Chính sách giáo dục đào tạo có hiệu lực từ tháng 10/2022

Hải Bình,
Chia sẻ

Dưới đây là một số chính sách liên quan đến giáo dục đào tạo, có hiệu lực từ tháng 10/2022.

Ngày 17/8/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 54/2022/TT-BTC, có hiệu từ 5/10/2022.

Theo Thông tư này, ngân sách nhà nước cấp bù học phí đối với học sinh, sinh viên tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thuộc đối tượng được miễn hoặc giảm học phí theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ/CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Chính sách giáo dục đào tạo có hiệu lực từ tháng 10/2022 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/ITN.

Chi học bổng đối với học sinh, sinh viên tài năng và chế độ trang bị học tập cho học sinh, sinh viên tài năng trong quá trình học tập được quy định như sau:

Đối với chi học bổng: Thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.

Đối với chế độ trang bị học tập cho học sinh, sinh viên tài năng: Thực hiện theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg ngày 21/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật công lập và ngoài công lập.

Chi thực hiện chính sách đãi ngộ đối với giảng viên, giáo viên, chuyên gia trong nước, nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia đào tạo tài năng như sau:

Căn cứ yêu cầu chất lượng khóa bồi dưỡng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tổ chức các lớp đào tạo tài năng quyết định mức chi thù lao cho giảng viên là chuyên gia trong nước, nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia đào tạo (bao gồm cả thù lao soạn giáo án bài giảng) trên cơ sở thỏa thuận theo hình thức hợp đồng công việc phù hợp với chất lượng, trình độ của giảng viên trong phạm vi dự toán được giao. Mức chi thù lao theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư số 36/2018/TT-BTC.

Đối với các giảng viên, giáo viên chuyên nghiệp làm nhiệm vụ giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, số giờ giảng vượt định mức được thanh toán theo quy định về chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013. Trường hợp các giảng viên này được mời tham gia giảng dạy tại các lớp học do các cơ sở đào tạo khác tổ chức thì vẫn được hưởng theo chế độ thù lao giảng viên theo quy định.

Chi hỗ trợ đối với chuyên gia, giảng viên, giáo viên sáng tác, biên kịch, xây dựng đề án tiết mục cho học sinh, sinh viên các lớp tài năng: Áp dụng theo quy định tại Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/12/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Chi hỗ trợ họa phẩm phục vụ sinh viên mỹ thuật trong học tập: Thực hiện thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được giao.

Với lựa chọn và cử học sinh, sinh viên tài năng tham gia các cuộc thi nghệ thuật, trại sáng tác, triển lãm mỹ thuật ở nước ngoài, Thông tư quy định:

Hỗ trợ chi phí ăn, ở đi lại cho thí sinh, giảng viên, chuyên gia trực tiếp hướng dẫn luyện thi: Mức chi theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC.

Chi khen thưởng học sinh, sinh viên tài năng đoạt giải thưởng, thành tích cao: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 110/2020/NĐ-CP ngày 15/9/2020 quy định chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải thưởng trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.

Chính sách giáo dục đào tạo có hiệu lực từ tháng 10/2022 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa/ITN

Ngày 30/8/2022, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 15/2022/TT-BLĐTBXH về Quy chế quản lý, cấp phát chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường cao đẳng. Thông tư có hiệu lực từ 15/10/2022.

Theo quy định tại Thông tư, hiệu trưởng trường cao đẳng đủ điều kiện và được tổ chức dạy, học giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định của pháp luật.

Giám đốc trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh cấp chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định về liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh.

Trường hợp bản chính Chứng chỉ bị mất hoặc hư hỏng mà không sử dụng được, nếu sinh viên đã được cấp chứng chỉ có yêu cầu thì được cấp lại chứng chỉ.

Trường hợp chứng chỉ hư hỏng mà không sử dụng được, khi cấp lại, sinh viên phải nộp lại chứng chỉ đã cấp. Chứng chỉ được cấp lại có giá trị như bản chính.

Sinh viên có yêu cầu cũng được cấp đổi chứng chỉ trường hợp chứng chỉ đã cấp nhưng phát hiện bị viết sai, in sai; hoặc thay đổi/cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch theo quy định của pháp luật.

Khi cấp đổi, sinh viên được cấp phải nộp lại Chứng chỉ đã cấp. Chứng chỉ được cấp đổi có giá trị như bản chính.

Chứng chỉ có thể bị xem xét thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau: chứng chỉ do người không có thẩm quyền cấp; cho thuê, cho mượn hoặc cho người khác sử dụng chứng chỉ; sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung chứng chỉ; chứng chỉ cấp cho sinh viên có kết quả học tập môn học giáo dục quốc phòng và an ninh không đạt yêu cầu.

Chính sách giáo dục đào tạo có hiệu lực từ tháng 10/2022 - Ảnh 3.

Ảnh minh họa/ITN.

Ngày 30/8/2022, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BLĐTBXH về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10/2022.

Theo đó, các hình thức triển khai công tác hỗ trợ khởi nghiệp gồm:

Tổ chức tuyên truyền, giáo dục khởi nghiệp cho người học thông qua các hoạt động giáo dục; các video clip, hình ảnh, ấn phẩm; qua tài liệu và các phương tiện truyền thông.

Tổ chức cuộc thi, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, ngày hội khởi nghiệp, giao lưu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho người học giáo dục nghề nghiệp.

Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho người học.

Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ, nhà giáo làm công tác hỗ trợ người học khởi nghiệp.

Thành lập câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng mạng lưới cựu học sinh, sinh viên đã tham gia khởi nghiệp.

Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp; tổ chức thực hành, triển khai các dự án khởi nghiệp và kết nối các dự án khởi nghiệp khả thi của người học với các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp.

Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh quy định các hình thức triển khai công tác hỗ trợ khởi nghiệp, Thông tư này cũng quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, tư vấn việc làm đối với học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Chia sẻ