Chiều chồng như nào cho... sướng?

,
Chia sẻ

Người đàn ông luôn có nhu cầu được chiều chuộng. Nhưng nếu được vợ chiều quá, họ dễ nhiễm bệnh gia trưởng, chỉ thích hưởng thụ, không quan tâm đến đời sống tâm lý của vợ mình.

“Phụ nữ thắt đáy lưng ong, Vừa khéo chiều chồng lại giỏi nuôi con”. Trong mơ ước của những người đàn ông, người vợ không những chỉ khéo nuôi con mà còn phải biết chiều chồng. Nhưng giá có lục soát khắp cả kho tàng ca dao, tục ngữ chắc cũng khó có thể tìm được câu nào đòi hỏi người đàn ông phải biết chiều vợ. Phải chăng những bất công ấy ngày nay đã lùi vào dĩ vãng? Hay vấn đề không ở chỗ chiều hay không chiều mà là chiều như thế nào? Để không đánh mất vai trò người vợ và vô tình biến thành một dạng ... “ô-sin”?

Thật ra, khi nói đến quan hệ nam nữ, không thể không nói đến đặc điểm giới tính. Nhiều nhà khoa học cho rằng, xét về mặt tâm lý, nam giới có thể xếp vào “phái yếu”. Có người còn quả quyết: “Đàn ông mãi mãi chỉ là đứa trẻ”. Từ thưở lọt lòng, đứa hài nhi con trai được nuôi dưỡng bằng dòng sữa của người phụ nữ đầu tiên là mẹ. Rồi nó lớn lên trong sự ấp ủ, yêu thương của mẹ. Đến tuổi yêu đương, nó ngả vào vòng tay dịu dàng của người con gái nó yêu. Và khi trở thành đấng nam nhi tung hoành ngang dọc ngoài đời,  mỗi khi trở về mái ấm gia đình, người đàn ông vẫn cần đến tình yêu thương, chiều chuộng của người vợ. Cho đến khi tuổi già ập đến, ông lão già nua vẫn cảm thấy an toàn nhất khi được sống trong bàn tay sớm hôm săn sóc của người bạn trăm năm. Tục ngữ xưa cũng thừa nhận: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Cho dù ở bất cứ lứa tuổi nào, bất cứ làm công việc gì, người đàn ông không thể không cần đến sự quan tâm săn sóc của phụ nữ. Ngay cả người đàn ông suốt đời sống độc thân như Đại văn hào Nga Secnưsepxky cũng có lần bộc bạch: “Tôi sẵn sàng đánh đổi cả vinh quang và sự nghiệp lấy ở nơi nào đó có người đàn bà lo tôi về trễ bữa cơm chiều”. Thế đấy, kẻ nam nhi sức dài vai rộng lại luôn luôn cần có sự kết hợp với người phụ nữ chân yếu tay mềm.  
 

Có lẽ bởi thế, trên đời này chẳng có người phụ nữ nào coi việc chiều chồng là cực hình, là đáng sợ. Bởi vì chiều chồng là chiều ai? Đó chẳng phải là người đàn ông gắn bó với ta suốt cả cuộc đời? Chẳng phải người hàng ngày đổ mồ hôi, sôi nước mắt đem lại hạnh phúc cho ta và con cái ta? Chẳng phải người chia sẻ mọi buồn vui, sướng khổ với ta trong cuộc đời này? Vậy thì chiều chồng chẳng có gì phải tiếc. Chỉ sợ không có chồng mà chiều! Vả lại, yêu là cho chứ đâu phải là nhận. Trong quá trình đem lại hạnh phúc cho kẻ khác, người ta tìm thấy hạnh phúc của chính mình.  

