Chi tiền tỷ mua ô tô rồi lại phải bán đi, lấy tiền gửi tiết kiệm

Ngọc Linh,
Chia sẻ

Ô tô, không có thì thiếu, có rồi lại thấy… hơi thừa.

Những ngày gần đây, CĐM được một phen “cười no bụng” vì câu chuyện gia đình nuôi ô tô hết 7 triệu/tháng - hơi quá sức, nhưng vợ chần chừ không bán xe do “thương chồng 30 tuổi phải lái xe máy 8km đi làm”.

Kinh tế chưa dư dả, có nên chi tiền trăm triệu, thậm chí là tiền tỷ để mua ô tô hay không, lại một lần nữa trở thành chủ đề gây tranh luận. Công tâm mà nói, có ô tô, việc đi lại đúng là có tiện hơn, nhưng “cái giá” phải trả cho sự tiện lợi này cũng không hề nhỏ. Không phải tự nhiên mà người ta lại bảo có tiền mua xe là một chuyện, có tiền nuôi xe hay không lại là chuyện khác.

Có 200 triệu vẫn cố chấp mua ô tô hơn 1 tỷ: Nuôi xe được 2 năm phải bán vội vì quá nhiều bất cập

Trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân, một cô vợ đã trải lòng về trải nghiệm mua ô tô không mấy tích cực của gia đình.

Chi tiền tỷ mua ô tô rồi lại phải bán đi, lấy tiền gửi tiết kiệm - Ảnh 1.

Nguyên văn chia sẻ của cô vợ về việc gia đình chỉ có 200 triệu nhưng chồng nhất quyết mua xe 1,2 tỷ đồng

Nội tình câu chuyện có thể tóm tắt như sau: Đầu năm 2022, chồng cô nằng nặc đòi mua xe với lý do gia đình chuẩn bị đón em bé thứ 3, nhà 5 người rất cần một chiếc ô tô để thuận tiện cho việc đi lại. Thời điểm ấy, hai vợ chồng chỉ có 200 triệu tiền tiết kiệm. Thu nhập lúc đó của 2 vợ chồng ở mức 30 triệu đổ lại. Chi tiêu gia đình không tốn vì đã có nhà riêng ở ngoại thành Hà Nội, con học trường công không đắt đỏ, cũng không nợ nần.

Tuy nhiên, vấn đề chính là dù chỉ có 200 triệu nhưng anh chồng lại nhất quyết muốn mua xe 1,2 tỷ đồng, vì không muốn mua xe đời thấp, cũng không muốn mua xe cũ. Vợ cản, bố mẹ chồng khuyên ngăn hết lời cũng không thể dập tắt khao khát “bóc tem xế hộp” của anh chồng này. Cuối cùng, anh quyết định vay ngân hàng 450 triệu đồng, còn lại là vay gia đình và người thân, bạn bè.

Sau khi mua xe, gia đình này phải trả cho ngân hàng 10 triệu/tháng, bao gồm cả tiền gốc lẫn lãi. Thời gian trả góp là 6-8 năm. Đến năm 2023, theo chia sẻ của người vợ, thu nhập của hai vợ chồng đã tăng gấp đôi, thành 60 triệu/tháng nhưng vì đang gánh nợ, nên mức chi tiêu của gia đình vẫn giữ nguyên, để dồn tiền trả nợ người thân, bạn bè và gia đình.

Suốt 2 năm có xe, số lần đi ô tô nhà sang nội ngoại hay đưa con đi tiêm không nhiều. Đã có xe nhưng mỗi tháng vẫn không thoát được cảnh phải thuê taxi, cộng thêm cả tiền nuôi xe, cô vợ cho biết 20 triệu đồng là số tiền trung bình mà nhà cô phải chi cho việc đi lại. Vì những bất cập như thế, cô vợ nằng nặc khuyên chồng bán xe.

