Chỉ vì cầm nhầm phong bì mừng cưới của nhà chồng mà gần 30 năm sau mẹ tôi vẫn bị đối xử như người dưng nước lã
Chiều cuối tuần, bố tôi về nội dự một bữa tiệc nào đó của họ hàng, tôi không nghe rõ đó là buổi tiệc gì và của ai. Vả lại, nếu có nghe được thì chắc là tôi cũng chẳng để vào đầu để mà nhớ được.
Từ rất lâu rồi, kể từ khi bắt đầu hiểu chuyện, tôi thường không mấy khi để vào đầu những chuyện ở nhà nội. Muốn lớn lên bình thường và không quá tổn thương thì đó là cách duy nhất để tồn tại trong gia đình này.
Bố tôi không phải người xấu nhưng ông vẫn thuộc thế hệ cũ nên cũng chẳng thể đủ tốt để mà thấu hiểu cho những nỗi khổ trong lòng vợ mình, lại càng không đủ tinh tế để dõi theo sự trưởng thành của đứa con gái.
Rồi cứ như vậy, hai mẹ con tôi học được cách sống an ổn nhất, ít tự làm mình tổn thương nhất và quan trọng là không để những người xung quanh khiến bản thân rơi nước mắt.
Tôi ngồi xếp lại đống giấy tờ cũ nát trong tủ cùng với mẹ. Mẹ nói cái gì bỏ được thì cứ vứt hết đi cho gọn nhà gọn cửa. Nhưng tôi hiểu chỉ duy nhất xấp phong bì mừng cưới thì mẹ sẽ không bao giờ vứt đi.
Đống vỏ phong bì rỗng tưởng chừng vô tri đó lại là nơi mẹ cất gọn bi kịch hôn nhân của mình. Không thể coi như nó không tồn tại nhưng ít nhất là cất gọn nó đi, không để nó trở thành nỗi đau dai dẳng mãi không nguôi.
Nói là bi kịch hôn nhân thì cũng không đúng hoàn toàn, chính xác là bi kịch giữa nàng dâu và gia đình nhà chồng. Một bi kịch kéo dài đằng đẵng gần 30 năm, tuy không bùng lên dữ dội nhưng vẫn luôn âm ỉ thiêu đốt. Bi kịch đó xuất phát từ một chiếc phong bì mừng cưới.
20 tuổi, mẹ tôi lên xe hoa về nhà chồng. Ở cái thời của mẹ thì 20 tuổi lấy chồng cũng chẳng phải là sớm. Chứ như bây giờ, cô con gái đã U30 rồi mà lúc nào mẹ tôi cũng “lấy chồng sớm làm gì”. Mẹ lấy chồng vốn dĩ không hề môn đăng hộ đối. Mẹ tôi là gái phố cổ, sinh ra và lớn lên trong nhung lụa vàng son nhưng lại lựa chọn bố, một anh công nhân đến từ một tỉnh ngoại thành xa xôi.
Với mẹ tôi của ngày ấy và cả bây giờ đi chăng nữa thì chuyện đó không phải điều quan trọng. Nếu cho chọn lại, mẹ vẫn sẽ chọn bố mà thôi.
Đám cưới linh đình được diễn ra, mẹ tôi trong chiếc áo dài trắng và voan cài tóc mềm mại thả sau lưng khiến ai cũng phải trầm trồ khen cô dâu xinh đẹp.
Mẹ cùng bố đi khắp các bàn để mời rượu mừng khách quan như bao nhiêu cặp cô dâu chú rể khác. Đến một bàn ăn, mẹ thật sự cũng không biết là ai, cho đến khi người ta giới thiệu là bạn của mẹ chồng mình, kế đó liền dúi vào tay mẹ tôi phong bì mừng cưới.
Mẹ tôi cầm trên tay và cũng chẳng suy nghĩ gì nhiều, đi thêm vài bàn tiệc nữa, ai cũng dúi phong bì vào tay cô dâu, mẹ tôi cầm một đống phong bì mừng cưới rồi vướng víu nên đã nhét tạm vào chiếc áo khoác choàng bên ngoài của mình.
Sau đó nhiều việc nọ việc kia mẹ cũng không nhớ đến đống phong bì cưới kia nữa. Cưới xin xong xuôi, mẹ cùng bố quay lại thành phố sinh sống và làm việc. Lúc này mẹ mới nhớ ra đống phong bì cưới ấy và đưa hết lại cho bố vì chẳng biết là của ai vào với ai.
Bố tôi là một người khá vô tâm, lại coi tiền bạc vật chất là vật ngoài thân nên cũng quên béng đi đống phong bì ấy…
Mãi cho đến hơn một tuần sau, mẹ tôi ngỡ ngàng khi thấy cô em chồng ra chơi và nhiếc móc chuyện phong bì mừng cưới mất một đống mà không biết ai cầm. Lúc ấy mẹ mới giật mình bảo bố đưa đống phong bì ấy ra xem có đúng là chỗ phong bì thiếu không. Bố tôi lúc đó mới mang đống phong bì ấy ra đưa cho em gái.
Bố tôi nhận ra thái độ của em gái mình chứ sao lại không, cũng hiểu luôn nguyên nhân sâu xa là do gia đình nhà mình muốn nhắm tới vợ mình nhưng thời điểm đó cũng chẳng thể làm gì khác ngoài im lặng.
Ngay cái Tết năm đó, mẹ tôi lần đầu phải ăn Tết trong nước mắt khi bà nội tôi gọi hẳn ra để tra hỏi chuyện tự ý cầm phong bì mừng cưới. Bố tôi cũng chỉ có thể đỡ cho đôi ba lời nhưng chẳng thể ra mặt bênh vợ mình.
Cứ như vậy nỗi uất ức tham mấy đồng tiền trong phong bì mừng cưới theo mẹ tôi suốt gần 30 năm trời. Càng về sau bố tôi càng có tiếng nói trong gia đình hơn, cũng có thể ra mặt bảo vệ được vợ con hơn nhưng cũng chỉ đủ để nhà nội tôi không nhiếc móc, đay nghiến mẹ công khai như trước nữa.
Không thể nói gì mẹ tôi, nhà nội tôi thường cô lập mẹ mỗi lần gia đình tôi từ thành phố về chơi. Chưa bao giờ họ thật sự coi mẹ tôi là người nhà, ngay cả khi mẹ đã sinh ra tôi thì mọi chuyện cũng chẳng hề thay đổi. Hoặc cũng có lẽ vì tôi là con gái, mà họ thì cần một đứa cháu đích tôn hơn…
Càng về sau, với lý do sức khỏe, mẹ cũng ít có mặt tại các buổi cỗ bàn trong họ, còn tôi thì là con gái nên cũng không được chào đón. Vậy là, cứ mỗi bận có việc, chỉ một mình bố tôi đi về quê mà thôi.