“Chín con chưa gọi bằng chồng”

Theo Phunuonline,
Chia sẻ

Giờ đây, với những bạn gái trẻ sắp lấy chồng, tôi cũng muốn nhắc một câu: Hãy “thủ” cho mình, để có cái phòng thân nếu phải làm lại từ đầu.

Gia đình tôi sống theo kiểu cũ. Ba má tôi ngoài việc dạy học còn phải làm thêm đủ thứ như nuôi heo, nuôi gà, nuôi cá, đan dép, đan giỏ… mới đủ chi tiêu. Vì thế, lương của cả ba và má đều tập trung một mối để má chi tiêu, quán xuyến. Nhà có bao nhiêu tiền ba biết, má biết, chị em tôi cũng biết. Biết để dựa lưng vào nhau mà tằn tiện, không chê khen bữa cơm nghèo, không đòi hỏi nhiều hơn những thứ ba má có thể.

Lấy chồng, tôi gặp một người cũng giống như ba tôi, làm được bao nhiêu tiền đều đưa về cho tôi quản. Học tính má, tôi công khai, minh bạch mọi điều. Thời nay cuộc sống khá hơn, vợ chồng tôi cũng có của ăn, của đề. Của để, tôi cất hết trong một cái hộp đầu giường. Chồng tôi cần thì nói một tiếng, lấy bao nhiêu tôi cũng biết rõ. Chính vì thế, khi thấy chị Hai tôi từ ngày đi dạy thêm, có tiền nhiều hơn thường mang về má cất hộ để phòng thân, tôi có phần bất bình với chị. Tôi thường nói với má: Vợ chồng cùng làm, cùng hưởng. Nghề của anh Hai kiếm ít tiền hơn thì chị Hai phải thương anh ấy, san sẻ cho anh ấy, sao lại mang về đưa má cất giấu?

Nhưng, tôi đã thay đổi cách nghĩ đó khi nghe chị kể, có lần chị nghe anh tư vấn cho người bạn của anh chuẩn bị ly hôn là phải làm cách nào để lấy được càng nhiều càng tốt, phải làm cho vợ trắng tay khi bỏ mình. Chị thật sự choáng váng khi nghe những điều đó, không tin nổi sao anh lại có thể khuyên người khác những điều bất nhân như vậy.

“Chín con chưa gọi bằng chồng” 1
Ảnh minh họa.

Chị bắt đầu nghĩ, anh khuyên như thế thì cũng có thể làm đúng như thế với mình nếu trong nhà có chuyện “cơm không lành, canh không ngọt”. Từ đó, chị bắt đầu “thủ” cho riêng mình. Chị nghĩ, chị chẳng làm gì có lỗi, vì đó là tiền chị làm ra. Phần lo cho gia đình chị đã lo đủ, còn phần dư chị không muốn anh biết tới để còn phòng thân. Nghe chị, tin chị, nhưng tôi vẫn nghĩ chồng tôi chẳng bao giờ làm như thế..

Không ngờ, đến năm thứ 10 của cuộc hôn nhân, tôi và chồng “có chuyện”. Ra tòa ly hôn, chồng tôi yêu cầu tài sản để chúng tôi tự phân chia. Anh bảo, nếu đề tòa phân chia chúng tôi sẽ mất một khoản án phí khá lớn. Nghe lời chồng và tin ở quá khứ sống với nhau đầy tình nghĩa, tôi đồng ý. Thế nhưng, khi thỏa thuận với nhau, chồng tôi đẩy tôi vào những tính toán rối mù mà khi tỉnh hồn ra, tôi thấy mình gần như chẳng còn gì.

Tôi quay về nhà cha mẹ với hai bàn tay trắng. Đến lúc này tôi mới nhớ những lời nhắc nhở của bạn bè, bà con: là phụ nữ, đừng cả tin quá. Đàn ông yêu thương đó, nhưng dứt dây là họ quay mặt được ngay, đừng mong họ quân tử trong tiền bạc. Đến khi phải tính toán, phụ nữ mình chẳng tính được bằng họ mà nhẫn tâm thì họ nhẫn tâm gấp mấy mình!

Giờ đây, với những bạn gái trẻ sắp lấy chồng, tôi cũng muốn nhắc một câu: Hãy “thủ” cho mình, để có cái phòng thân nếu phải làm lại từ đầu. Đừng gom chung tất cả cho vào một rọ. Ông bà từng khuyên ta sống hết lòng với chồng vì: “Gái có công, chồng chẳng phụ” nhưng cũng không quên dặn dò: “Chín con chưa gọi bằng chồng”...



Không chồng, không con, không chút tài sản, nó bước ra khỏi nhà mà lòng đầy uất hận.
“Chín con chưa gọi bằng chồng” 2
Chia sẻ