Chiếc bánh trung thu xưa được bắt đầu như thế nào?
Ông Phạm Văn Quang (sinh năm 1955) là một trong những người thợ cuối cùng tại phố cổ còn giữ được nghề và quyết sống chết với nghề làm khuôn bánh Trung thu.
Những năm 60 của thế kỷ trước, khi còn đỉnh cao của nghề tiện, phố Hàng Quạt lúc nào cũng vang dồn tiếng đục, tiếng đẽo. Những người thợ làm quanh năm không hết việc.Tuy nhiên, công nghệ ngày càng phát triển, máy móc thay thế dần sức người. Những người thợ sản xuất khuôn bánh theo lối thủ công xưa cũng dần mai một. Có người thì bỏ nghề, người chuyển sang nghề khắc con dấu, làm nghề mộc đóng bàn, ghế, giường, tủ…
Ông Phạm Văn Quang (Sn 1955)là một trong những người thợ cuối cùng tại phố cổ còn giữ được nghề và quyết sống chết với nghề, rất nhiều cửa hàng làm bánh nổi tiếng từng mua khuôn bánh ở đây.Cửa hàng của ông Quang nằm tại số 59 Hàng Quạt rộng chừng 10m2, nằm nép mình trên một góc phố Hàng Quạt. Phía trước cửa hàng treo tấm biển hiệu đơn sơ với dòng chữ Khuôn: bánh, xôi, oản. Bên trong, trên tường treo đầy những chiếc khuôn gỗ làm bánh Trung thu hình cá chép, hoa sen, hoa hồng…
Ông Quang chia sẻ:"Chiếc bánh trung thu bắt đầu từ khuôn bánh. Để làm ra chiếc khuôn bánh không hề đơn giản. Gỗ để làm khuôn phải là gỗ thị hoặc xà cừ. Sau khi dùng máy tiện thành khuôn, người thợ sẽ sử dụng đục để tạo hình sản phẩm. Nếu đục sâu quá hoặc nông quá, khối lượng bánh sẽ bị thay đổi. Vì vậy, nếu không phải thợ lành nghề, công việc này khó có thể thực hiện được”.
Trên tấm phản kê ở góc nhà, người đàn ông tuổi lục tuần vẫn đang cặm cụi đục, đẽo, hoàn thiện nốt chiếc khuôn bánh nước hình hoa sen.
"Sắp đến Trung thu nên nhu cầu mua khuôn làm bánh của người dân cũng tăng lên.Bí quyết để tạo ra những chiếc khuôn vừa vặn, đúng trọng lượng ngoài việc người làm khuôn phải là thợ mộc lành nghề thì trước tiên họ phải trở thành thợ làm bánh”, ông Quang cho biết.
Ngôi nhà số 59 Hàng Quạt (Hoàn Kiếm) là nơi duy nhất tại phố cổ Hà Nội còn kinh doanh khuôn bánh trung thu truyền thống.
Khuôn bánh có hình rồng rất cầu kỳ ông Quang đã phải làm trong 2 ngày được bán với giá 350.000 đồng.