Chiều nay công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025
Hôm nay (29/11), Bộ GD&ĐT sẽ chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Theo đó, phương án cuối cùng đã được trình Thủ tướng Chính phủ là thi bốn môn, gồm hai môn bắt buộc và hai môn lựa chọn.
Trước đó, khi lấy ý kiến về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cho đối tượng học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT từng đưa ra hai phương án.
Cụ thể:
Phương án 1: lựa chọn 3 + 2, thí sinh thi bắt buộc môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Phương án 2: lựa chọn 4 + 2, thí sinh thi bắt buộc môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Kết quả được Bộ GD-ĐT tập hợp là gần 74% chọn phương án 1 (thi ba môn bắt buộc). Theo nhận định của cán bộ, giáo viên tham gia lấy ý kiến thì phương thức 4+2 có ưu điểm là có nhiều môn học bắt buộc phải thi, tăng động lực học tập cho học sinh.
Nhưng nhược điểm là kỳ thi sẽ cồng kềnh (thêm số buổi thi, môn thi, tăng chi phí, nhân lực cho kỳ thi), học sinh chịu nhiều áp lực. Phương án này cũng ít tính mềm dẻo do cơ hội lựa chọn của học sinh thấp, không đúng tinh thần dạy học phân hóa ở cấp THPT.
Phương án 3+2 bớt cồng kềnh, áp lực. Nhưng nhiều ý kiến băn khoăn khi có bốn môn học bắt buộc nhưng lại chỉ có ba môn thi bắt buộc, môn lịch sử cuối cùng vẫn bị loại ra.
Trong quá trình trưng cầu ý kiến có 18.000 cán bộ giáo viên ở năm địa phương là TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang đề xuất một phương án khác, ngoài các phương án Bộ GD&ĐT đưa ra. Đó là thi bốn môn, trong đó có hai môn bắt buộc là ngữ văn, toán và hai môn lựa chọn (2+2).
Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp. Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 môn, gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Phương án thi cuối cùng sẽ do Chính phủ phê duyệt, dự kiến công bố trong năm nay.