Chồng “của hiếm”
Có những người chồng “của hiếm”, luôn sát cánh bên cạnh những lúc vợ phải chịu những tổn thương nghiêm trọng về thể xác và tinh thần…
Nhớ lại thời kì chiến đấu với chiếc chân bị gãy do tai nạn cách đây 3 năm, để giờ đây được hồi phục lại bình thường, chị Vân (34 tuổi) vẫn còn thấy ớn lạnh không thôi. “Nhưng thật may mắn, mình luôn có chồng 'của hiếm' bên cạnh trong những ngày tháng khó khăn ấy” - người vợ này cười hạnh phúc chia sẻ.
Chị Vân kể, thời gian khi ở viện về, chị vẫn phải đặt đâu nằm đấy, mọi việc từ sinh hoạt cá nhân trở đi, chị đều không thể tự làm được. Ban đầu, mẹ đẻ chị cũng lên với chị một thời gian vì chồng bận đi làm, hơn nữa chị còn con gái nhỏ 5 tuổi cần được đưa đón đi học, chăm sóc. Nhưng được nửa tháng, thấy mẹ chị không khỏe anh liền “đuổi” bà về, một tay anh lo liệu tất cả từ vợ bệnh đến con nhỏ.
“Thực sự anh ấy chẳng nề hà việc gì cả, từ những việc tế nhị như giúp mình đi vệ sinh, vệ sinh cá nhân cho vợ. Nhà cửa, cơm nước, con nhỏ, cũng một mình anh cáng đáng, lo toan hết. Một ngày của anh, quay như chong chóng mà cũng không hết việc. Sáng ra anh phải dậy thật sớm để lo đồ ăn sáng cho vợ, chuẩn bị hàng trang đi học cho con, rồi sắp xếp cho bản thân. Trưa anh lại tạt qua nhà lo bữa trưa cho mình. Tối anh chỉ lên giường sau khi đã cho con đi ngủ, dọn dẹp nhà cửa, nếu hôm nào bận việc ở công ty thì có khi tới nửa đêm anh mới được đi ngủ” - chị đầy xúc động khi nói về sự vất vả mà anh phải trải qua thời kì chăm chị bệnh.
Chị Vân tâm sự, chính vì thương chồng nên chị luôn cố gắng nỗ lực tập vận động để đi lại được nhanh nhất có thể, dù có đau đớn cũng không dám thể hiện ra mặt. Thời gian chị tập vật lí trị liệu, tập đi, anh cũng vẫn luôn theo sát giúp đỡ vợ khi cần thiết. Trước đây, thi thoảng anh vẫn đi tụ tập với hội bạn thân, nhưng từ ngày vợ bị tai nạn, anh từ chối tất cả. Biết chị ở trong nhà lâu buồn tẻ, tối tối bố con anh hay dìu chị ra công viên gần nhà hóng mát, vừa cho khuây khỏa, vừa tập đi luôn thể. Định kì anh lại đưa chị đến bệnh viện kiểm tra tốc độ lành xương. Chứng kiến sự quan tâm, lo lắng cho vợ của anh, đến các bác sĩ ở bệnh viện cũng phải thấy cảm động.
“Nhờ sự chăm sóc đến nơi đến chốn của chồng, và tự nỗ lực của bản thân, mình đã nhanh chóng trở lại sinh hoạt được bình thường sớm hơn dự định. Giờ đây, khi mọi chuyện đã qua, nghĩ lại lúc ấy mình lại thấy biết ơn chồng vô cùng. Mình bệnh, chẳng làm được gì, mọi việc giao phó hết cho anh, đã thế anh còn phải chăm sóc lại mình nữa, thế mà anh chưa khi nào phàn nàn, cáu gắt hay làm gì khiến mình buồn phiền, lo lắng cả. Ân tình này của anh, có lẽ cả đời mình sẽ chẳng bao giờ quên được” - chị Vân rơm rớm nước mắt bày tỏ.
