Chồng - có cũng như không

Theo Dân trí,
Chia sẻ

Trước anh đi công trình xa suốt, mình chị vò võ chăm con, khi ấy anh rất hay dẫn chứng hình ảnh các bà, các mẹ ngày xưa chồng đi bộ đội biền biệt mà vẫn một nách năm, sáu đứa con nên người.

Gần đây hết việc, anh về gần làm cho ổn định nhưng cũng cứ về muộn liên tục. Giờ thì anh tự hào lý luận, “Thằng đàn ông về đưa đủ lương cho vợ là mẫu mực, đáng kính lắm rồi, vợ không được quyền càu nhàu và yêu cầu chồng làm mấy việc lặt vặt ở nhà”.
 
Anh biết đâu rằng suy nghĩ ấy khiến chị cảm thấy có chồng mà cũng như không, còn thấy nặng gánh đeo bám hơn, suốt ngày phải lo nghĩ, quay cuồng với công việc ở cả cơ quan và gia đình nhỏ. 
 
Lêu lổng chán về anh lại hạch sách, món nọ món kia phải nấu thế này thế khác. Bữa cơm nào chồng ăn cùng chị cũng thấy hồi hộp và căng thẳng, anh đã quen được phục vụ ở quán nên hợp khẩu vị ngoài ấy hơn chăng?
 
Bảo anh đón con tiện hơn nhiều, lại tránh được việc la cà đây đó nhưng anh cho rằng để cái ghế xe chở con đằng trước nom thật mất tư thế, chả chuyên nghiệp chút nào với một nhân viên mẫn cán như anh.
 
Có hôm việc nhà xong xuôi, con đã lên giường đi ngủ, chị mượn máy tính để vào mạng đọc báo, anh chẳng nói chẳng rằng bỏ ra ngoài quán chơi game đêm mới về, nghe nói còn tốn thêm cả mồi nhậu và tiền để thi đấu với mấy tay “rất chất”. Từ đó chị ấm ức chẳng dám “cướp” máy tính của chồng nữa.

Anh chỉ như cái bóng luẩn quẩn trong căn nhà này
 
Dăm bữa nửa tháng anh lại đưa ra một quyết định to lớn đến mức trời ơi đất hỡi như đưa con về quê sống, ông bà vui còn mình thì nhàn rỗi, có thời gian mà làm việc kiếm tiền. Rồi đến việc “chỉ thị” rút tiết kiệm mua biếu ông bà tivi mới và bộ sập gụ tủ chè cho oách, trong khi bản thân anh chị vẫn trọ ở căn nhà còn lụp xụp chưa đâu vào đâu.
 
Đương nhiên các quyết định vô bổ ấy bị chị gạt đi khiến anh không vui và nếu bố mẹ chồng có vô tình biết thì lại bảo nhau: “Nó chẳng nói được vợ” làm chị bao phen nghe được giận tím mặt. 
 
Cuối năm việc cưới, làm mồ mả ở quê chồng rất nhiều, việc ở cơ quan cũng chẳng kém, vậy mà anh nhất quyết không cho chị vắng đám nào. Về đó vài ngày phu dịch đủ mọi công việc, mệt tưởng chừng đứt hơi để rồi mẹ đói, con khát chả có thời gian chăm nhau. Anh bảo “Một năm được mấy dịp mình về quê, thấy việc thì phải lao vào mà làm chứ lại còn chờ ai nhắc”.
 
Công nhận ở đây con cháu đông, người ăn thì nhiều mà chẳng thấy có mấy người làm. Việc nọ việc kia nối tiếp đến tối tăm mặt mũi, chẳng ngơi tay được tí nào. Lúc mọi người ăn uống xong xuôi, đàn ông thảnh thơi ngồi uống nước xỉa răng, đàn bà hì hụi lau dọn rửa bát, chị được “ưu tiên” quét toàn bộ sân nhà ông chú, rất rộng. Ghế nhựa thì còn dễ xếp được vào với nhau, khốn nỗi vài chục cái bàn Xuân Hòa nặng quá là nặng, mình chị không gập vào nổi, nhờ anh, anh nhắn nhó: “Em bị làm sao thế, đang nói chuyện với các chú các bác lại bảo anh ra gập bàn”. Chị phải khệ nệ xếp bàn ngổn ngang sang bên để quét sân cho xong, làm một mình cực thân, chị càng hậm hực trong lòng.
 
Tối muộn mới được ngồi nghỉ một chút, chị lại thầm hỏi mình, tự dưng về cái làng quê xa xôi này khổ sai làm gì? Lấy chồng để làm gì?

Chia sẻ