“Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa. Giờ đây nhớ mẹ thương cha, còn đâu mà thong thả đi về nhà thăm”

Cát Tường,
Chia sẻ

Đêm trước ngày con lên xe hoa về nhà chồng, mẹ đã ôm con vào lòng và khóc “Gả con đi lấy chồng xa thế này là coi như mẹ mất con gái”. Con cười khì “Mất là mất thế nào được ạ, rồi con sẽ lại về thăm mẹ thường xuyên”.

Ngày xưa, mẹ từng kể với con rằng: Không có nỗi khổ tâm nào bằng nỗi khổ tâm của nàng dâu đi lấy chồng xa. Những lúc nhớ nhà quay quắt, nhớ bố mẹ đến cồn cào ruột gan nhưng không thể làm gì được. Mẹ chỉ biết trông từng ngày cho tới dịp Tết hay giỗ chạp. Cả năm mẹ mới được về thăm nhà một lần, mà lần nào cũng vội vội vàng vàng. Đi thăm hỏi hết họ hàng, xóm làng, đến khi xe tới đón, thấy ông bà ngoại lọm khọm chất lủ khủ quà cáp cho con gái đem theo làm quà thì mẹ chỉ biết đứng đó mà khóc. Lúc ấy, con chỉ nghĩ đơn giản rằng: Ở thời của bố mẹ, phương tiện đi lại còn khó khăn. Bọn con bây giờ khác rồi, muốn về thăm bố mẹ cũng đâu có gì khó.

“Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa. Giờ đây nhớ mẹ thương cha, còn đâu mà thong thả đi về nhà thăm”  - Ảnh 1.

Vậy mà ba năm qua, mỗi năm con chỉ về thăm nhà được đúng một hai lần. Lần nào cũng vội vội vàng vàng, con không kịp trò chuyện lâu với bố, cũng chẳng kịp chở mẹ ra chợ mua dăm ba bộ quần áo mới. Mẹ cứ hối con đi thăm hỏi hết nhà nọ đến nhà kia. Chị Phương mới sinh em bé xong, bác Lan bị tụt huyết áp vừa phải nhập viện, ông Vương ngay cạnh nhà mình mới bị người ta lừa một khoản tiền lớn lắm.

“Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa. Giờ đây nhớ mẹ thương cha, còn đâu mà thong thả đi về nhà thăm”  - Ảnh 2.

Lúc mẹ loay hoay cố nhét mấy bịch tôm khô vào vali của con, tự dưng hai mắt con cay xè. Con chợt thấy mình giống như mẹ của nhiều năm về trước. Cô con gái đi lấy chồng xa, nhiều lúc tủi thân và nhớ nhà đến quay quắt. Thấy con gái nước mắt chứa chan, mẹ nạt át đi: "Gớm, bằng này tuổi đầu rồi mà như trẻ con. Rồi con cô, chồng cô để cho ai chăm hả?". Vậy mà lúc con lên xe, mẹ lại không giấu nổi những giọt nước mắt. Mẹ vừa khóc vừa cười: "Xa thơm gần thối là thế đấy con ạ! Chứ mày cứ thử ăn dầm nằm dề ở nhà mà xem, mẹ chả lấy chổi quét mày đi ngay ấy".

Ba năm qua, con cứ ngỡ mình đã quen với cuộc sống mới rồi, mọi thứ đã ổn thỏa rồi nhưng hóa ra không phải. Nỗi buồn con đã cất đi, nỗi nhớ con cũng đã cố xếp lại, nhưng chúng vẫn còn ở đó, chỉ chực chờ phút giây con mềm lòng, yếu đuối. Con ước giá mà bố mẹ ở gần đây, ngay con hẻm kế bên này, để bất cứ lúc nào thấy nhớ, con lại chạy ù sang bưng cho bố mẹ bát canh, tô cháo, quét giùm bố mẹ cái sân, giặt bộ quần áo.

Ngày xưa mẹ từng bảo: "Gả con đi lấy chồng xa là coi như mẹ mất con gái". Đến tận bây giờ con mới thấy thấm thía câu nói ấy. Mới hôm qua thôi, khi con buột miệng nói vu vơ với chồng: "Hay là tháng sau em cho tụi nhỏ về thăm ông bà ngoại" thì mẹ chồng đã nhắc khéo "Dịp gì mà về? Lễ Tết không, giỗ chạp không, ốm đau cũng không. Ở đây thì còn bao nhiêu là việc". Con nghẹn lời. Về thăm bố mẹ đẻ cũng phải có lý do chính đáng hay sao?

