Chỉ tốn 40 nghìn đồng cho con khám phá địa điểm duy nhất của Việt Nam lọt top 99 điểm đến hấp dẫn thế giới, nằm ngay trung tâm TP.HCM
Không cần đi đâu xa, ngay trung tâm TP.HCM bố mẹ vẫn có thể giúp con có những trải nghiệm ý nghĩa.
Với nhiều phụ huynh ở TP.HCM, cuối tuần đưa con đến Bảo tàng chứng tích chiến tranh (28 đường Võ Văn Tần, P. Võ Thị Sáu, Q. 3, TP. HCM) là một hoạt động ý nghĩa để con có thể "học" lịch sử bằng trải nghiệm thực tế. Từ đó, họ giúp con hiểu một thời gian khổ và oai hùng của dân tộc và trân trọng nền hòa bình đang có cũng như biết ơn công sức lớn lao của thế hệ trước.
Lần đầu tiên đưa hai con 7 tuổi và 11 tuổi đến Bảo tàng, anh Ngọc Ân (TP.HCM) cho biết, ban đầu anh sợ những hình ảnh hay câu chuyện ở đây quá "tầm" hiểu biết của con. Tuy nhiên, thực tế là các con anh đều rất tò mò và háo hức.
Người bố này đã có nguyên một buổi sáng làm "hướng dẫn viên" để giải đáp đủ thắc mắc của con. "Có những câu hỏi của mấy đứa nhỏ tôi phải vừa đọc bảng chú thích vừa... google, nhưng đúng là rất thú vị. Mình được hiểu biết thêm nhiều, con cái cũng được tiếp xúc với lịch sử một cách trực quan, dễ nhớ", anh Ân nói.
Sau khi mua vé ngay cổng, cả gia đình anh vào khu vực đầu tiên của Bảo tàng là nơi trưng bày các hiện vật thời chiến như: Xe tăng, máy bay, ngọn pháo... Hai bên hông bảo tàng trưng bày nhiều loại bom đạn đủ chủng loại, kích cỡ.
Tại tầng 1 còn có phòng trưng bày chuồng cọp - vốn là nhà tù thu nhỏ từng giam giữ những chiến sĩ cách mạng ở Côn Đảo cùng nhiều hiện vật, hình ảnh.
Khu vực giam tù nhân được tái hiện rất chân thực. Tất cả các phòng giam chỉ có diện tích khoảng 5m, không có cửa sổ, không giường nằm hay ánh sáng. Chỉ có khu vực tắm nắng là có chút khí trời. Qua đó, các em có thể phần nào thấu hiểu được cuộc sống khổ cực và thiếu thốn của quân dân ta khi bị giam cầm trong hai cuộc chiến với Pháp và Mỹ.
Tại tầng 1 còn có phòng trưng bày chuồng cọp - vốn là nhà tù thu nhỏ từng giam giữ những chiến sĩ cách mạng ở Côn Đảo.
Ở hai tầng trệt, du khách có thể thăm quan và chụp ảnh với nhiều chủ đề thú vị như Thế giới với chiến tranh Việt Nam, hoặc câu chuyện xúc động của những bệnh nhân chất độc màu da cam,…
Anh Ân khuyên bố mẹ nên đưa con đi sớm để tránh trưa nóng. Ngoài ra, lầu 3 có khu vui chơi trẻ em nhưng không có nhiều đồ chơi, chủ yếu là trang phục dân tộc, xếp hình, thú bông… bố mẹ có thể cho con lên giải trí. Các bé tới đây cũng có cơ hội trò chuyện về các chủ đề về đất nước và con người Việt Nam với người nước ngoài. Đây cũng là cách để thực hành kỹ năng nói tiếng Anh. Khi ra về, bố mẹ có thể cho bé vẽ hoặc viết cảm nhận vào sổ cảm nghĩ.
Tuy nhiên, ông bố này cũng lưu ý, tại Bảo tàng có những phòng có thể không phù hợp với trẻ em quá nhỏ tuổi, ví dụ như phòng về các nạn nhân chất độc da cam với nhiều hình ảnh quái thai, dị dạng hoặc khu vực trưng bày máy chém… có thể khiến các em có những tác động tâm lý tiêu cực. Phụ huynh nên cân nhắc thật kỹ trước khi cho con em mình vào tham quan.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được thành lập ngày 4/9/1975, hiện là thành viên hệ thống các bảo tàng Việt Nam, các bảo tàng vì Hòa bình thế giới (INMP) và Hội động Quốc tế các bảo tàng (ICOM).
Bảo tàng gồm khối nhà 3 tầng hiện đại với diện tích sàn 4.522 m2, cùng một số công trình phụ trợ và không gian trưng bày ngoài trời 3.026 m2. Bảo tàng chuyên nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày về chứng tích tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Bảo tàng lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trong đó hơn 1.500 tài liệu, hiện vật, phim ảnh đã được đưa vào giới thiệu ở 9 chuyên đề trưng bày thường xuyên.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh giờ mở cửa: 7h30 - 17h30 tất cả các ngày, kể cả cuối tuần, lễ Tết (quầy vé đóng cửa lúc 17:00). Giá vé tham quan 40.000 VNĐ/người/lượt. Miễn phí tham quan: Trẻ dưới 6 tuổi, người khuyết tật, hộ nghèo. Giảm 50% vé vào Bảo tàng Chứng tích chiến tranh: trẻ từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người có công với cách mạng, người ở miền núi, vùng sâu, vùng xa…