"Choáng" trước cảnh có 102: Cả làng nhảy xuống sông Tích bắt cá
Với dụng cụ thô sơ, khoảng 40 người đàn ông cùng "nhảy" xuống sông Tích bắt cá, mỗi khi ai đó bắt được cá tất cả đều hò reo.
Hàng trăm người dân tại xã Lại Thượng (Thạch Thất - Hà Nội) trong các ngày 13 và 14/11 đã tổ chức lễ hội đánh giậm, bắt cá độc đáo trên sông Tích khiến người dân nơi đây vô cùng hào hứng. Với người dân, cứ giữa tháng 11 hàng năm là những người đàn ông trong xã đi làm ăn khắp nơi lại kéo về tham gia lễ hội này.
Theo người dân, việc đánh giậm không chỉ gắn kết tình xóm làng mà còn là dịp để tất cả mọi người đều cảm thấy vui vẻ, thoải mái.
Đánh giậm là một trong những cách đánh cá có từ lâu đời của người dân vùng sông nước miền Bắc. Tại xã Lại Thượng (Thạch Thất) cứ tháng 11 những người đàn ông trong vùng lại tổ chức đánh giậm như một lễ hội tạo nên nét văn hóa độc đáo chẳng nơi nào có.
Những người đàn ông cho biết: "Từ xa xưa ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ đánh dậm rất quen thuộc với người dân để bắt cá, tuy nhiên hiện nay việc đánh giậm gần như không còn nên việc các thôn trong xã như: Lại Thượng, Phú Kim, Kim Quan, Cần Kiệm cùng kéo nhau từ 40-100 người cùng xuống sông đánh giậm khiến người dân trong xã vô cùng hào hứng".
Dụng cụ đánh giậm cũng khá thô sơ được làm bằng lưới và tre. Người đánh dậm sử dụng vật dụng để úp xuống dưới đáy sông rồi dùng chân dò xem có cá hay không. Nếu phát hiện có cá nằm trong chiếc giậm người dân sẽ dùng tay để bắt.
Đánh giậm với mắt lưới đan khá thưa để bắt các loại cá lớn như: Rô phi, chép, mè, trê...
Cận cảnh một chiếc giậm được những người đàn ông sử dụng.
Một chú cá chép nặng hơn 1kg là chiến lợi phẩm sau khoảng 20 phút đánh giậm.
"Năm nào cũng vậy, cứ vào thời gian này chúng tôi lại rủ nhau đi. Kể cả những người đi làm ăn xa... biết tin làng tổ chức đi giậm cá cũng tranh thủ thời gian về để tham gia", anh Giáp cho biết.
Theo người dân nơi này cho biết, cá chép trên sông Tích khá lớn, con nhỏ khoảng 800g, con nặng đến 2kg.
Sau mỗi lần bắt được cá, người dân móc vào dây rồi đeo bên hông.
Đánh giậm không chỉ mang đến niềm vui, tiếng cười mà với người dân lễ hội là nơi kết nối tinh thần đoàn kết giữa người với người thông qua việc đánh bắt cá.