Chiến tranh - Cơn ác mộng của 14 triệu trẻ em Syria

Nguyệt Nguyễn,
Chia sẻ

Ngày 15/3 đánh dấu 5 năm xung đột ở Syria, cuộc chiến đã khiến cuộc sống của 14 triệu trẻ em nước này bị đảo lộn và ảnh hưởng nặng nề, UNICEF cho biết.

Syria - một đất nước từng khiến các quốc gia khác trong khu vực ghen tị vì tỉ lệ biết chữ cao - giờ đang chứng kiến một thế hệ bị tước đoạt quyền đi học, chăm sóc y tế, nhà ở và niềm hy vọng cho tương lai.

"Đối với những bé nhỏ tuổi, cuộc khủng hoảng này là tất cả những gì mà các em biết", ông Anthony Lake, giám đốc điều hành UNICEF, tuyên bố. "Đối với thanh thiếu niên đang bước vào giai đoạn hình thành nhân cách, bạo lực và sự đau khổ không chỉ để lại vết sẹo trong quá khứ mà còn định hình tương lai của các em".

Trước viễn cảnh tương lai nghiệt ngã của những đứa trẻ không may mắn này, một số tổ chức cứu trợ và từ thiện đang không ngừng tìm mọi cách để cứu thế hệ bị tổn thương vì chiến tranh Syria.

Các tổ chức nhân đạo không thể tiếp cận khu vực bị bao vây


Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, 55 nhân viên cứu trợ đã bị sát hại ở Syria. Ngoài đối mặt với mối đe dọa chết người, các tổ chức nhân đạo cũng phải đấu tranh với tệ quan liêu và sự cản trở của một số nhóm vũ trang. Điều đó khiến họ không thể tiếp cận những khu vực cần giúp đỡ nhất, một báo cáo từ Viện Phát triển Hải ngoại (ODI) kết luận.

Cơn ác mộng của trẻ em Syria
Trẻ em ở Syria thiếu mọi điều kiện chăm sóc, phát triển cơ bản.

Trong quan hệ hợp tác với 24 tổ chức địa phương, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã hỗ trợ lương thực hàng tháng cho khoảng 3 triệu người Syria.

Khoảng 600 - 700 nhóm địa phương đã được thành lập kể từ khi chiến tranh nổ ra, Reuters cho hay. Và trong khi nhiều nhóm trong số đó thiếu các khoản hỗ trợ tài chính lớn, một việc làm thiết thực của họ là đàm phán với các nhóm vũ trang để có sự cung cấp dinh dưỡng và thuốc thiết yếu đến tay những người cần nhất. 

80.000 trẻ em Syria bỏ lỡ chương trình tiêm chủng vắc xin bại liệt

 Theo UNICEF,  lo ngại lớn nhất của các chuyên gia y tế được xác nhận vào năm 2013 khi bại liệt - một căn bệnh mà họ tin rằng đã bị "nhổ rễ" ở Syria - trở lại

Cơn ác mộng của trẻ em Syria
Nhiều trẻ không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế và tiêm chủng.


Hệ thống chăm sóc sức khỏe xuống cấp của Syria với chỉ 1/3 số bệnh viện còn hoạt động đã dẫn tới dịch bệnh và các bệnh suy nhược khác. Có đến 80.000 trẻ em không được tiếp cận dịch vụ y tế và chưa được tiêm chủng ngừa bại liệt.

Một chương trình tiêm chủng rộng rãi do các cơ quan viện trợ tổ chức vào năm ngoái đã giúp 3 triệu trẻ em ở Syria có được mũi tiêm cần thiết. Lực lượng Đặc nhiệm Kiểm soát Bại liệt, một nhóm cứu trợ thành lập ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ thu thập vắc xin, bảo quản để tránh hư hỏng và phân phối đến hơn 1 triệu trẻ em trong khu vực bị bao vây, National Geographic cho hay.

Hơn 2 triệu trẻ em Syria không được đến trường

Theo UNICEF, ở Syria, hơn 2 triệu trẻ em và thanh thiếu niên không được đến trường, trong khi 600.000 trẻ tị nạn - con số này còn đang tiếp tục tăng lên - trong độ tuổi đi học không được tiếp cận việc học tập.

Cơn ác mộng của trẻ em Syria
Được đến trường là giấc mơ của cô bé này.

Giấc mơ được đến trường dường như là điều vô cùng xa xỉ với những đứa trẻ sống trong khu vực chiến tranh, nơi thiếu giáo viên, sách giáo khoa và trường học.

Để cải thiện tình trạng này, một số tổ chức Liên Hợp Quốc, tổ chức NGO và đối tác chính phủ đã khởi động chương trình "No Lost Generation" vào năm 2013. Các tổ chức này đầu tư vào giáo dục cho trẻ em Syria để trang bị cho các em kỹ năng và ý thức trách nhiệm công dân. Từ đó, các em có thể xây dựng lại xã hội bị tàn phá của mình.

Trong khi đó, quỹ Malala Fund, được thành lập bởi Malala Yousafzai - nữ sinh đoạt giải Nobel - sẽ hỗ trợ giáo dục cho 200 trẻ em gái tị nạn người Syria ở Lebanon trong năm nay và đẩy mạnh chương trình học tập thay thế không chính thức cho các bé gái Syria đang tị nạn ở Jordan.

Theo Huffington Post
Chia sẻ