Nữ sinh nhận học bổng danh giá nhờ bài luận về chuyến xe bus
Bài luận độc đáo về chuyến xe bus hàng ngày đến trường đã giúp Phương Thảo giành được suất học bổng giá trị cao.
Trần Phương Thảo, SN 2004, sống tại Hà Nội từng là cựu học sinh trường THPT Chuyên Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội. Hiện em đang là sinh viên năm nhất chuyên ngành Quản trị Marketing, trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV). Em xuất sắc trở thành Quán quân học bổng MOU (Chương trình học bổng do BUV kết hợp cùng trường THPT Chuyên Ngoại ngữ). Ngoài ra, em còn là học sinh trúng tuyển sớm vào các trường top đầu như: Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Ngoại giao.
Phương Thảo lựa chọn BUV là nơi học tập trong thời gian tới bởi đây là ngôi trường trao cho em học bổng bán phần với tổng giá trị lên đến 300 triệu đồng/3 năm học. Khi chọn chuyên ngành, Phương Thảo chưa thực sự yêu thích mà em lựa chọn dựa trên sự đánh giá các tiêu chí như: Các môn học cụ thể, nhu cầu việc làm xã hội, tính cách bản thân. Đây cũng là phương án thông minh mà các học sinh khác có thể cân nhắc.
HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC TIẾNG HÀN GIAN NAN
Là học sinh trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ngay từ khi vào cấp 3, Phương Thảo đã phải xác định môn ngoại ngữ sẽ theo học. Nhận thấy bản thân yêu thích phim ảnh cũng như văn hóa Hàn Quốc nên em quyết định học tiếng Hàn. Tuy nhiên, đó chỉ là yếu tố khách quan còn điều quan trọng nhất mà nữ sinh nhận ra rằng, muốn có việc làm tốt sau khi ra trường, cần trang bị ngoại ngữ. Việc học ngoại ngữ quan trọng như việc chuẩn bị kỹ năng mềm mà các bạn trẻ không nên bỏ qua.
Phương Thảo chia sẻ, 3 năm học tiếng Hàn ở trường THPT Chuyên Ngoại ngữ là thời gian đáng nhớ trong cuộc đời em. Trước đấy, em đã ôn thi vào cấp 3 rất vất vả nên khi nhận kết quả tốt, em cảm thấy hài lòng. Em đã dành cả mùa hè để đi chơi với gia đình, bạn bè, cho phép bản thân xả hơi sau những ngày tháng ôn luyện áp lực.
Nữ sinh Hà Nội tâm sự: "Em đã tự nhủ với bản thân rằng, mình đã đỗ chuyên Ngoại ngữ rồi, không cần lo lắng nữa. Vào năm kiểu gì cũng có cách để mình học tập tốt". Nhưng khi bước vào năm học mới, trong tiết tiếng Hàn đầu tiên, em đã rất sốc. Em thấy các bạn đều có sự chuẩn bị kiến thức cơ bản. Có bạn đã học bảng chữ cái, có bạn lại học cách phát âm trước, mỗi mình em không có chút vốn liếng gì.
Tiết học đầu tiên lại do giáo viên người Hàn giảng dạy nên em không nghe được nhiều. Điều này khiến em càng trở nên lo lắng, bất an. Nhưng may mắn sau đó, cô giáo đã sử dụng ngôn ngữ hình thể, một vài từ tiếng Việt để giảng bài cũng như trò chuyện với học sinh. Nhờ đó, áp lực dần qua, em có cảm hứng học tiếng Hàn hơn. Dần dần, em theo kịp được các bạn, điểm số cải thiện rất nhiều".
Với Phương Thảo, học tiếng Hàn không quá khó, chỉ cần bản thân chăm chỉ và quyết tâm. Ở giai đoạn đầu, em tập trung học bảng chữ cái, ngữ pháp, các từ vựng. Em chỉ mất vài ngày để học xong bảng chữ cái, tiếp đến là học kiến thức sơ cấp. Việc có thể học vượt chương trình trên trường khiến Phương Thảo cảm thấy thích thú.
