Chốn công sở về cơ bản chỉ có 4 kiểu sếp, biết “bắt mạch” sẽ giúp chị em rộng đường thăng tiến
Sau khi hiểu sếp, việc chúng ta cần làm chính là điều chỉnh phong cách làm việc cũng như ứng xử để đẹp đường đôi bên.
Làm việc trong môi trường văn phòng nhiều năm, chắc hẳn chị em sẽ phần nào nhận ra được một chân lý rằng, công sở là nơi vô cùng đa dạng và quy tụ nhiều kiểu người bậc nhất. Nếu như đồng nghiệp có dăm bảy loại thì sếp cũng có lắm kiểu. Đứng trước thực trạng đó, vấn đề được đặt ra cho nhân viên cấp dưới chính là phải biết cách “bắt mạch” và nhận dạng được kiểu sếp mà mình đang làm việc cùng để có biện pháp cư xử phù hợp. Nghe qua có vẻ nhiêu khê, tuy nhiên nhìn chung, công sở tồn tại 4 kiểu sếp phổ biến dưới đây:
Chỉ nhìn kết quả
Dạng sếp này chỉ tập trung vào KPI, mục tiêu, kết quả công việc mà ít khi quan tâm đến nỗ lực của nhân viên trong suốt quá trình. Do đó, những câu chuyện lý do, nguyên nhân thường là thứ mà kiểu sếp “chỉ tập trung vào kết quả” ghét nhất. Bên cạnh đó, họ cũng ít khi gần gũi nhân viên cũng như tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, thoải mái và gắn kết.
Còn về thái độ, sếp “chỉ nhìn vào kết quả” thường hay mất bình tĩnh khi nhân viên không đạt chỉ tiêu hoặc tỏ ra lề mề, chậm chạp trong công việc. Đối với họ, thời gian là vàng bạc và mỗi giây phút đều cần được tận dụng một cách triệt để để đẩy mạnh năng suất công việc.
Tuy nhiên, sếp “chỉ nhìn vào kết quả” là kiểu khá dễ để đối phó, chúng ta chỉ cần tập trung hoàn thành công việc được giao, trình bày ngắn gọn súc tích, đưa ra giải pháp chứ không chỉ đặt vấn đề và quan trọng là chủ động trong công việc. Tuyệt đối, đừng cố gắng thách thức hay chọc tức họ; chỉ làm những gì họ mong đợi ở một nhân viên là cách tốt nhất để đạt được sự tôn trọng và được đánh giá cao.
Luôn tích cực, tràn đầy năng lượng
Những người sếp tích cực và luôn tràn đầy năng lượng là kiểu người biết truyền cảm hứng cũng như khích lệ để nhân viên phát huy tốt nhất có thể khả năng của bản thân. Bên cạnh đó, họ cũng tạo ra một môi trường làm việc năng động, thoải mái để kích thích khả năng phản ứng, sự sáng tạo, hiệu quả. Tuy nhiên, điểm bất cập của kiểu sếp “tích cực và tràn đầy năng lượng” chính là tùy hứng, dễ thay đổi và ưa mạo hiểm. Họ thường thích bắt đầu các dự án mới nhưng ít quan tâm đến các chi tiết nhỏ trong kế hoạch đạt được mục tiêu ấy.
Để làm việc với một người sếp tràn đầy năng lượng, chúng ta phải điều chỉnh tâm trạng bản thân theo tâm trạng của sếp, chứ không chỉ dừng lại ở khía cạnh làm việc chăm chỉ. Hãy xây dựng mối quan hệ cá nhân với họ, vui mừng về ý tưởng của họ và nếu những ý tưởng đó chưa thực sự hoàn hảo, đừng cố gắng hạ bệ họ trong các cuộc họp đông người mà nên trình bày kín đáo và cá nhân.
Nguyên tắc là trên hết
Sếp “nguyên tắc” đánh giá rất cao chất lượng cũng như độ chính xác trong công việc. Họ cần nắm rõ mọi thông tin để chắc rằng công việc được thực hiện theo quy tắc và trật tự. Vì lẽ đó, tốc độ phản hồi của sếp “nguyên tắc” có thể sẽ hơi chậm hơn những người sếp khác bởi họ có quá nhiều những tâm tư, cân nhắc. Sếp “nguyên tắc” sẽ vô cùng bướng bỉnh, cầu toàn nhưng bao quát và năng suất.
Khi làm việc với sếp “nguyên tắc”, chúng ta hiểu điều gì thúc đẩy sếp đưa ra quyết định để có thể cung cấp cho họ các giải pháp phù hợp. Đừng cố làm sếp bất ngờ bằng những vấn đề mà họ chưa biết trước, bởi lẽ, họ sẽ rất dễ đặt ra nghi vấn về những thứ mới mẻ. Đồng thời, hãy tôn trọng quy trình làm việc của họ, giảm tốc độ và quản lý tốt cảm xúc để học hỏi từ những lời chỉ trích và không bị tổn thương.
Hài hòa, thân thiện
Sếp “thân thiện” luôn thúc đẩy một môi trường làm việc hài hòa, gắn kết thông qua việc tập trung vào mỗi cá nhân. Dạng sếp này luôn muốn nhân viên có thể thành công và luôn để mọi người cảm thấy thoải mái nhất có thể khi được giao một công việc nào đó. Kiểu sếp này thường rất được lòng nhân viên.
Làm việc với sếp “thân thiện” giúp cuộc sống của dân công sở dễ thở hơn rất nhiều. Chị em có thể trao đổi với sếp những vấn đề đang khiến bản thân mình phiền muộn, nhưng đừng kịch tính và trầm trọng hóa mọi chuyện. Khi chúng ta có những đề xuất hay yêu cầu riêng, hãy đảm bảo nó không làm suy yếu sự ổn định của công ty.