Chồng kiên quyết “ai bỏ tiền mua nhà người đấy đứng tên” và cái kết đâu có ai ngờ
Bảo cô sẵn lòng đưa tiền cho anh mà chẳng lấn cấn gì là không thể. Những chuyện từng xảy ra giữa cô với anh, cho thấy trong lòng anh chưa hề có cái thứ gọi là “tình nghĩa vợ chồng”...
Nhà cô mỗi người đều độc lập tài chính dù anh kiếm nhiều tiền hơn cô vì anh có công ty riêng, còn cô chỉ là một nhân viên văn phòng với mức lương kha khá mà thôi. Chi tiêu hàng tháng phân chia theo tỉ lệ 6:4, cô chịu trách nhiệm 4 phần. Nhà cô có thuê người giúp việc, nên việc nhà, trông con cô không quá nặng gánh, cũng phần vì công việc cô khá bận rộn.
Khi mua nhà, 2 người góp tiền theo tỉ lệ 5:5, cùng đứng tên chung, và đây là tài sản chung duy nhất của vợ chồng. Công ty và ô tô của anh đều có từ trước khi anh kết hôn với cô. Bình thường các ngày lễ tết, anh vẫn có chút quà cho vợ con, còn lại hầu như 2 người không bao giờ liên quan tài chính với nhau, chuyện anh thi thoảng cho vợ ít tiền tiêu lại càng không có.
Cô cảm thấy cuộc sống như thế cũng chẳng đến nỗi nào. Anh gánh vác 6 phần chi phí trong cuộc sống hàng ngày, cô thấy vậy đã là đủ. Việc nhà, con cái cô có người giúp việc chia sẻ, nên cô đâu dám to giọng “của chồng công vợ”, nhận mình là hậu phương tuyệt vời cho anh yên tâm phấn đấu sự nghiệp. Cô cũng có công việc tốt và chí hướng tiến thân của riêng mình. Tiền anh kiếm được bao nhiêu, cô không có hứng thú tìm hiểu hay ham muốn chiếm giữ. Chưa nói, anh càng chẳng có ý định đưa cho cô giữ hoặc nhập chung tài chính gia đình thành một mối.
Ảnh minh họa
Thời điểm con gái của vợ chồng cô được 2 tuổi, anh thông báo với cô đang muốn mua một căn nhà mới, không phải để chuyển nhà mà anh có tiền nên cứ mua để đấy, có thể cho thuê hoặc được lãi thì bán. Cô ậm ừ, trong bụng thắc mắc sao tự dưng anh lại nói với mình. “Anh muốn em kí cho anh cái giấy xác nhận đó là tài sản riêng của anh, chắc em không phiền chứ?”, anh bảo cô.
Cô trầm ngâm chưa đáp, thực ra với phong cách của anh từ trước tới nay, đề nghị này không hề bất ngờ. Tuy vậy, cô vẫn có chút buồn bã. Vợ chồng cô chẳng lẽ chỉ có thể dừng lại ở mức độ “góp gạo thổi cơm chung”, không thể nào đi được tới mức “hoạn nạn chung đôi, ngọt bùi cùng hưởng” ư? Đã là người đầu gối tay ấp, có con chung với nhau, chẳng người phụ nữ nào không mong muốn chồng sẽ là người gần gũi, thân thiết nhất với mình, có thể chia sẻ cho nhau mọi thứ, cùng kề vai sát cánh vượt qua những sóng gió trong cuộc đời. Nhưng một khi anh không muốn, cô biết làm sao được?
“Ai bỏ tiền mua thì người đấy đứng tên, điều đơn giản thế chắc em hiểu chứ? Nếu em cũng muốn đứng tên thì em góp một nửa tiền nhà đây, anh đồng ý ngay! Em không hề góp tí công sức nào, vì thế đừng tham lam những thứ không thuộc về mình…”, anh thấy cô chưa đáp, thì có vẻ khá bực mình.
Cô vội ngắt lời anh: “Không, em không muốn đứng tên đâu, anh yên tâm. Lúc đó em sẽ kí giấy xác nhận là tài sản riêng cho anh”. Nhận được câu trả lời của vợ, anh lúc ấy mới hài lòng thỏa mãn.
2 năm sau, con gái của anh và cô được 4 tuổi, công việc làm ăn của anh gặp trục trặc lớn. Anh dồn hết số tiền mặt hiện có, bán cả căn nhà đã mua 2 năm trước vẫn không giải quyết nổi, nếu không có thêm tiền đổ vào, anh sẽ phải tuyên bố phá sản.
Ảnh minh họa
“Anh biết em ít nhiều có tiền tiết kiệm, em cho anh vay dùng tạm được không? Nếu không, anh sẽ mất tất cả…”, anh mệt mỏi về nhà hỏi vợ. Cô im lặng chưa biết đáp ra sao. Nói thật, bảo cô sẵn lòng đưa tiền cho anh mà chẳng lấn cấn gì là không thể. Những chuyện từng xảy ra giữa cô với anh, cho thấy trong lòng anh chưa hề có cái thứ gọi là “tình nghĩa vợ chồng”, hay suy nghĩ muốn san sẻ mọi thứ với vợ, coi cô là người đi cùng mình tới cuối con đường. Sau chuyện căn nhà kia, cô đã không còn kì vọng ở anh nữa, mà thuần túy coi anh là người bạn chung nhà rạch ròi, sòng phẳng mà thôi.
“Em giúp anh một lần thôi, anh xin em đấy. Anh không muốn công sức anh gây dựng bao năm trong phút chốc đổ sông đổ bể… Anh sẽ tay trắng, anh không sống được nữa mất…”, anh đau khổ cầu xin cô. Cô thở dài, nhìn chồng trong lòng chẳng hiểu là cảm giác gì.
“Em có thể cho anh vay, nhưng chỉ được một số nhất định, em còn muốn dùng việc của em nữa. Anh cần viết giấy vay nợ cho em, và trả lãi em bằng lãi ngân hàng, anh thấy sao?”, nể tình anh là bố của con gái, cô sẽ coi anh như một người bạn mình mà cho anh vay tiền. Nhưng rõ ràng, người bạn này của cô lúc cô khó khăn có nhờ được anh giúp đỡ hay không thì chẳng chắc lắm.
Anh rõ ràng bất ngờ trước sự thản nhiên, lạnh nhạt của vợ. Hẳn anh nghĩ, chồng đã khó khăn thế này, cô là vợ cần hết lòng giúp đỡ anh, sẵn sàng bỏ ra tất cả những gì cô có cho anh mới phải. Song chợt nghĩ lại những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, anh cúi đầu không đáp, nhỏ giọng cảm ơn cô. Điều kiện cho vay của cô như thế đã là tốt lắm rồi, anh lúc này chẳng đi đâu mà vay được tiền như thế cả.
Khi xưa anh mạnh mẽ bắt cô phải kí giấy xác nhận tài sản riêng, anh có nghĩ tới ngày hôm nay? Cuộc đời đâu phải luôn thuận lợi, suôn sẻ, còn cả lúc khó khăn, hoạn nạn nữa chứ? Cho đi thì mới mong được nhận lại, anh đã không cho đi, toan tính sợ mình thiệt thòi, vậy việc ngày hôm nay anh không nhận được sự giúp đỡ vô tư của vợ âu cũng là xứng đáng...