Chồng lười là tại... mẹ chồng

,
Chia sẻ

Vác bụng bầu 7 tháng, định nhúng cái giẻ vào xô nước lau nhà, Thêu thấy chồng nhanh nhẹn: ‘Em đang ‘bầu bí’, khéo trượt chân ngã thì khổ. Để đấy cho anh’.

Thế nhưng, vừa thấy con trai cúi xuống sàn nhà, mẹ chồng Thêu đã kêu lớn: ‘Đứng lên, để mẹ làm’.

Sau đó, Thêu nghe rõ mẹ chồng ca cẩm: “Ngày xưa, có chửa anh, mẹ phải làm nhiều việc lắm, thế này đã là gì. Cẩn thận thì chẳng bao giờ ngã được đâu”. Biết mẹ chồng không có ý “nói xoáy” mình, nhưng cũng không thể đứng nhìn, Thêu nhận lại phần lau nhà. Dù lúc đó, cô cũng hơi ấm ức vì bụng mang dạ chửa, không được chồng đỡ đần. Anh xã Thêu phải đứng dậy, rửa tay và ngồi xem tivi theo yêu cầu của mẹ.

Thêu tâm sự: “Mẹ chồng mình chăm chỉ. Chồng mình cũng tiến bộ, chịu khó giúp vợ. Nhưng khi có mẹ thì anh ấy chẳng dám làm gì. Mẹ chồng thì bảo: ‘Đàn ông mà rửa bát, quét nhà thì làm sao nên nghiệp lớn’ nên cứ thấy con trai định ‘mó máy’ việc gì là tới can thiệp. Bà cáng đáng hết việc nhà nhưng lại hay kể lể. Thành ra, mình rảnh rỗi lúc nào thì làm việc nhà lúc ấy, chứ chẳng trông mong được chồng giúp”.

Thêu kể thêm, anh xã muốn giúp vợ lắm, có lần còn mang cả rổ rau muống vào phòng riêng, khóa cửa cẩn thận để nhặt rau giúp vợ, sợ mẹ trông thấy lại càu nhàu.

Không mấy khi được chồng tự nguyện giúp như Thêu, Chung (Hà Đông, Hà Nội) toàn phải lớn tiếng gọi chồng, những lúc cần. Một lần, Chung nhờ: “Anh ơi, lấy cho em cái quần của con phơi trên dây” thì một loáng sau đã thấy mẹ chồng xuất hiện trước mặt, nhỏ nhẹ: “Cần gì con cứ bảo mẹ, nó đi làm mệt rồi để nó nghỉ”.

Chung cho biết, “sai vặt” chồng thì dễ chứ nhờ mẹ chồng thì hơi khó. Thành thử, mỗi lần thiếu cái gì, Chung vẫn gọi chồng ơi ới, ngay cả khi anh xã đang ngủ. Mẹ chồng Chung có vẻ không hài lòng, gọi điện cho bà thông gia tâm sự, mục đích là muốn mẹ đẻ bảo ban con gái. Sau lần ấy, Chung lại bị mẹ đẻ hỏi han một trận nữa vì tội: “Không để chồng ngủ yên”.

Để tránh bị mẹ chồng can thiệp, Lâm (Hải Phòng) chọn cách nhắn tin hay gọi điện thoại sai chồng. Mỗi lúc ở dưới bếp cần hỗ trợ, còn chồng vẫn nằm khòng kheo trên tầng 3, Lâm nhắn tin nhờ chồng. Một lúc sau, anh xã xuất hiện và cắm cúi nghe cô chỉ đạo. Nhưng Lâm kể, có “phi vụ” trót lọt, có những lúc, “con trai cưng” đang rửa bát thì bị mẹ “bắt gặp quả tang”.

Còn Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ ngó nghiêng chờ mẹ chồng ra ngoài là sai chồng. Có mẹ chồng ở nhà, cô chẳng dám “ho he”. Mẹ chồng Hồng quan niệm: “Phụ nữ không làm việc nhà thì còn làm gì”. Mẹ chồng Hồng đảm đang nên cô không thể chây lười. Bà chiều chồng, chiều con trai nên đàn ông trong nhà gần như không phải chạm tay vào việc gì. Về làm dâu, Hồng phải xuôi theo cái nếp ấy dù cô thấy rõ là bất bình đẳng.

Tiên (Tây Hồ, Hà Nội) chẳng ngại mẹ chồng góp ý. Tiên mạnh dạn: “Chồng mình, mình phải ‘huấn luyện’ thôi. Để sau ‘hắn’ lười thành quen thì khổ mình. Mẹ chồng mình mỗi lần thấy mình sai chồng cũng góp ý này nọ. Mình chẳng sợ, lần sau vẫn nhờ vả chồng đủ kiểu. Mãi rồi bà cũng không buồn có ý kiến nữa”. Tiên cho biết, tất nhiên không thể có chuyện mình ngồi chơi, còn chồng lao động. Tiên nấu cơm thì chồng có nghĩa vụ chăm con, vì như thế sẽ dễ ăn nói với mẹ chồng: “Con cũng bận lắm, nhà con không giúp thì con không làm nổi”.

Không để chồng lười

Quan niệm “con dâu phải lo việc nhà” vẫn khá phổ biến, nhất là khi sống chung. Hơn nữa, mẹ chồng bao giờ cũng xót con trai lại sẵn tính cần cù, chăm chỉ nên thường là người quán xuyến chính trong nhà. Con dâu sẽ đảm nhận tiếp phần việc ở nhà khi đi làm về hoặc ngày nghỉ, ngày lễ. Trường hợp con dâu ở nhà, không đi làm thì thường phần lớn việc nhà là do họ đảm nhiệm.

Mối quan hệ vợ - chồng khác với quan hệ mẹ - con. Người mẹ có thể một mình cáng đáng mọi thứ vì yêu con nhưng người vợ thì không thể làm như thế. Thứ nhất phụ nữ cũng phải lo đi làm, kiếm tiền nên việc nhà nhiều khi kham không nổi. Thứ hai, vợ chồng phải cần bình đẳng và chia sẻ với nhau. Được chồng hỗ trợ việc nhà khiến người vợ có cảm giác mình được yêu thương và tôn trọng.

Chính những suy nghĩ đó tạo nên mâu thuẫn. Người vợ thích sai chồng, luôn mong chồng giúp đỡ, còn mẹ chồng thì không muốn thế. Trong trường hợp đó, có được người chồng tâm lý là rất quan trọng. Chồng sẽ tự nguyện giúp vợ mà không “để lộ” hoặc luôn động viên, chia sẻ để vợ vui lòng. Người vợ cũng nên chia sẻ khó khăn với nhà chồng và đừng ngại kêu gọi sự giúp đỡ của chồng.
 
Theo Me&be
Chia sẻ