Cho con làm mũi, cắt mí...: Bác sĩ tiết lộ độ tuổi có thể thực hiện, khuyên cha mẹ nhớ kỹ những điều này
Những video chia sẻ chuyện phẫu thuật thẩm mỹ ở trẻ em xuất hiện dạo gần đây khiến nhiều người bàn tán về chủ đề này.
Mới đây, trên mạng xã hội truyền tay nhau video về một em bé được cho là vừa thực hiện nâng mũi, vẫn còn chưa tháo băng. Dù chưa xác thực được tính chính xác của video, không biết có đúng là em bé đã nâng mũi hay không nhưng đã khiến cộng đồng mạng xôn xao. Nhiều người cũng băn khoăn, liệu phẫu thuật thẩm mỹ cho con khi vẫn còn nhỏ có ảnh hưởng gì hay không?
Ảnh chụp từ video bé khoe mũi, cằm sau phẫu thuật thẩm mỹ. (Ảnh chụp màn hình)
Phóng viên đã có buổi trao đổi với ThS.BS Nguyễn Thanh Hùng (chuyên khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, làm việc tại Hà Nội) về chủ đề này.
PV: Theo quan điểm của bác sĩ, phẫu thuật thẩm mỹ ở trẻ em khác biệt như thế nào so với ở người lớn?
BS Nguyễn Thanh Hùng: Chúng ta nên nói đến cụm từ rộng hơn, đó là phẫu thuật tạo hình ở trẻ em. Bởi lẽ phẫu thuật tạo hình mang ý nghĩa rộng hơn, phẫu thuật thẩm mỹ chỉ là một phần nằm trong phẫu thuật tạo hình thôi.
Còn nếu bạn chỉ quan tâm phẫu thuật thẩm mỹ ở trẻ em thôi thì tôi khẳng định, một bác sĩ đúng chuyên môn, được đào tạo bài bản sẽ không ai thực hiện. Bởi vì phẫu thuật thẩm mỹ là sự can thiệp, chỉnh sửa những điểm bên ngoài cơ thể chưa hoàn hảo, muốn được thay đổi. Ở trẻ em thì thường dừng lại ở phẫu thuật tạo hình thôi!
Tức là bác sĩ có thể chỉnh sửa những khiếm khuyết liên quan đến dị tật bẩm sinh thuộc về mặt bệnh lý, mắc phải các vấn đề như dị tật bẩm sinh (ví dụ sứt môi, hở hàm ếch), di chứng sau tai nạn (ví dụ như sẹo), di chứng của bỏng...
PV: Nếu có bệnh nhi đến mong muốn được phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí có phụ huynh đưa con đến để làm mũi, cắt mí... thì bác sĩ thấy thế nào?
BS Nguyễn Thanh Hùng: Bản thân tôi chưa từng gặp trường hợp nào như vậy. Nhưng nếu có những trường hợp như vậy thì chắc chắn tôi sẽ phân tích rõ ràng, khuyên họ nên đưa con mình về thay vì làm đẹp cho trẻ, dù bố mẹ hay chính trẻ đều có mong muốn như vậy.
Ở độ tuổi còn nhỏ, tôi chỉ nhận những trường hợp cần phẫu thuật tạo hình, tức là những trẻ có vấn đề về mặt bệnh lý. Tôi cũng tin, bất cứ bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ nào, bất cứ ai có chuyên môn cũng sẽ làm như vậy.
PV: Mặc dù phẫu thuật thẩm mỹ ở trẻ em là chuyện không thể nhưng có thể rất nhiều phụ huynh chưa hiểu rõ được lý do vì sao lại thế. Bác sĩ có thể chia sẻ những nguy cơ và hậu quả có thể xảy ra đối với trẻ khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ không?
BS Nguyễn Thanh Hùng: Với tôi, một bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, tôi khẳng định phẫu thuật thẩm mỹ không thể, không nên và không được thực hiện ở trẻ em.
Cơ thể của trẻ nhỏ còn đang trong giai đoạn phát triển, thay đổi rất nhiều. Ví dụ, trẻ được cắt mí thì lớn lên, mí mắt cũng thay đổi, không còn như mong muốn. Nâng mũi ở độ tuổi còn nhỏ quá thì khi lớn lên, mô da phát triển, thay đổi hình dáng mũi.
Nhất là đến giai đoạn tuổi dậy thì, cơ thể trẻ thay đổi rất nhiều. Phẫu thuật thẩm mỹ sẽ không đem lại hiệu quả, thậm chí phản tác dụng, dẫn đến nhiều vấn đề không lường trước được. Đó là lý do phẫu thuật thẩm mỹ chỉ thực hiện khi cơ thể đã phát triển ổn định.
PV: Phẫu thuật tạo hình thì có thể làm với trẻ nhỏ đúng không? Bác sĩ có thể chia sẻ trường hợp nhỏ tuổi nhất mà mình đã thực hiện phẫu thuật tạo hình hay không?
BS Nguyễn Thanh Hùng: Về thẩm mỹ thì tôi không làm ở nhóm tuổi trẻ em chứ lĩnh vực phẫu thuật tạo hình thì nhiều (cười). Trước đây, khi tôi còn làm trong bệnh viện thì có những cháu bé hơn 10 tuổi bị dị tật thừa ngón tay, ngón chân, đến để cắt bỏ, u sắc tố gây ảnh hưởng tâm lý, tinh thần học tập của các cháu... thì cần thực hiện luôn. Những trường hợp nhỏ tuổi quá thì bắt buộc phải gây mê, thực hiện ở bệnh viện có chuyên ngành phẫu thuật tạo hình.
PV: Bác sĩ có thông điệp gì muốn gửi đến độc giả về vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ ở trẻ em không? Nhất là những trường hợp vẫn muốn cho con làm phẫu thuật thẩm mỹ sớm?
BS Nguyễn Thanh Hùng: Như bên trên tôi đã chia sẻ, phẫu thuật thẩm mỹ nếu thực hiện ở trẻ em sẽ không đảm bảo kết quả lâu dài, do cơ thể trẻ sẽ còn tiếp tục phát triển. Năm 10 tuổi, con bạn sẽ khác, năm 12 tuổi, con bạn sẽ thay đổi tiếp. Chúng ta không thể mỗi năm lại đưa con đi thẩm mỹ 1 lần được. Chỉ khi con bạn đủ 18 tuổi trở lên thì mới cần can thiệp thẩm mỹ nếu muốn.
Ngoài ra, việc can thiệp thẩm mỹ sớm, ngay ở độ tuổi thiếu niên cũng xảy ra nhiều tai biến, biến chứng khó lường vì chỉ định không đúng đối tượng. Đặc biệt, nếu làm thì phải thực hiện gây mê. Mỗi lần gây mê sẽ gây hại cho sức khỏe của con bạn. Đó là lý do chỉ làm khi bắt buộc phải phẫu thuật tạo hình cho trẻ, còn phẫu thuật thẩm mỹ thì không!