Chồng “mặc váy”…
“Thành công lớn nhất của tôi là dạy chồng biết mặc váy. Đấy bà xem, tôi chả phải đụng tay vào việc gì, tha hồ làm đẹp để giữ chồng”.
Nghe bạn khen chồng đảm đang, thương vợ, chị Thoa tuyên bố: “Nhờ tôi đào tạo nên ổng mới sáng mắt ra đấy. Chồng ngoan là phải biết hầu vợ hầu con…”. Vừa nói chị Thoa vừa đánh mắt sang chồng: “Đúng không anh?”. Anh Hùng nghe thế tuy không vui nhưng vẫn gật đầu: “Ừ, không vì vợ con thì vì ai?”.
Anh Hùng làm trong viện nghiên cứu, còn chị Thoa (vợ anh) là trưởng phòng kinh doanh của một công ty thiết kế nội thất. Vốn xinh xắn với đôi má lúm đồng tiền lại thường xuyên phải ra ngoài giao du, gặp gỡ với đối tác nên chị Thoa càng ăn diện, sành điệu hơn. Thời gian trang điểm, phấn son, váy áo của chị “ngốn” nhiều hơn dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, cơm nước.
Cô con gái (học lớp 8) cũng bắt chước mẹ làm nũng bố, không chịu đụng tay đụng chân vào việc nhà. Khi mẹ “ra uy” với bố thì cô bé cũng được nước vào hùa: “Móng tay mẹ mới sơn nên rửa bát sẽ bị xấu đi” hay “Mẹ mặc đẹp thế mà phải đi đổ rác thì kỳ quá”. Nhiều lúc anh Hùng mệt mỏi với công việc ở viện ngập đầu, muốn vợ đỡ đần việc nhà cũng không xong. Chị Thoa luôn theo đuổi chân lý của mình rằng chị là người kiếm tiền chính trong nhà. Và còn vì chị sợ chồng rảnh sẽ ra ngoài tụ tập rượu chè dễ sinh hư hỏng.
Hai mẹ con chị Thoa ỷ vào bố lâu dần nên thành thói quen. Hôm nào về chồng nấu cơm thì chị nhào vào ăn, còn bằng không thì ra hiệu ăn cho nhanh, cho tiện. Cô con gái cũng được mẹ cho một khoản tiền ăn buổi tối riêng để phòng khi bố bận không kịp nấu cơm tối.
Anh Hùng cứ múa như con rối với rau, với thịt cá mà không một lời kêu ca (Ảnh minh họa).
Anh Hùng đã quá chán nản vì cứ tầm 6 giờ chiều lại bị vợ gọi điện để hỏi: “Tối nay anh có nấu cơm nhà không để em biết?”. Anh hiểu rằng nếu như anh không nấu thì chị sẽ lại “làm bạn” với cơm hàng cháo chợ. Nhà người ta thì vợ ngồi chờ chồng bên mâm cơm, còn nhà anh thì ngược lại. Ăn một mình thì chán mà chờ vợ chờ con về ăn thì cơm canh lạnh tanh hết rồi.
Xong anh lại lọ mọ đi thu dọn bát đũa và rửa cho nhanh. Trong khi đó vợ anh lại ôm laptop lướt facebook chém gió. Còn cô con gái thì một tay nhắn tin cho bạn, mắt dán lên màn hình vô tuyến. Ngay đến cả quần áo bẩn vợ con anh tắm xong cũng chỉ vứt bừa bãi ra đó, anh lại bỏ vào máy giặt. Nhắc vợ con nhiều cũng chán vì lần nào cũng chỉ nhận được câu trả lời: “Nhà này ai thích sạch sẽ thì dọn dẹp, còn bằng không thì thôi, cấm kêu ca, cấm ý kiến ý cò”.
Anh Hùng ít nói nên cứ lủi thủi đi chợ mua thức ăn rồi cặm cụi xào nấu. Còn vợ con anh thì í ới đủ kiểu, vợ thì giục giã chồng nấu nhanh để ăn còn ôm laptop, con thì kêu bố nấu nhanh để ăn còn đi học thêm buổi tối.
Cuộc sống cứ đều như vắt chanh như vậy, ngay cả khi bố mẹ chồng hoặc họ hàng bên chồng lên chơi mà chị Thoa vẫn không thay đổi, dù chỉ là giả tạo để “che mắt thiên hạ”.
Anh Hùng cứ múa như con rối với rau, với thịt cá mà không một lời kêu ca. Chị Thoa thấy chồng tận tụy vậy nên hả hê lắm. Ngay cả bản thân chị cũng quên mất vị trí của mình là người vợ, người mẹ trong nhà. Quen “bán khoán” việc nhà cho chồng nên chị Thoa thỏa sức làm đẹp, nay spa, ngày mai đi mua sắm.
Cho đến một hôm mấy người bạn của vợ đến chơi, thấy anh Hùng phải vào vai đầu bếp, còn chị Thoa cứ ngồi ngoài phòng khách chỉ trỏ, hách dịch đủ kiểu và luôn miệng gọi chồng là “con ong chăm chỉ” trước mặt mọi người khiến anh Hùng khó chịu. Anh còn giật mình khi nghe vợ ghé tai bạn nói vừa chỉ tay xuống bếp: “Thành công lớn nhất của tôi là dạy chồng biết mặc váy. Đấy bà xem, tôi chả phải đụng tay vào việc gì, tha hồ làm đẹp để giữ chồng”.
Cố gắng im lặng để giữ lịch sự trước mặt bạn vợ, nhưng thật sự lời nói của vợ đã là “giọt nước tràn ly”, phá vỡ sự im lặng của anh bao năm nay. Anh Hùng cảm thấy đã chán “mặc váy”, chán làm con ong chăm chỉ (theo lời vợ nói) và anh đã nghĩ đến một cuộc nói chuyện thẳng thắn với vợ. Đâu đó ý nghĩ về lá đơn ly hôn thoáng hiện trong đầu…