Chồng mắc trọng bệnh, người vợ trẻ thành trụ cột kinh tế gia đình
Trở thành trụ cột kinh tế gia đình, Quỳnh xin đi làm công nhân với mức lương 5 triệu đồng. Dù không phải thuê nhà, rau cũng tự trồng trong vườn nhưng còn phải trả nợ, cuộc sống gia đình cô vẫn hết sức khó khăn, có thể nói là không đủ sống.
Với hơn 3.000 đồng, bạn có thể mua 1 chiếc bánh bao chay hoặc 1 cốc trà đá. Nhưng nhìn chung, bạn sẽ không thể mua được một chiếc bánh bao nhân thịt bình thường.
Cũng với 3.000 đồng, hầu hết chúng ta đều cho là con số đơn giản. Nhưng với Quỳnh - một người mẹ trẻ, số tiền nhỏ nhoi này khiến cô phải “muối mặt” trước mặt bố ruột mình.
Từ bỏ tình yêu, lấy chồng theo sự sắp đặt của gia đình
Quỳnh là bạn học cũ của tôi, cô ấy là con út trong một gia đình có 4 người con, phía trên cô còn có 2 anh trai và một chị gái. Vì là con út nên Quỳnh được bố mẹ hết sức yêu thương chiều chuộng.
Từ khi chúng tôi còn bé xíu, Quỳnh đã sở hữu một chiếc đàn organ điện tử. Với trẻ con nông thôn ngày ấy, chiếc đàn là một món đồ chơi quá xa xỉ.
Nhưng việc học của Quỳnh không mấy nổi bật. Cô ấy không đậu đại học nên đi học một trường trung cấp ngành sư phạm mầm non. Sau khi tốt nghiệp, Quỳnh ở lại thành phố làm giáo viên mầm non.
Qua lời giới thiệu của một người bạn, Quỳnh quen Cường - một HLV thể hình. Hai người nhanh chóng phải lòng nhau và hẹn hò. Cản trở duy nhất của cặp đôi là gia đình hai bên cách nhau đến 500km. Con gái lấy chồng xa là điều không thể chấp nhận với nhiều gia đình, trong đó có nhà Quỳnh.
Ban đầu Quỳnh giấu gia đình nhưng chuyện gì phải đến cũng đến, bố mẹ cô nhanh chóng phát hiện mối quan hệ này và cật lực phản đối. Bố mẹ Quỳnh bắt con gái phải nghỉ việc, chia tay Cường và về quê.
Từ nhỏ Quỳnh đã là một cô gái ngoan, thiếu quyết đoán nên trước áp lực gia đình cô đành phải nghe theo. Sợ con gái sẽ bỏ trốn theo tiếng gọi tình yêu nên gia đình Quỳnh không cho cô đi làm và liên tiếp sắp xếp những buổi xem mắt. Năm đó Quỳnh mới 21 tuổi.
Trong số những người được mai mối có Hoàng - họ hàng xa của chị dâu Quỳnh. Theo giới thiệu, Hoàng hơn Quỳnh 2 tuổi, đang bán vịt quay ở thị trấn.
Khi nghe giới thiệu về Hoàng, Quỳnh cũng có chút rung động, nghĩ rằng anh chàng thật giỏi giang. Sau vài lần hẹn hò, cô quyết định chia tay Cường và đến với Hoàng với sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình.
Hồi đó đám cưới diễn ra rất linh đình, gia đình Hoàng mang đến nhà gái hơn 30 triệu cùng với nhiều sính lễ. Bố mẹ Quỳnh rất hạnh phúc và nở mày nở mặt với hàng xóm.
“Muối mặt” vì 3.000 đồng
Sau đám cưới, Quỳnh theo chồng đi bán thịt quay. Công việc kinh doanh tuy không lớn nhưng đủ nuôi sống gia đình, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ diễn ra êm đềm.
