Chính sách visa mới của Nhật tác động gì tới khách Việt?
Chính sách cấp thị thực điện tử (e-visa) cho đoàn du khách Việt Nam tới Nhật Bản giúp du khách hưởng lợi về mặt thời gian xét duyệt, chi phí và tỷ lệ xin visa thành công. Đây cũng là tín hiệu tích cực cho việc hợp tác thu hút du khách hai chiều của các hãng lữ hành Việt Nam và Nhật Bản.
Trao quyền cho đại lý ủy thác
Chính sách e-visa cho đoàn du khách Việt Nam tới Nhật Bản có hiệu lực từ ngày 1/11/2023. Theo thông báo trên website của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, loại thị thực được cấp theo hình thức điện tử là lưu trú ngắn hạn, nhập cảnh một lần với mục đích du lịch trong vòng 15 ngày và chỉ cấp cho người mang hộ chiếu Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam.
Người xin cấp thị thực cần phải xuất trình tại sân bay hiển thị "Thông báo cấp thị thực - Visa issuance notice" trên màn hình điện thoại di động, do đó cần phải có mạng Internet.
Cơ quan nhập cảnh của Nhật Bản không chấp nhận xuất trình dữ liệu PDF, ảnh chụp màn hình hay bản cứng được in ra. Việc cấp thị thực điện tử bắt đầu được thực hiện từ các công ty du lịch được chỉ định tổ chức đoàn tour trọn gói.
Các công ty tư vấn du học, công ty phái cử thực tập sinh, các cơ quan đoàn thể xin visa cho cán bộ, nhân viên sẽ tiến hành nộp toàn bộ thông qua đại lý ủy thác do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chỉ định, thay vì nộp trực tiếp.
Số liệu từ Tổng cục Du lịch Nhật Bản cho thấy, trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam nằm trong nhóm 10 thị trường khách tới Nhật Bản lớn nhất. Ở chiều ngược lại, Nhật Bản cũng là một trong những thị trường gửi khách tới Việt Nam nhiều nhất. Trong 8 tháng đầu năm, hơn 400.000 du khách Nhật tới Việt Nam. Con số này chỉ xếp sau du khách Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường đạt tỷ lệ hồi phục và tăng trưởng lượng khách cao nhất trên thế giới.
Thủ tục nhanh, chi phí rẻ
Bà Chung Thúy Châu - Giám đốc Kinh doanh CTCP Truyền thông Du lịch Việt - nhận định, chính sách mới giúp việc xin visa khách đoàn dễ dàng hơn và chắc chắn thu hút lượng khách nhiều hơn, đặc biệt trong dịp cuối năm khi nhu cầu xuất ngoại của khách Việt tăng cao. "Đây cũng là tín hiệu tích cực cho việc hợp tác thu hút du khách hai chiều của các hãng lữ hành Việt Nam và Nhật Bản", bà Châu nói.
Ông Phạm Duy Nghĩa - CEO Công ty du lịch Vietfoot - cho biết đã chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng đáp ứng chính sách visa mới của Đại sứ quán Nhật Bản. Nhân sự, máy móc, văn phòng được hiện đại hóa theo quy chuẩn Nhật Bản.
"Chính sách mới giúp khách hưởng lợi rất nhiều. Đây là giải pháp linh hoạt, thông minh mà Đại sứ quán Nhật Bản đưa ra. Thông qua các đại lý ủy thác, nhu cầu của du khách được đáp ứng nhanh, kịp thời. Chưa kể, chi phí cũng tiết kiệm. Du khách chỉ cần nộp 250.000 đồng theo quy định của đại sứ quán", ông Nghĩa đánh giá.
Đại diện Vietfoot Travel nhấn mạnh, thời gian xét duyệt visa cũng được rút ngắn khi du khách nộp hồ sơ thông qua các đại lý ủy thác do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chỉ định. Đại sứ quán giao trách nhiệm cho đại lý là biểu hiện của sự nới lỏng chính sách visa ở tầm cao.
"Đây cũng là cơ hội để tạo ra mảng dịch vụ mới, thêm nguồn thu cho doanh nghiệp. Chính sách mới cũng nâng tầm uy tín, chất lượng của các công ty lữ hành được Đại sứ quán Nhật Bản trao quyền", ông Nghĩa chia sẻ với Tiền Phong.
Đại diện Công ty du lịch Flamingo Redtours cho biết, trước kia việc xin visa cho khách đoàn sang Nhật Bản là visa dán vào hộ chiếu, thường mất khoảng 10 ngày. Từ 1/11, thời gian rút xuống còn một nửa.
Việc cấp visa điện tử cho các đoàn sẽ mang đến sự thuận tiện, rút ngắn thời gian làm visa cho khách. Yếu tố này sẽ góp phần thúc đẩy lượng khách du lịch từ Việt Nam sang Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.