Khi học đến bậc trung cấp và cao cấp, nữ sinh đã bị "ngợp" bởi có nhiều ngữ pháp mới, từ vựng hàn lâm. Ngữ pháp không đơn giản như tiếng Anh mà rất hóc búa. Nhiều ngữ pháp ứng với biểu hiện khác nhau, bắt buộc em phải học thuộc lòng. Bên cạnh đó, trong tiếng Hàn có những từ âm Hán khiến em cảm thấy khó hiểu.
Đối với những kiến thức mới, Phương Thảo áp dụng cách học liên tưởng, so sánh, đối chiếu với kiến thức cũ để tìm ra sự khác biệt. Em đặt nhiều ví dụ, tự luyện nói một mình lúc làm việc nhà. Điều này giúp việc học tự nhiên hơn, bản thân đỡ áp lực.
Bên cạnh đó, nữ sinh cũng phân bổ thời gian học tập khoa học để có thể đảm bảo việc học tập và hoạt động ngoại khóa hoàn thành tốt nhất. Năm lớp 11 là năm học khó nhất bởi có nhiều kiến thức mới. Vì thế, em dành ra hơn 10 tiếng mỗi ngày để xử lý mọi việc.
"Em luôn cố gắng sắp xếp lịch học rõ ràng. Chẳng hạn như thứ 2, thứ 4 và chủ nhật dành thời gian viết luận và học IELTS. Còn các buổi khác trong tuần, em sẽ học tiếng Hàn, thực hiện hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh đó, em còn tranh thủ giờ giải lao, giờ nghỉ trưa ở trường để học bài, tránh buổi tối phải làm quá nhiều việc", nữ sinh Hà Nội chia sẻ.
Nhờ chăm chỉ rèn luyện, Phương Thảo đã lấy chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK 5/6. Ngoài ra, em còn được chứng chỉ tiếng Anh IELTS 8.0 vào năm lớp 11 và trở thành 1 trong 5 học sinh của trường THPT Chuyên Ngoại ngữ được trường Đại học Anh Quốc Việt Nam trao suất học bổng giá trị.
BÀI LUẬN CHUYẾN XE BUS CHỨA Ý NGHĨA NHÂN VĂN CAO CẢ
Trường Đại học Anh quốc Việt Nam dựa trên nhiều tiêu chí trao học bổng cho sinh viên như: Thành tích học tập tốt xuyên suốt 3 năm cấp 3, chứng chỉ ngoại ngữ, bài luận, tham gia các hoạt động ngoại khóa, trang bị kỹ năng mềm. Bài luận chính là một yếu tố quan trọng giúp Phương Thảo dành được tấm vé danh dự vào trường.
Nữ sinh viết về chuyến xe bus đến trường hàng ngày với hơn 20km. Điều này khiến em rất buồn vì việc di chuyển tốn nhiều thời gian. Mỗi ngày, em mất khoảng 3 tiếng cho 2 lượt đi và về. Phương Thảo cảm thấy mệt mỏi, bức bối bởi đường luôn tắc nhưng em lại không có cách nào thoát khỏi khỏi hoàn cảnh này.
Tuy nhiên, càng đi em lại càng cảm thấy chuyến xe đến trường có nhiều điều thú vị. Mỗi ngày, em được lắng nghe những câu chuyện, quan sát mọi người trên xe và có cho mình bài học quý giá. Dần dần em không ghét chuyến xe nữa mà cảm thấy đây cũng là nơi bản thân học hỏi được nhiều thứ. Chuyến xe giống như một xã hội thu nhỏ với nhiều điều lý thú.
Phương Thảo hào hứng chia sẻ: "Trên xe, em học được cách mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Chẳng hạn như khi thấy người già xách đồ lên xe sẽ có các chị trẻ tuổi hỗ trợ. Hay khi có phụ nữ mang thai và em nhỏ lên, các bạn trẻ sẵn sàng nhường ghế.
