Cho con của bị cáo bú trong lúc phiên tòa đang xử, nữ cảnh sát khiến nhiều người cảm động!
Trước tiếng khóc quặn lòng của đứa trẻ mới sinh, một nữ cảnh sát tại Trung Quốc đã không ngần ngại cho em bé bú trong lúc chờ bị cáo tham dự phiên tòa xét xử.
Sự việc được ghi lại vào ngày 23/9 vừa qua tại Tòa án Nhân dân thành phố Tấn Trung, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Nhân vật được tuyên dương là nữ cảnh sát trẻ tuổi Hác Lợi Na.
Theo đó, do quá trình xét xử diễn ra quá lâu nên người mẹ tội lỗi – đồng thời là bị cáo trong phiên tòa đành phải nhờ cô Hác chăm sóc đứa con nhỏ mới khoảng bốn tháng tuổi.
Nhưng khoảng nửa giờ sau thì em bé đã quấy khóc đòi ăn. Điều này khiến nữ cảnh sát trẻ cùng đồng nghiệp xung quanh cảm thấy rất khó xử, đồng thời họ cũng không thể xin cho bị cáo ra ngoài với lý do như vậy.
Nữ cảnh sát trẻ tuổi Hác Lợi Na, người đã cho con ruột của bị cáo bú sữa trong phiên tòa xét xử.
Vì mới sinh con chưa lâu nên cô Hác quyết định nói chuyện với nữ bị cáo và thuyết phục người này để đứa trẻ bú sữa của mình. Nhận được sự chấp thuận, nữ cảnh sát tốt bụng liền bế em bé tới một căn phòng trống rồi thực hiện nghĩa cử cao đẹp ấy.
"Giữa phiên xét xử, đứa trẻ bắt đầu quấy khóc không ngừng khiến chúng tôi vô cùng lo lắng. Cũng là một người mẹ nên tôi rất đau lòng trước tiếng khóc não nề đó, bởi vậy tôi chỉ cố làm hết sức mình nhằm đem lại những gì tốt nhất cho em bé", cô Hác nói.
Cô Hác bế em bé tới một căn phòng trống rồi cho bú sữa của chính mình.
Một đồng nghiệp của cô Hác đã dùng điện thoại để ghi lại hình ảnh cảm động này. Sau đó, chúng nhanh chóng xuất hiện trên trang chủ của Tòa án Nhân dân thành phố Tấn Trung rồi tiếp tục được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi.
Ngoài ra, bị cáo họ Lý - người đang phải đối mặt với những tội danh bao gồm gây quỹ bất hợp pháp, biển thủ tài sản công và che giấu hoạt động tội phạm đã rất cảm động trước việc làm nhân đạo mà nữ cảnh sát trẻ vừa thực hiện.
"Tôi tin rằng mọi nhân viên cảnh sát đều sẽ làm giống mình. Nếu là bà mẹ đó, tôi cũng rất mong muốn có một người chăm sóc con đẻ trong hoàn cảnh khó khăn", cô Hác khẳng định.