Nhân viên tài năng bị sếp đố kỵ: Trường hợp hiếm gặp nhưng chị em công sở vẫn nên biết cách đề phòng

Louis,
Chia sẻ

Trong trường hợp này, im lặng không phải là cách giải quyết tốt nhất, những tuyệt chiêu dưới đây sẽ giúp chị em đối phó một cách khôn ngoan khi lỡ bị sếp đố kỵ.

Trong mối quan hệ công việc, hòa hợp là điều quan trọng tất yếu, tuy nhiên sẽ rất khó khăn nếu chẳng may chị em công sở bị sếp đố kỵ. Đố kỵ vì bản thân mình tài năng quá, sếp lo sau này vị trí của anh/chị ấy sẽ lọt vào tay mình hoặc đơn giản hơn là sợ mình giỏi quá hóa ngông cuồng rồi không "cúi đầu" trước sếp nữa,...

Trong trường hợp này, im lặng không phải là cách giải quyết tốt nhất, những tuyệt chiêu dưới đây sẽ giúp chị em đối phó một cách khôn ngoan khi lỡ lọt vào “tầm mắt” của sếp.

Nhân viên tài năng bị sếp đố kỵ - trường hợp tuy hiếm nhưng chị em công sở vẫn nên biết cách đề phòng - Ảnh 1.

Cố gắng che giấu tài năng

Có thể chị em sẽ nhận ra vấn đề mâu thuẫn ở đây. Những câu hỏi được đặt ra như “tại sao phải che giấu tài năng?”, “điều làm sếp hài lòng nhất ở nhân viên chẳng phải là tài năng hay sao?”. Tuy nhiên, tài năng lại là một trong những vấn đề dễ khiến chị em mâu thuẫn với sếp. Mặc dù sếp nào cũng mong muốn mình có những nhân viên tài năng xuất chúng nhưng lại không mong muốn có nhân viên vượt trội hơn mình.

Thử đặt bản thân vào vị trí của sếp, làm gì có người đứng đầu nào cảm thấy dễ chịu khi “quân” của mình tài giỏi hơn. Điều này vô tình chạm vào tự trọng và sĩ diện của sếp. Chị em hãy tinh ý và giấu khéo tài năng của mình.

Nhân viên tài năng bị sếp đố kỵ - trường hợp tuy hiếm nhưng chị em công sở vẫn nên biết cách đề phòng - Ảnh 2.

Lấy nhân cách đối phó

Khi chị em bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu này, “ăn miếng trả miếng” là điều không nên làm. Xét về lợi ích, chắc chắn chị em sẽ là người thua thiệt, cũng đừng mong nhận được sự đồng cảm, ủng hộ của đồng nghiệp vì chẳng ai dám chống lại sếp để đứng về phía chị em. Xét về bản thân, chị em không làm gì sai thì không cần phải đáp trả, điều này chỉ khiến mối quan hệ hai bên ngày càng rắc rối và phức tạp.

Hãy dùng sự chân thành, điềm tĩnh để “đối đãi” với sếp. Trái tim của con người cũng từ thịt mà ra, sếp sẽ cảm nhận được sự lương thiện, chính trực, đáng tin trong nhân cách và phẩm chất của chị em, từ đó sẽ tự giác “vứt bỏ” tâm lý đố kỵ trước đây.

Nhân viên tài năng bị sếp đố kỵ - trường hợp tuy hiếm nhưng chị em công sở vẫn nên biết cách đề phòng - Ảnh 3.

Luôn phục tùng và tôn trọng

Đố kỵ là một trạng thái rất dễ xảy ra. Chẳng cần phải nói tới tài năng hay tiền bạc cho xa xôi, nếu sếp của chị em là nữ, vô tình nhan sắc chị em lại có chút nổi bật hơn bà ta thì cũng dễ dàng xảy ra đố kỵ. Tỏ thái độ khó chịu ra bên ngoài hay đi nói xấu sếp với đồng nghiệp là việc làm dại dột, điều này chỉ khiến sếp có “động lực” để đẩy chị em ra khỏi công ty.

Thay vì hành động bằng cảm tính và nóng vội, chị em hãy cố gắng phục tùng và tôn trọng sếp hơn trước, việc làm khôn ngoan này sẽ khiến sếp hiểu ra chị em không có ý định khiêu chiến. Khi cảm thấy đối phương “ngoan ngoãn”, phục tùng thì bản thân sẽ tự không còn hứng thú với việc đố kỵ nữa.

Nhân viên tài năng bị sếp đố kỵ - trường hợp tuy hiếm nhưng chị em công sở vẫn nên biết cách đề phòng - Ảnh 4.

Học cách cảm ơn và khen ngợi

Lợi nhuận có thể là vấn đề dẫn tới việc chị em bị cấp trên đố kỵ, lạnh nhạt. Cấp trên sẽ cảm thấy khó chịu khi chị em nhận được món lợi nhuận “hời” hơn. Khi đó, họ sẽ tự mặc định rằng họ là người kém cỏi, thua kém cấp dưới của mình.

Để khắc phục tình trạng này, chị em đừng tiết kiệm những lời cảm ơn và khen ngợi. Hãy cố gắng tạo cho cấp trên cảm giác lợi nhuận chị em nhận được là do họ “ban cho”, điều này sẽ cân bằng tâm lý và nhận ra chị em không phải người tham lam.

Nhân viên tài năng bị sếp đố kỵ - trường hợp tuy hiếm nhưng chị em công sở vẫn nên biết cách đề phòng - Ảnh 5.

Phản công

Nếu đã áp dụng những cách mềm mỏng ở trên mà sự đố kỵ vẫn không bị đánh bật thì chị em hãy “phản đòn” lại. Cách đơn giản nhất chính là tranh luận thẳng thắn với sếp, đưa ra những minh chứng, lý luận rõ ràng, đừng quên đặt ra câu hỏi “tại sao lại có hành động không công bằng đối với tôi?”.

Đây vừa là một câu hỏi, vừa là một câu “phản đòn” mạnh mẽ, nếu chị em không có những hành động sai trái thì đây sẽ là câu hỏi khiến sếp lúng túng. Nếu đã dùng tới cách này mà vấn đề vẫn không được giải quyết thì chị em nên nghĩ tới phương án chuyển công ty, rời khỏi “chốn thị phi” và xây dựng những mối quan hệ mới.

Nhân viên tài năng bị sếp đố kỵ - trường hợp tuy hiếm nhưng chị em công sở vẫn nên biết cách đề phòng - Ảnh 6.

Chia sẻ