Chọi trâu Đồ Sơn, những chuyện ngoài lề (P1): Linh thiêng một lễ hội
Lễ hội chọi trâu hàng năm ở Đồ Sơn chỉ diễn ra trong 1 buổi sáng. Để có được ngày hội ấy, người chơi trâu phải hao tiền, hao công, hao sức trong cả năm, thậm chí mấy năm…
"Đại gia" chọi trâu
Ở Đồ Sơn, những gia tộc chơi trâu nổi tiếng nhất phải kể đến là: nhà ông Đinh Đình Phú (Phú Ngà), nhà ông Hoàng Đình Phúc, gia đình ông Lê Bá Tuyền và gia đình ông Đinh Đắc Xề.
Trong số những gia tộc đó, nhà ông Xề “oách” hơn cả vì ông có trâu đoạt đủ 3 giải nhất, nhì, ba trong những lần lễ hội. Hội chọi trâu Du lịch 2006, trâu của ông cũng đoạt thêm một giải nhất.
Ông Đinh Đắc Xề.
“Đã chơi trâu là xác định phải lỗ vốn tiền trăm triệu. Nhiều người phải rút lui sau hai năm tham dự ”, ông Đinh Đắc Xề cho biết, Ông nói thêm “một người chơi cũng không được mà phải cả nhà, thậm chí cả gia tộc đổ công sức, tiền của vào con trâu. Chính vì thế trâu Đồ Sơn quý như vật báu, liên quan đến màu cờ sắc áo của cả gia tộc”.
Người chủ đạo đứng lên tìm kiếm, chăm sóc và huấn luyện trâu nhà ông Xề chính là con trai ông: anh Đinh Đắc Đoàn. Không phải nói về độ “máu” và niềm đam mê trâu chọi của vị đại gia đất Cảng này vì nó đã thuộc về bản chất của anh.
Chuyện Đoàn tìm trâu không chỉ nổi tiếng khắp Đồ Sơn, mà còn nổi tiếng khắp cả nước. Anh cho biết: để có được những trâu ưng ý, trước hết anh phải tìm hiểu để làm quen với các mối lái từ Bắc vào Nam , thậm chí ở cả nước ngoài để họ giới thiệu cho mình những con trâu tốt. Có năm, anh lặng lẽ đi tới 10 lần vào miền Trung để tìm trâu, nhưng vẫn không tìm thấy trâu ưng ý.
Những lần nghe ngóng tin tức đã giúp Đoàn biết: nguồn trâu tốt thường ở bên Lào và Myama. Anh phải sang bên đó ăn trực nằm chờ như một lái buôn để tận tay đưa con trâu ưng ý về nhà chăm sóc, huấn luyện.
Con mắt người nhìn trâu chọi của người Đồ Sơn rất tinh tường: trâu chọi ngoài to khoẻ, trâu phải đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của một trâu chiến. Trâu phải có cặp sừng chắc, gốc sừng phải to, hai đầu sừng rúc sát vào nhau. Cặp mắt của trâu sẽ quyết định được phần lớn trâu lành hay trâu dữ.
Một con trâu "tạm" đủ tiêu chuẩn của trâu chiến.
Ngoài ra, trâu chiến phải có da dày, lông đen để chịu được mưa nắng; chân thẳng, kheo gập để có sức bật dẻo dai; đuôi to thì xương sống sẽ to, trâu chịu lực lớn; khoang nhỏ mờ thì trâu kín hơi, ít mất sức…
Sự linh ứng của thần linh vào các ông trâu
Những ngày giữa thu, tuyến đường Phạm Văn Đồng vào buổi chiều muộn thường rộn ràng trống rong cờ mở. Người chơi trâu và huấn luyện trâu đang chuẩn bị (Đồ Sơn, Hải Phòng) cho trâu làm quen với không khí lễ hội.
Phải là người có uy tín mới đủ sức đứng cầm dịch
trang trọng mời các ông trâu vào trận đấu.
Người Đồ Sơn giọng nói sang sảng, bước đi chắc nịch. “Từ đứa trẻ con đến người già, đang ăn cơm mà nghe thấy có ai gọi: đằng kia có hai con trâu chọi nhau là phải bỏ cả ăn để chạy đi xem. Không phải riêng tôi, con tôi mà kể cả thằng cháu 4 tuổi của tôi cứ nhìn thấy trâu là ra ôm đầu, đút ngọn mía cho trâu ăn”, ông Lê Bá Tuyền, 70 tuổi, Phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Hải Phòng chỉ vào thằng cháu 4 tuổi đang đứng trước cái đầu trâu vô địch của ông năm 2007 khoe.
Niềm vui trâu chiến thắng.
Theo những câu chuyện của người Đồ Sơn kể lại: từ thời xa xưa, có một vị thần đã điều khiển một cuộc chọi trâu dưới biển gần khu Đồ Sơn. Sau đó, người dân nơi đây coi trâu là sự linh ứng của thần linh, bảo vệ mùa màng. Lễ hội chọi trâu được tổ chức để tái hiện cuộc chọi trâu dưới biến và cầu mong mùa màng bội thu, người đi biển được bảo vệ an lành.
Người Đồ Sơn gọi trâu là “ông trâu” để tỏ lòng kính trọng. Đền thờ vị thần chứng kiến cuộc chọi trâu trên biển được gọi là đền Nghè.Mỗi con trâu đạt giải nhất đều phải giết thịt, cúng tế thành hoàng làng.
Ông Lê Bá Tuyền kể: “năm 1993, con trâu số 20 của tôi đạt giải vô địch. Tôi không nỡ giết con trâu mình yêu quý nên dùng một cái đầu lợn để cúng tế thành hoàng làng. Mặc dù đã khấn thần linh cẩn thận nhưng những năm sau đó, dù trâu của tôi có chọi hay cỡ nào cũng không thể đạt chức vô địch. Mãi đến năm 2005, nghĩa là một giáp sau đó, lại một con trâu số 20 nữa của tôi vô địch. Tôi vội vàng cúng tế thần linh cẩn thận bằng đầu con trâu đó. Chỉ hai năm sau, năm 2007, tôi lại có trâu vô địch”.
Làm những thủ tục nhận phần thưởng xong ...
... Làm một việc quan trọng hơn: rước trâu đi tế Thành Hoàng.
(Còn tiếp)