Chồng đảm… bất đắc dĩ
Họ là những ông chồng buộc phải trở thành những người đàn ông đảm đang bất đắc dĩ.
Cuộc sống hiện đại tạo cơ hội cho những người vợ tập trung nhiều thời gian hơn cho công việc. Gánh nặng công việc gia đình, giờ đây, đè nặng trên vai người chồng. Họ buộc phải trở thành những người đàn ông đảm đang bất đắc dĩ.
Chồng đảm
Chị Lan mới được tuyển dụng vào làm tín dụng tại một ngân hàng thương mại cổ phần ở quận Thanh Xuân. Do yêu cầu của công việc, chị phải dậy sớm từ 6 giờ sáng để đi làm và chỉ trở về nhà sau 8 giờ tối. Thời gian dành cho công việc cơ quan của chị khá dài. Đồng thời, sức ép của công việc cũng rất nặng nề khiến chị phải tập trung rất nhiều sức lực để hoàn thành tốt công việc của mình.
Ở nhà, anh Huấn, chồng chị Lan mở một cửa hàng bán bia hơi. Anh thuê mấy nhân viên phục vụ quán. Còn anh Huấn chỉ quản lý chung và thu tiền. Công việc không bị gò bó vào thời gian cố định khiến anh thoải mái hơn với việc chăm lo cho đứa con nhỏ hơn một tuổi và làm các công việc vặt trong gia đình.
Mỗi sáng, anh đều cố gắng dậy sớm hơn vợ để nấu ăn sáng cho hai vợ chồng. Mọi việc như: cho con ăn, thay tã, giặt giũ đồ của bé, anh đều phải tự tay làm. Giờ đây, anh Huấn đóng vai trò vừa là người cha vừa là mẹ để chăm sóc cho con. Anh Huấn nói: “Cũng vì muốn có kinh tế mà vợ phải làm công việc vất vả. Vợ đi làm đã đủ mệt nên tôi cố gắng hoàn thành đầy đủ các việc nhà để vợ về đỡ phải mó tay vào” .
Công việc nội trợ của anh Quyết ngày nào cũng giống ngày nào. Sáng dậy nấu ăn sáng cho hai con rồi lai chúng đến trường. Sau đó, anh tranh thủ tạt qua chợ mua thức ăn dùng cho cả ngày. Anh về nhà chuẩn bị nấu cơm trưa. Đến 11 giờ thì anh lại phi xe máy đi đón con về ăn cơm. Xong lại đưa con đi học chiều. Về nhà, anh dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, nấu cơm tối…
Anh Quyết tâm sự: “Sức khỏe không tốt nên chẳng thể cùng vợ sang nước ngoài làm ăn được. Bây giờ ở nhà chẳng biết làm việc gì cho ra tiền. Thuê người giúp việc khá tốn kém. Nên đành tự tay mình lo mọi công việc gia đình vừa cẩn thận vừa yên tâm hơn”.
Nỗi lòng của chồng đảm
Anh Huấn là người đàn ông có suy nghĩ khá hiện đại. Anh nghĩ: “Vợ mình có trình độ cao, làm công việc khá tốt thì chồng nên tạo mọi điều kiện để vợ yên tâm cho công việc”.
Cũng có lúc, bạn bè anh Huấn khích bác chuyện anh làm chồng kiêm ôsin trong nhà. Những lúc ấy, anh cũng khá buồn. Sau rồi, anh nói với bạn bè: “Nếu vợ các cậu có được công việc thu nhập đủ để lo đầy đủ cho tương lai của các con thì các cậu còn giơ hai tay tình nguyện làm ôsin cho vợ đi làm nhanh hơn tớ nhiều”. Trước lời nói đúng của anh Huấn, bạn bè anh không còn châm chọc anh nữa.
Thậm chí, càng ngày anh Huấn càng thích làm các công việc gia đình. Những lúc, chị Lan được nghỉ lễ, tranh thủ làm các công việc nhà. Anh Huấn nhìn mọi thứ chỉ Lan làm cứ “lạ lạ”, không vừa mắt. Anh nói với chị: “Thôi vợ nghỉ tay cho chồng nhờ. Mọi việc trong nhà cứ để mình chồng làm là ổn rồi”.
Chị Lan cảm thấy rất hạnh phúc vì lấy được người chồng vừa đảm đang vừa tâm lý. Mỗi lúc bị stress do sức ép của công việc, chị bước chân về nhà, trông thấy chồng và các con, mọi mệt mỏi của chị dường như tan biến.
Từ ngày vợ đi nước ngoài, những người xung quanh thường trêu đùa anh Quyết là “ông nội trợ đảm”. Anh chỉ cười đáp: “Ừ, chồng đảm” cho qua chuyện. Theo anh Quyết thì trách nhiệm kiếm tiền là của chồng hay của vợ không quan trọng bằng việc ai thích hợp và làm tốt việc đó hơn. Trong gia đình, vợ đã kiếm tiền thì chồng làm mọi công việc nội trợ khác. Điều đó rất công bằng. Anh nghĩ, sẽ bất công khi người vợ vừa phải lo đi làm công việc xã hội để kiếm tiền mà vẫn phải lo lắng tất cả mọi công việc gia đình.
Trong cuộc sống hiện đại đã có nhiều sự đổi vai trách nhiệm đối với gia đình và xã hội của hai vợ chồng. Những ông chồng trở thành người đàn ông đảm đang bất đắc dĩ nhưng là tất yếu phù hợp với hoàn cảnh của gia đình họ.