Chợ truyền thống loay hoay đổi mới
Người tiêu dùng chuộng mua hàng online nhưng chợ truyền thống vẫn có đời sống riêng, gắn với văn hóa, lịch sử của người Việt.
Khoảng 1 tuần trở lại đây, chợ Bến Thành - khu chợ lâu đời và nổi tiếng bậc nhất ở TP HCM - nhộn nhịp hơn bình thường khi có hàng trăm người nổi tiếng trên mạng xã hội (KOLs) đến để livestream (phát sóng trực tiếp) bán hàng cùng tiểu thương.
Đua nhau livestream
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ sự kiện "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP HCM 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành" do Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, UBND quận 1 và Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM phối hợp tổ chức, kéo dài 6 ngày, từ 11 đến 16-12. Mục đích là để kết nối và phát huy nguồn lực của các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook, YouTube..., khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, tiểu thương và người nổi tiếng.
Các tiểu thương ở chợ rất kỳ vọng việc bán hàng qua hình thức livestream sẽ mở ra bước ngoặt mới cho chợ Bến Thành trong việc tiếp cận khách hàng, cũng như quảng bá du lịch cho chợ và TP HCM. Do đó, những ngày đầu của chương trình, tiểu thương rất hào hứng, họ chuẩn bị chu đáo hàng hóa và phối hợp nhiệt tình với những TikToker để livestream bán hàng.
Tuy vậy, những ngày sau đó một số tiểu thương bắt đầu lo lắng và ngại thay đổi khi thấy phương thức mới quá phức tạp, nhiều người không đáp ứng nổi như: không rành về công nghệ, đầu tư máy móc, nguồn lực đóng hàng, giao hàng... Đặc biệt là hàng hóa phải có giấy chứng nhận và nguồn gốc rõ ràng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, chương trình livestream bán hàng không phải lần đầu tiên xuất hiện ở chợ Bến Thành mà thời gian qua, khi tình trạng ế ẩm kéo dài, tiểu thương ở nhiều chợ truyền thống đã chủ động thay đổi phương thức kinh doanh như đưa hàng lên mạng, chạy quảng cáo trên mạng xã hội, học livestream bán hàng trên mạng...
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, một tiểu thương bán vải lụa ở chợ An Đông (quận 5, TP HCM), dù đã 62 tuổi nhưng vẫn học cách bán hàng trên mạng. Bà cho biết 4-5 tháng trở lại đây, tình hình kinh doanh đã có tín hiệu tích cực nhờ bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube dù không bằng trước đây.
"Sau đại dịch, nhiều bạn hàng lâu năm của tôi không còn kinh doanh nữa do người tiêu dùng có xu hướng mua trên mạng. Lúc đó, tôi rất lo lắng. Khi thấy nhiều người bán hàng trên YouTube, tôi cũng thử quay video giới thiệu sản phẩm. Tôi nhờ nhân viên quay lại cảnh ướm vải lên người để khách tham khảo.
Ban đầu ai cũng nản do rất mất thời gian mà chỉ có vài người xem. Bây giờ kênh YouTube của tôi đã có hơn 51.000 lượt theo dõi, nhiều video có vài chục ngàn người xem nên khách sỉ và lẻ tăng đều. Ngoài ra, tôi còn quảng cáo trên Facebook và TikTok" - bà Thảo phấn khởi nói.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó trưởng Ban Quản lý chợ An Đông, ban quản lý đang đẩy mạnh các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của chợ như quảng bá các sản phẩm qua kênh YouTube, TikTok của những người nổi tiếng, thanh toán không dùng tiền mặt... để tạo thuận lợi cho tiểu thương cũng như thu hút khách đến mua sắm.
"Việc bán hàng online và phát livestream tại chợ đang được nhiều tiểu thương thực hiện và đem lại kết quả khả quan. Tuy vậy vẫn có một số tiểu thương tập làm theo nhưng không hiệu quả do tính chất sản phẩm" - bà Hà nói.
Chợ phải có nét riêng
Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê trái cây Meet More, nhận định rằng livestream đang là xu thế bán hàng hiện nay nhưng không phải mô hình kinh doanh nào bằng livestream cũng sẽ mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là chợ truyền thống.
"Việc tiểu thương ở chợ rao một giá nhưng khi bán lại giá khác không hiếm. Họ cũng không quen ship hàng, chiết khấu, chờ đợi nền tảng hoàn tiền hàng. Do đó, theo tôi, cuộc chơi giữa chợ truyền thống và livestream bán hàng nên tách riêng. Người chủ phải tạo một không gian riêng để bán mới đem lại hiệu quả tối đa, không bị ảnh hưởng bởi phong cách bán hàng truyền thống. Bên cạnh đó, giá cả phải cạnh tranh" - ông Luận nhận xét.
