một trong những việc hiếm hoi mà đôi cánh tay đã cụt quá nửa có thể làm được. Họ vui vẻ cùng nhau dưới mái căn nhà trọ ẩm thấp, tồi tàn như thể cuộc đời chẳng có gì bận bịu.
Từ chỗ không làm được bất cứ việc gì, anh Thanh nay đã tự mặc được áo, lấy nón trên bàn, bật công tắt điện hay nhấn nút nguồn tivi.
Chị Thảo bảo sẽ cùng các con ráng làm kiếm tiền để về Hóc Môn cất một ngôi nhà nho nhỏ, chứ ở trọ hoài bất tiện quá. “Xong xuôi sẽ dẫn thằng Thanh xuống ở cùng, chứ để lủi thủi một mình tội nghiệp. Còn nó muốn đi đâu thì để cho nó đi”.
Quay sang anh Thanh, chúng tôi hỏi ý anh thế nào. Chàng trai trả lời thẳng thừng, vẻ mặt nghiêm túc: “Trừ khi chị đuổi tôi, còn không tôi sẽ theo chị suốt đời. Tôi coi chị Thảo và mấy đứa con chị như gia đình thứ hai của mình rồi”.
Anh Thanh đã xem đã xem chị Thảo như "người đặc biệt" của cuộc đời mình.
Có lẽ “giao kèo” trông giúp anh trai vài tháng mà chị Thảo thoả thuận với cô em gái sẽ được gia hạn vĩnh viễn.
Phí gia hạn: Tình người!