Chồng chung nhưng vẫn hạnh phúc
Nhiều câu chuyện về cảnh "một ông hai bà" khiến người đọc không khỏi xúc động.
Tuyển vợ cho chồng
Sinh ra những đứa con tật nguyền, một người phụ nữ quyết tìm vợ hai cho chồng với hy vọng sinh những đứa con khỏe mạnh, giúp gia đình khỏi tuyệt tự.
Một “hiệp nữ” đã chấp nhận làm lẽ người cựu chiến binh lắm bệnh này để gánh vác gia đình. Câu chuyện tưởng như cổ tích nhưng lại có thật ở xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai, Hà Nội).
Sau đám cưới vài ngày, ông Nguyễn Văn Thư (SN 1944, chồng bà Trương Thị Bích, SN 1946) vào chiến trường, thi thoảng nghỉ phép mới về thăm vợ.
Ông bà có với nhau ba người con nhưng đều không có trí khôn, sống đời thực vật. Một ngày, bà Bích nén lòng nói với chồng cứ đi lấy một người đàn bà khác, bà chẳng dám oán một lời. Nhưng ông Thư một mực từ chối.
Hai người mẹ với những đứa con đầu tật nguyền của bà Bích (Ảnh minh họa)
Bà Bích nghĩ đến một kết cục buồn, khi ông bà mất đi, ai sẽ chăm sóc các con. Vì thế, chồng càng từ chối, bà càng quyết tâm tìm vợ cho chồng, để có người gánh vác gia đình.
Bà Bích phao tin “tuyển” những bà, những chị góa chồng tốt tính, có sức khỏe để lãnh trọng trách, còn bà sẽ mang các con về nhà mẹ đẻ. Nhưng nghe đến một gia đình như thế, người ta đều sợ “chạy mất dép”.
Tình cờ biết, bà Dương Thị Duệ (SN 1946) quệt nước mắt nói: “Đời chị đã khổ như thế, em đâu đã sướng gì, vậy thì em sẽ về giúp chị trông nom các cháu”.
Khi đó, gia đình ông Thư phản đối kịch liệt, còn gia đình bà Duệ để mặc bà tự quyết. Còn bà Bích lúc đó khẳng định: “Tôi sẽ làm cho gia đình đoàn kết, không để ai phải chịu thiệt!”.
Ngày cưới, ông Thư ốm nặng, bà Bích đạp xe đón bà Duệ về. Thế là, suốt bao nhiêu năm, họ ăn cùng mâm, phục vụ chồng và chăm sóc đại gia đình.
Người phụ nữ giúp chồng chăm sóc… vợ bé
Dù không muốn chia sẻ tình cảm của chồng cho bất kì người phụ nữ nào, nhưng vì thương chồng, thương đứa trẻ trong bụng người phụ nữ “thứ ba”, chị đã chấp nhận đón vợ bé của chồng về nhà chăm sóc tử tế.
Chị là Vũ Thị Hằng (33 tuổi, ngụ xã Chư Đăng Ya, tỉnh Gia Lai). Chị Hằng lấy chồng lúc vừa tròn 20 tuổi. Hai vợ chồng đã có 1 cậu con trai.
Đang yên ấm, chị phát hiện chồng mình có người phụ nữ khác, một cô gái trẻ mới 19 tuổi. Chồng chị ban đầu lấy tiền của gia đình đi theo cô gái kia. Đôi tình nhân gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đến khi cô gái mang thai 5 tháng, không tự lo nổi, phải về nhờ đến chị Hằng.
Chị Hằng (áo hồng) ngày đêm chăm sóc cho vợ bé và con riêng của chồng. (Ảnh minh họa)
Dù bị chồng phản bội, chị Hằng vẫn bao dung chấp nhận để anh trở về. Được một thời gian, người chồng lại lén lấy tiền của chị đi ở với vợ bé.
Năm 2010, chị quyết định đón cả chồng và cô gái đang mang thai giọt máu của chồng về nhà chăm sóc. Chị nghĩ, cô gái đó còn quá trẻ, lỗi là do chồng mình. Nếu để cô ấy đang mang thai mà lang thang cơ nhỡ, xảy ra chuyện gì thì sẽ rất ân hận.
Và chị Hằng đã ân cần chăm sóc đứa con riêng cùng người vợ bé của chồng mình.
Thương chị nên về làm lẽ chồng chị
Thương chị gái lấy chồng cả chục năm không sinh nở được, cô em ruột nhận lời về làm lẽ chồng chị. Đó là chuyện nhà ông Canh ở làng Thanh Liễu, xã Tân Hưng, TP. Hải Dương
Năm 1948, ông Nguyễn Hữu Canh lập gia đình với bà Đinh Thị Tư. Cưới được hai năm, ông Canh nhập ngũ. Tám năm trong quân ngũ, chỉ một lần ông được về thăm vợ.
Năm 1960, ông Canh xuất ngũ. Hai năm sau, bà Tư vẫn chưa có tin vui. Khi ấy, bà Lừng - em gái bà Tư cũng bước vào tuổi đôi mươi và đã nhận lễ ăn hỏi của một chàng trai làng bên, chỉ đợi ngày cưới.
Vợ chồng ông Canh - bà Lừng (Ảnh minh họa)
Một hôm, bà Tư về thăm nhà, gọi bà Lừng vào buồng nói chuyện. Người chị gái khốn khổ tâm sự: Có lẽ anh chị sẽ bỏ nhau, để anh đi lấy vợ khác mà sinh con. Nếu em thương chị thì về làm lẽ chồng chị, để chị vẫn được ở lại trong ngôi nhà ấy, có chị có em đỡ đần nhau...
Ngày ấy, đàn bà lấy chồng mà không con bị người ta hắt hủi, dè bỉu lắm. Bà Lừng suy nghĩ rất nhiều. Nếu bà không đồng ý, chị gái sẽ phải khăn gói về nhà bố mẹ đẻ, mang tiếng "gái độc không con".
Còn nếu làm theo lời chị, bà sẽ mang tiếng là phụ bạc, sẽ nhận được những lời bàn tán, dị nghị của dân làng. Cuối cùng, vì thương chị, bà Lừng gật đầu. Ngày cưới, vợ cả đội mâm trầu cau dẫn lễ, hỏi chính em gái mình về làm lẽ cho chồng.
Thế nhưng, cưới nhau được 5 năm, bà Lừng vẫn "án binh bất động". Sau nhiều lần bàn bạc, cả ba quyết định xin con nuôi. Không khí gia đình đã bớt ngột ngạt hơn với hai đứa con nuôi bụ bẫm, kháu khỉnh.