Khoảng 2 năm sau, Hoàng được chẩn đoán mắc bệnh thận. Bầu trời của Quỳnh như sụp đổ khi biết tin. Trong nhà có thứ gì giá trị, cô đều đem bán lấy tiền chữa bệnh cho chồng nhưng vẫn không đủ, phải vay mượn khắp nơi. Áp lực cuộc sống hàng ngày và khoản nợ luôn đè nặng lên vai khiến Quỳnh luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Thậm chí cô còn nghĩ đến việc ly hôn nhưng những đứa trẻ vẫn còn rất nhỏ nên lại thôi.
Cuối cùng gia đình nhỏ cũng gắng gượng được đến lúc Hoàng xuất viện. Nhưng anh sụt cân rất nhiều, sức khỏe cũng không còn như trước đây nên đã quyết định đóng cửa hàng. Việc này khiến cho tính khí của anh thay đổi, thường xuyên cáu kỉnh vô cớ với vợ con.
Trở thành trụ cột kinh tế gia đình, Quỳnh xin đi làm công nhân với mức lương 5 triệu đồng. Dù không phải thuê nhà, rau cũng tự trồng trong vườn nhưng còn phải trả nợ, cuộc sống gia đình cô vẫn hết sức khó khăn, có thể nói là không đủ sống.
Gia đình ruột thịt của Quỳnh cũng không thể giúp đỡ con gái vì cuộc sống của họ không còn thoải mái như xưa. Anh cả cô đã ly hôn và đang làm bảo vệ. Người anh thứ hai làm công việc lặt vặt nên thu nhập bấp bênh. Chị gái cô lấy chồng có điều kiện tốt hơn một chút nhưng cũng không thể giúp đỡ được gì nhiều.
Có một dạo, nhân dịp Tết Trung thu, Quỳnh đi nhờ xe người ta, mang hai con về thăm ông bà ngoại vài ngày. Lúc đó tôi cũng về quê nên đến nhà nói chuyện với cô ấy. Đã nhiều năm không gặp, Quỳnh không còn là công chúa nhỏ năm nào nữa, gương mặt cô ấy gầy guộc và đen sạm đi, đôi mắt thâm quầng và quần áo vá víu. Nhưng những đứa trẻ của Quỳnh vẫn rất sạch sẽ, gọn gàng.
Trẻ con vốn hiếu động, thích khám phá những điều mới mẻ. Khi tôi và Quỳnh đang nói chuyện, hai đứa bé lấy những tờ báo cũ đem ra làm diều. Để làm được diều phải cần có băng dính nên Quỳnh đi tìm một cuộn băng dính rồi vừa làm diều cùng con vừa nói chuyện với tôi.
Một lát sau, bố Quỳnh từ trong nhà bước ra, thấy hai đứa cháu ngoại đang nghịch giấy báo và băng keo liền lớn giọng quát tháo. Ông dùng những lời lẽ khó nghe, rằng mẹ con cô lãng phí, rằng cuộn băng đính đắt đỏ, rằng người khác phải kiếm tiền khó khăn thế nào mới mua được...
Trước phản ứng dữ dội này, Quỳnh cúi đầu, không dám phản bác, chỉ biết ngại ngùng cười.
Thực ra cuộn băng dính không hề đắt đỏ như bố Quỳnh nói, nó chỉ khoảng 1 NDT (hơn 3.000 đồng)...
Tạm kết
Câu chuyện được đăng tải trên trang Toutiao trên đây đã khiến nhiều người phải suy ngẫm. Trong cuộc sống, tiền không phải là tất cả nhưng luôn là thứ không thể thiếu. Thứ mà mọi người theo đuổi không nhất thiết phải là của cải lớn lao, nhưng cần phải đủ để duy trì cuộc sống đàng hoàng, để có thể hào phóng, vui vẻ và độc lập. Khi kết hôn và đã làm mẹ, lại càng thấm thía hơn chân lý này bởi ai cũng muốn dành điều tốt nhất cho con, cho gia đình nhỏ của mình.