Con vẫn nhớ có một lần, mẹ giả vờ ốm. Mẹ dặn bố gọi điện xin phép bố mẹ chồng con để con gái thu xếp về thăm mẹ. Nhưng đợt ấy, nhóc nhà con bị sốt cao. Ruột gan như lửa đốt, con gọi điện về cho mẹ, vừa nói vừa khóc: "Mẹ ơi, con không về với mẹ được rồi. Hay là mẹ chờ con thêm vài ngày nữa, cu Tin bớt sốt, con sẽ tranh thủ về nhà với mẹ ngay".

Mẹ vội trấn an: "Cháu mẹ sốt à? Khổ quá! Mẹ còn khỏe, không ốm đau gì đâu. Mẹ giả vờ để mày có cớ mà về nhà chơi đấy. Đây này, không tin thì mày cứ hỏi bố mà xem". Nghe mẹ nói thế, con còn khóc to hơn. Lẽ ra biết tin mẹ khỏe thì con phải mừng chứ. Nhưng sao tim con lại đau nhói thế này? Tại sao mẹ phải giả ốm giả đau chỉ để được gặp con gái? Tại sao ngay cả khi ấy, con cũng không cách nào thu xếp để về bên mẹ được?

“Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa. Giờ đây nhớ mẹ thương cha, còn đâu mà thong thả đi về nhà thăm”  - Ảnh 3.

Năm con sinh cu Tin, mẹ lên chăm con gái được hẳn một tháng. Đối với con, đó là khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc. Đêm đầu tiên khi mẹ về, con đã không ngủ được. Cảm giác trống trải ấy con chẳng biết diễn tả thế nào. Mẹ từng bảo con: "Ai rồi cũng phải thế, con ạ! Đến khi đã đủ lông, đủ cánh, con chim buộc phải rời tổ thôi". Con cố nén nỗi nhớ nhà, nhưng hình như càng cố nén thì nỗi nhớ ấy càng dày vò con. Con thấy mình sao mà yếu đuối thế, trẻ con thế, mau nước mắt thế, vụng về thế.

Tết năm ngoái con về, bố bị đau khớp, không thể đi được. Bố nhích từng bước ra sân, ai dìu bố cũng đẩy ra và bảo cứ mặc kệ bố, bố tự đi mới mau khỏe. Bố còn bảo mùa lạnh năm nào bố chẳng bị như thế, bệnh tuổi già mà. Lập Xuân, nắng ấm lên là chân bố lại hết đau thôi. Lúc ấy, con chỉ ước giá mà mình đừng đi lấy chồng xa, con gái ở gần bố mẹ thì tốt biết bao. Đêm hôm trở trời, lỡ bố mẹ đau yếu, con chạy sang chăm lúc nào chẳng được. Ở xa thế này, lỡ có chuyện gì, ruột gan con lại cồn cào như thiêu như đốt.

Mùa Vu Lan này, con cũng chẳng thể về bên bố mẹ, nấu cho bố mẹ một bữa cơm ngon. Con gái của bố mẹ giờ không còn vụng về như ngày xưa nữa. Con nói như thế, chắc mẹ vẫn không tin đâu nhỉ? Hôm qua, mẹ còn gọi điện cho con và dặn dò con giữ gìn sức khỏe, vì đường còn dài nên đôi chân càng phải khỏe. Lúc ấy, con mới chợt nhận ra, điều bấy lâu nay bố mẹ mong mỏi nhất ở con chính là con hãy cứ sống thật tốt cuộc sống của mình.

Con nghĩ là mình chẳng có lý do gì để ngừng cố gắng cả. Nhưng mẹ ạ, thi thoảng, con có thể yếu đuối một chút, khóc một chút vì nhớ nhà, nhớ bố, nhớ mẹ được không? Chỉ một chút thôi. Rồi con sẽ lại lau nước mắt và mạnh mẽ trở lại. Vì đường còn dài, nên đôi chân con phải thật khỏe. Vì đường còn dài, bố mẹ luôn cần có con. Dù con không ở cạnh bên, nhưng con vẫn có cách để báo hiếu bố mẹ mỗi ngày, bằng cách sống thật tốt. Con sẽ làm được, cứ tin con!

Chia sẻ