"Nhưng thật may mắn, mình luôn có chồng 'của hiếm' bên cạnh trong những ngày tháng khó khăn ấy" (Ảnh minh họa).
Câu chuyện thứ 2 về một người chồng “của hiếm” khác chính là câu chuyện được kể lại bởi chị Thương (35 tuổi) về người bố của mình, đã ngày đêm chăm vợ, cảm thông, chia sẻ với nỗi đau của mẹ chị khi bà phải mổ cắt bỏ khối u ác tính.
“Cũng đã 13 năm qua đi rồi, bệnh của mẹ mình có thể coi là đã khỏi, vì từ khi bà mổ tới nay chưa hề thấy lại dấu hiệu của u. Đợt đó mẹ mình phải phẫu thuật cắt bỏ 1 bên ngực để ngăn ngừa ung thư vú. Hồi ấy bệnh đó vẫn còn chưa phổ biến như bây giờ, nên khi biết tin, nhà mình ai cũng lo lắng, nhất là bố mình. Bố đã khóc vì quá thương mẹ” - chị Thương nhớ lại chuyện cũ.
Chỉ 1 ngày sau khi biết tin, bố chị đã thay mẹ chị quyết định sẽ mổ. Chị bảo, đối với ông, sự sống và sức khỏe của vợ mới là quan trọng, vì thế mổ càng sớm càng tốt, chứ ông không hề quan trọng chuyện núi đôi “một mất một còn” của mẹ chị. Mẹ chị sau ca phẫu thuật thành công là những tháng ngày xạ trị, uống thuốc chống ung thư, ăn uống kiêng khem rất mệt mỏi, đau đớn. Nhưng bố chị chưa khi nào rời xa bà lấy một bước, luôn bên cạnh chăm sóc rất cẩn thận. Tối nào ông cũng xoa bóp cho vợ, rồi một tay ông lau rửa vết thương, phục vụ những nhu cầu cá nhân cho vợ, đến mức sắp đạt đến trình độ của một y tá dưỡng thương chuyên nghiệp.
“Cũng may đợt đó, mình và em trai cũng đã lớn, đều có thể tự lo được cho mình nên bố mình cũng bớt gánh nặng. Bọn mình đều đi học xa nhà, chẳng giúp được gì cho bố, mình ông ban ngày làm việc trên cơ quan, tối về lại chỉ quanh quẩn bên vợ chứ chẳng đi đâu ra ngoài tìm thú vui riêng cho bản thân. Thỉnh thoảng bố mình vẫn trêu mẹ mình là đến khi vết thương lành hẳn nếu mẹ thích, bố đưa mẹ đi làm ngực giả vì bố sợ mẹ tự ti với bố, với mọi người. Những lúc mình về nhà nghỉ cuối tuần, nhìn bố ngồi tỉ mẩn cắt móng tay, móng chân cho mẹ, vừa tỉ tê kể những chuyện vui vẻ hàng ngày ở cơ quan, láng giềng cho mẹ nghe mà mình xúc động vô cùng. Những giây phút ấy, thực sự không bao giờ mình có thể quên được. Giờ đây, khi mình đã lập gia đình riêng, mình lại càng thấm thía hơn bao giờ hết những gì mà bố dành cho mẹ đáng quý biết nhường nào. Ông thực sự là một người chồng hiếm có khó tìm” - chị Thương nhẹ giọng tâm sự.
Hiện tại, mặc dù không còn trẻ nhưng tình cảm của bố mẹ chị Thương vẫn rất mặn mà. Mẹ chị, tất nhiên, luôn biết ơn và quý trọng những gì chồng dành cho mình. Mỗi khi hồi tưởng lại chuyện cũ, bà lại luôn không cầm được nước mắt, vì cảm động, vì may mắn khi mình sở hữu được một người chồng “của hiếm”.