TS Dương Đức Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, đánh giá việc tổ chức các KOL livestream để bán hàng, kết nối tiểu thương với khách hàng là ý tưởng hay. Vấn đề là các KOL với lượng tương tác đông chỉ có thể đóng vai trò dẫn dắt chứ không thể giúp tiểu thương bán hàng thời gian dài.
"Phải làm cho livestream bán hàng trở thành một động lực, một hành vi gắn với thói quen bán hàng hằng ngày của tiểu thương. Từ đó, giúp họ chuyển đổi dần cách thức kinh doanh offline kết hợp online để tiếp cận khách hàng và kinh doanh hiệu quả hơn" - TS Minh nói.
Theo TS Minh, thương mại điện tử, nhất là bán hàng qua hình thức livestream, phát triển nhanh, người tiêu dùng chuộng mua hàng online hơn là đến trực tiếp cửa hàng, sạp chợ... Dù vậy, chợ vẫn có đời sống riêng, gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử của người Việt nên vẫn có lượng khách hàng nhất định.
Trong giai đoạn hiện tại, sức hút của chợ phải đến từ chất lượng, giá trị của sản phẩm và cách thức bán hàng phải thay đổi theo hướng chỉn chu hơn, kết nối tốt hơn với người mua nhằm xóa bỏ định kiến "hàng chợ" là hàng trôi nổi, kém chất lượng. Tất cả phải làm đồng bộ với nhau để cải thiện khả năng cạnh tranh của chợ truyền thống.
Đồng quan điểm này, TS Huỳnh Thanh Điền, ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng việc đưa KOL bán hàng cho tiểu thương nhằm giúp người kinh doanh theo kiểu cũ bán hàng tốt hơn.
Tuy nhiên, về lâu dài cần tuân theo quy luật thị trường, những tiểu thương trẻ, bắt nhịp được xu hướng kinh doanh hiện đại, tận dụng tốt kênh bán hàng online để bán hàng sẽ vẫn tồn tại, phát triển được. Những tiểu thương lớn tuổi, khó chuyển đổi và không có người kế thừa sẽ phải chọn sinh kế khác.
TS Huỳnh Thanh Điền cho rằng nên quy hoạch lại hệ thống chợ truyền thống. Theo đó, xây dựng những ngôi chợ gắn với văn hóa, lịch sử của TP HCM như Bến Thành, An Đông, Tân Định, Bình Tây… để phát triển du lịch. Những ngôi chợ không còn phù hợp với hiện đại thì có thể chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng thành trung tâm thương mại, dịch vụ giải trí công cộng...
"Xu hướng phát triển của thế giới, thương mại hiện đại gia tăng thì thương mại truyền thống teo tóp lại. Bàn việc quy hoạch lại các chợ truyền thống gắn với du lịch, văn hóa, tổ chức thành những điểm nhấn thu hút du khách" - TS Điền nêu quan điểm.
Theo ông, quản lý nhà nước phải hiểu thị trường, nghiên cứu kỹ để có giải pháp phù hợp. Trong đó, tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ tiểu thương làm quen, sử dụng phương thức bán hàng hiện đại là cần thiết.
Nhiều nước "hồi sinh" chợ truyền thống
Nhiều nước châu Á đang triển khai kế hoạch vực dậy chợ truyền thống. Điển hình như khu chợ sầm uất Tekka tại Singapore vào tháng 7 đã được sửa chữa và trang trí lại như lắp đặt sàn mới, sơn mới, thay mới bàn, ghế, quạt cũng như nâng cấp nhà vệ sinh.
Không riêng Singapore, trong nỗ lực duy trì mô hình chợ truyền thống, Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Chính quyền địa phương Malaysia Nga Kor Ming cho biết các khu chợ truyền thống hơn 50 năm tuổi sẽ được ưu tiên nâng cấp công trình. Ông cho rằng việc nâng cấp có thể là cải tạo hoặc xây mới.
Để thích nghi với sự quan tâm của khách hàng mới và sự thay đổi về nhân khẩu học, các khu chợ truyền thống cũng đang thay đổi đáng kể tại Trung Quốc. Những quầy hàng bừa bộn trước kia nay được thay thế bằng các khu vực ngăn nắp, sạch sẽ. Nhiều khu chợ cũng hiện đại hóa bằng cách áp dụng thanh toán mã QR, cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà. Một số chợ được cải tạo, mở ra không gian hiện đại hơn nhằm phục vụ giới trẻ.
X.Mai
Tối 15-12, bà Tô Thị Bích Châu - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, Bí thư Quận ủy quận 1 và ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, đã đến chợ Bến Thành để tham quan sự kiện "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP HCM 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành".
Theo dõi từng gian hàng livestream, bà Châu đánh giá mô hình bán hàng qua livestream là cơ hội để các tiểu thương tại chợ phát triển thêm các cách bán hàng mới. Bà mong các tiểu thương tham gia livestream nhiều hơn để tăng doanh số và thay đổi suy nghĩ trong kinh doanh.
L.Tỉnh