Chồng ném cho 2 triệu để sắm Tết rồi vênh váo, tôi giơ điện thoại ra rồi nói một câu khiến anh tẽn tò
Chồng tôi lương đã không cao lại còn luôn chắt chịu mua đồ cho nhà đẻ. Mua sắm đồ dùng, ăn uống, nuôi con... anh để mặc tôi gánh vác. Suốt 4 năm trời như thế khiến tôi cảm thấy không thể chịu nổi nữa.
Tôi nghĩ ra Tết tôi sẽ ly hôn... Bởi cuộc sống với anh chồng hời hợt, vô tâm này đã quá mệt mỏi rồi!
Vĩnh với tôi kết hôn được 4 năm, có một cậu con trai hơn 2 tuổi. Anh đang làm nhân viên văn phòng với mức lương 10 triệu. Nói thật, số ấy mà sống ở Hà Nội một mình còn không mấy dư dả, huống chi còn phải lo cho vợ và con? Thế nên hầu hết các chi phí sinh hoạt trong nhà từ cục xà bông cho tới thứ to tát hơn như tủ lạnh, TV đều một tay tôi sắm sửa.
Đúng hơn là Vĩnh cũng chẳng bao giờ chủ động đưa tiền cho vợ, mỗi lúc tôi muốn mua món đồ gì to tát thì anh mới góp vào 1 chút. Còn bình thường, anh chỉ đưa 1 - 2 triệu (tùy tháng) gọi là đóng tiền ăn, còn đâu để mẹ giữ.
Mọi người không nghe nhầm đâu, mẹ chồng tôi giữ tiền của chồng đấy dù chúng tôi sống riêng và cách xa nhau gần 100km. Cũng không thể trách bà được, mà vẫn đề là chồng tôi lúc nào cũng như cậu bé to xác nên bị phụ thuộc vào mẹ quá nhiều.
Chưa hết, anh lúc nào cũng chỉ nghĩ tới bố mẹ, còn vợ con dường như là vô hình luôn vậy. Có lần anh mua yến sào, nhân sâm mang về cho bố mẹ nhưng cậu con trai 2 tuổi thì cũng mặc kệ, chưa từng được bố mua cho hộp sữa. Ngày lễ được thưởng, anh đem tiền thưởng mua cho mẹ đẻ chiếc dây chuyền, tôi và con cũng mặc kệ. Hay như Tết, anh xách giỏ lớn giỏ bé về nhà, còn nhà ngoại chẳng chút gì.
Tôi nhớ có lần bảo chồng mua cho con chiếc xe, anh gạt đi rồi bảo:
- Em mua cho con đi, những việc như thế cần gì anh quyết!
- Không phải anh quyết, mà em muốn anh bỏ tiền ra mà mua. Con là con của chung hay của mình em vậy?
- Lo cho con mà em cũng tính toán thế à? Em không lo cho bố mẹ chồng thì anh lo, mỗi người mỗi việc sao em còn tị nạnh nữa?
- Bố mẹ 2 bên thì cả 2 đứa đều phải lo, con cái cũng là của chung cũng chung tay nuôi nấng, chăm sóc. Em mà cũng chăm chăm lo cho bố mẹ đẻ thì ai sẽ là người nuôi con đây?
Đuối lý, Vĩnh gạt đi. Và chỉ có mình tôi bế con đứng trong nhà nhìn theo bóng chồng khuất dần ở ngoài ngõ.
Tôi chịu đựng cuộc hôn nhân như thế suốt 4 năm trời, nói thật đã quá chán ngán. Nhưng vốn dĩ cũng do tôi khi mới kết hôn đã không dứt khoát nên mới khiến chồng được thể. Thành ra, cứ mỗi ngày chồng lại vô lo với vợ con thêm 1 tí.
Mãi cho tới dịp gần Tết, con bị sốt xuất huyết, tôi bỏ hết việc cơ quan ôm thằng bé vào viện. Không chỉ bị phạt vì nghỉ nhiều giữa lúc gấp rút, tôi còn tốn không ít tiền nuôi con 2 tuần. Thế mà số lần Vĩnh vào thăm con được 2 - 3 lần, và anh chỉ mua duy nhất được 1 dây sữa, 1 cân cam cho thằng bé. Tôi không hiểu anh có yêu thương đứa con đẻ của mình chút nào không nữa.
Chính việc này, tôi quyết định không thể chung sống thêm nữa. Có chồng cũng chỉ như không, chi bằng tôi tự mình làm việc, kiếm tiền và nuôi con cho rồi.
Vốn đã đang ấp ủ kế hoạch ấy thì tối hôm qua, anh về nhà xong cầm 1 xấp tiền, ném xuống bàn xong vênh váo:
- Đây, cho em sắm Tết. Cứ thoải mái đi, mua gì mà biếu bên ngoại nữa. Lúc nào cũng chê chồng, em xem có mấy người xông xênh như anh?
Tôi chướng mắt vô cùng. Suy cho cùng cũng xác định bỏ, không cần nhẫn nhịn gì nữa nên tôi sẽ đáp trả tới cùng. Tôi mở tin nhắn thông báo số dư của ngân hàng ra, giơ điện thoại lên cho chồng thấy:
- Anh nhìn đi, đếm xem bao nhiêu con số. Anh nghĩ tôi cần 2 triệu này à? Cũng nói thêm để anh biết, qua cái Tết này chúng ta đường ai nấy đi, phải nuôi báo cô anh mấy năm trời như thế tôi mệt rồi.
Vĩnh tẽn tò khi thấy tài khoản của tôi có hơn 130 triệu đồng. Anh ta không nói lên lời, mãi mới ấp úng xin tôi hãy nghĩ lại chuyện ly hôn. Tôi gạt phắt đi, cuộc hôn nhân này tới lúc cần chấm dứt rồi.