Nhưng chiều chồng không phải là việc dễ. Có người chiều chồng như thể chiều con. Vô tình biến chồng thành đứa trẻ. Khi ăn, họ gắp  cho chồng món này. Khi đi, họ chỉ cho chồng lối nọ. Làm như không có họ thì người chồng chẳng thể tồn tại nổi lấy một ngày. Không khéo khi  ở trên giường,  người phụ nữ ấy cũng đối xử với chồng như một đứa trẻ mà thôi. Liệu có người đàn ông nào cảm thấy như thế là tình yêu, hạnh phúc? Lại có người chiều chồng như đầy tớ chiều chủ. Suốt ngày hầu hạ, dạ vâng. Bao nhiêu việc nặng việc nhẹ trong nhà, họ tranh làm hết, để cho “ông chủ” rảnh tay lo sự nghiệp. Thế là vô tình tự họ đã tước mất vai trò người vợ, người bạn đời, đổi lấy vai trò kẻ ăn người ở và hậu quả tất yếu là đến một ngày kia, người chồng sẽ cảm thấy như mình không có vợ.  Ai biết được điều gì có thể xảy ra?

Đó là chưa kể những người phụ nữ suốt ngày tất bật, đầu tắt mặt tối như thế còn đâu thì giờ để trang điểm, để vui chơi, để đọc sách báo, để học hành phấn đấu cho sự nghiệp, để có được sự bình đẳng với chồng về trí tuệ, tài năng, học vấn? Thế là khoảng cách giữa vợ và chồng không bao giờ gần lại mà cứ ngày một xa thêm. Đến một ngày, ngoài chuyện cơm ăn nước uống, quần áo, nhà cửa, con cái ra, họ không còn gì để đối thoại với nhau được nữa. Họ biết đâu rằng, Dorothy Dix từng nói: “Nếu một người phụ nữ không chia sẻ được với chồng những vui buồn của cuộc đời thì có thể gọi họ là mẹ, là chị, là người hầu hay là gì cũng được nhưng đừng gọi là người vợ hay người bạn đời”.

Trung tâm tư vấn Tâm lý-tình cảm Đài 1080 Hà Nội thường xuyên phải tiếp những cú điện thoại của những người vợ như thế. Họ than phiền vì chồng đi gần như suốt ngày, đến đêm khuya mới về, có người đi luôn qua đêm. Họ than phiền vì vợ chồng không nói chuyện với nhau được nổi ba câu. Trái ý chồng một chút là bị gắt gỏng, quát tháo. Họ hỏi tại sao người bạn đời đã từng dồng cam cộng khổ với họ bao nhiêu ngọt bùi cay đắng thưở hàn vi sao bây giờ lại biến đổi thành một người khác như vậy? Có những chị bàng hoàng đến suy sụp khi phát hiện chồng có những mối quan hệ tình ái ngoài hôn nhân mà khi can ngăn thì chồng đòi ly dị. Có chị uất ức hỏi: “Lẽ nào anh ấy trả ơn cho những hy sinh, tận tụy của tôi ngần ấy năm trời bằng sự bội bạc như thế?” Có chị tích luỹ bao nhiêu “stress” trong người đến nỗi phát sinh chứng bệnh trầm cảm. Khi các chuyên gia tâm lý tiếp xúc với những người vợ đó thì hầu hết họ là những người đàn bà già trước tuổi, tóc tai bơ phờ vì những đêm mất ngủ, áo quần lôi thôi lếch thếch, nói năng ngơ ngác  như người sống ở thời nào. Có lẽ nào đó chính là vợ của những người đàn ông thành đạt?

Cho nên, điều có thể rút ra như một bài học thất bại mà những người vợ đó đã phải trả bằng cái giá quá đắt là, ngày nay, muốn có hạnh phúc, chỉ chiều chồng thôi chưa đủ! Người phụ nữ ngoài việc tề gia nội trợ vẫn phải có sự nghiệp của riêng mình. Làm phụ nữ thời nay khó hơn rất nhiều so với thời trước. Sao cho không chỉ người vợ có quyền tự hào vì chồng mà cả người chồng cũng phải cảm thấy hãnh diện vì vợ. Người vợ có thể hy sinh cho chồng, cho con nhưng không thể tự đánh mất mình, tự tước bỏ vị trí người bạn đời theo đúng nghĩa của nó.  

 Hải Anh
Tổng hợp
Chia sẻ