Em nhớ nhất là vào một ngày tâm trạng cực tệ, em đã bật khóc trên xe bus. Khi đang mệt mỏi, chán chường, em nhận được một quả quýt từ em bé bên cạnh. Hành động nhỏ ấy giúp em nhận ra, tuy chuyến xe toàn người xa lạ nhưng mọi người luôn cố gắng hỗ trợ nhau trong khả năng có thể. Nếu không đi xe bus, em sẽ không có những trải nghiệm như vậy. Đây cũng là cách giúp em rèn luyện khả năng chịu áp lực, luôn nhìn mọi chuyện theo hướng tích cực, thay vì phàn nàn, than vãn".
HỌC ĐƯỢC NHIỀU ĐIỀU TỪ CÁC GIẢI TRANH BIỆN LỚN NHỎ
Không chỉ đạt thành tích xuất sắc trong học tập, Phương Thảo còn đặc biệt yêu thích các hoạt động ngoại khóa xoay quanh lĩnh vực tranh biện. Em là Phó Chủ tịch CLB Tranh biện trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Ngoài ra, em còn là thành viên và đứng trong đội ngũ Ban giám khảo nhiều giải thi tranh biện nổi tiếng khác như: Speak–up Competition 2020 by UN Women, National School Debating Championship 2021…
Từ khi mới vào lớp 10, Phương Thảo đã đăng ký vào CLB Tranh biện của trường và yêu thích bộ môn này bởi được các anh chị khóa trên tận tình chỉ bảo. Nữ sinh nhận thấy bộ môn này rất hấp dẫn bởi tạo ra cơ hội được cọ sát với nhiều bạn trẻ tài năng. Từ đó giúp em mở rộng tư duy, trang bị nhiều kiến thức hữu ích.
Đến khi lên lớp 11, Phương Thảo trở thành Phó Chủ tịch CLB, điều hành 33 thành viên. CLB Tranh biện không phải là CLB có số lượng thành viên đông nhất nhưng có chỗ đứng và có tiếng nói riêng. Tại đây, em cùng các bạn học cách xây dựng luận điểm, kỹ năng phản biện... Nhờ đó, em đã đạt được một số thành tựu nhất định tại các cuộc thi.
Để trở thành người tranh biện tốt, Phương Thảo cho rằng, trước tiên bản thân phải dám mở rộng suy nghĩ, không bó hẹp trong phạm vi nhỏ. Chúng ta không nên bảo thủ mà cần suy nghĩ theo nhiều chiều hướng khác nhau để đưa ra lý lẽ trước bất cứ yêu cầu nào.
Tuy nhiên, việc tham gia nhiều cuộc thi tranh biện lớn nhỏ cùng học tập căng thẳng khiến Phương Thảo đôi khi rơi vào trạng thái mệt mỏi. Nữ sinh tâm sự: "Chu trình mệt mỏi diễn ra 1 – 2 tháng/lần. Lúc đó em cảm thấy bản thân không thể làm bất cứ việc gì nữa. Em chấp nhận rằng có những ngày mệt mỏi cùng cực bởi công việc vô hạn nhưng bản thân thì có hạn. Lúc ấy, em cho phép mình nghỉ ngơi, tự chăm sóc bản thân bằng cách uống nhiều nước, ăn uống lành mạnh, đi chơi với những người bạn tỏa ra năng lượng tích cực".
Dù là người năng động, nhiệt huyết, đạt được nhiều thành công nhưng nữ sinh lại có một nhược điểm kỳ lạ. Đó là luôn hoài nghi về bản thân, không tin tưởng vào năng lực của chính mình. Đôi lúc, Phương Thảo cảm thấy thành tựu em đạt được chỉ là sự ăn may, chưa xứng đáng với với những lời ca ngợi.
Lý giải về điều này, nữ sinh Hà Nội cho biết: "Em nghĩ một phần do môi trường xung quanh có quá nhiều người giỏi khiến em thấy mình cố gắng bao nhiêu cũng không đủ. Em đã rất tự ti, mặc cảm về điều này. Nhưng may mắn bên em luôn có gia đình, thầy cô, bạn bè động viên, khích lệ. Đặc biệt, trong quá trình "apply" xin học bổng, ban tuyển sinh cũng đánh giá tốt những thành tích mà em đạt được. Dần dần, em tin vào bản thân nhiều hơn, dũng cảm chinh phục những mục tiêu mới trong tương lai".
Ảnh: NVCC