“Bán xe được 980 triệu, trả hết nợ ngân hàng, còn lại 650 triệu, em bảo chồng làm 2 cuốn sổ tiết kiệm ngân hàng, mỗi người 1 cái cho chắc ăn” - Cô vợ chia sẻ.

“Ô tô không có thì thấy thiếu, có rồi lại thấy hơi thừa”

Đây là chia sẻ của Thanh Tuấn (32 tuổi) về việc mua ô tô.

2 năm trước, khi còn đang ở nhà thuê, Thanh Tuấn vẫn quyết định dùng 3,4 tỷ đồng để mua một chiếc ô tô, thay vì mua nhà. Là Quản lý nhóm quản trị rủi ro cho một ngân hàng, Thanh Tuấn đã mua được chiếc xe này mức giá chỉ bằng khoảng 60% giá mua mới.

Chi tiền tỷ mua ô tô rồi lại phải bán đi, lấy tiền gửi tiết kiệm - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

"Mình thấy nội bộ rao bán tài sản đảm bảo của khách hàng để thanh lý khoản nợ, mình nghĩ mất 2 ngày rồi chốt mua ngay vì tâm lý không nhanh tay thì hụt mất món hời. Thực sự rất khó để có thể mua được chiếc xe này với mức giá như vậy" - Thanh Tuấn chia sẻ, từ chối tiết lộ tên chiếc xe mà bản thân đã mua năm ấy.

Khi được hỏi về lý do quyết định mua xe thay vì mua nhà, Thanh Tuấn cho biết: "Nhiều người cũng thắc mắc tại sao mình đang đi ở nhà thuê mà lại bỏ ra chừng đó tiền để mua xe. Câu trả lời đơn giản là mình có nhà mặt đất rồi, nhưng vì nhà ở xa chỗ làm hiện tại quá nên mình quyết định cho thuê, rồi đi thuê nhà gần công ty để tiện cho công việc hơn thôi" .

Tuấn xác định mua xe để phục vụ mục đích di chuyển là chính nhưng sau khoảng 10 tháng sở hữu "xế hộp", Tuấn quyết định… đăng bán.

"Chỗ ở hiện tại của mình cách chỗ làm việc chưa đầy 4km nhưng nếu đi làm bằng ô tô, mình phải nhích từng xentimet vì tắc đường. Cả chiều đi lẫn chiều về ít nhất cũng mất 80-90 phút cho quãng đường chưa tới 8km.

Chưa có xe thì nghĩ khi có xe sẽ chủ động hơn trong việc di chuyển hàng ngày, nhưng thực tế với mình là không. Cả chuyện đi du lịch hay đi về quê cũng vậy. Tự lái xe thì có chủ động hơn thật nhưng đổi lại là không được uống bia, uống rượu. Đàn ông mà đi chơi với bạn bè, đi về quê gặp họ hàng mà như vậy thì thực sự rất khó.

Thực tế là mình chỉ chăm lái ô tô đi chơi, đi làm trong khoảng 3 tháng đầu sau khi mua xe, vì cảm giác hào hứng của người mới mua ô tô lần đầu. Còn sau đó, chủ yếu xe mình phủ bụi nên mình quyết định bán. Đúng là không có thì thiếu, có lại thấy thừa" - Thanh Tuấn giải thích về quyết định bán chiếc ô tô đã mua bằng toàn bộ tiền tiết kiệm.

Để không hối hận, trước khi mua ô tô, phải cân nhắc kỹ 3 điều này!

Có ô tô, việc đi lại đúng là tiện hơn, đỡ phải dầm mưa dãi nắng, đặc biệt là với những người đã có con nhỏ. Dẫu vậy, bạn vẫn cần cân nhắc 3 điều dưới đây trước khi đưa ra quyết định mua xe.

Chi tiền tỷ mua ô tô rồi lại phải bán đi, lấy tiền gửi tiết kiệm - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

1 - Ô tô là một loại tiêu sản

Một chiếc ô tô lăn bánh từ gara ra mặt đường là đã mất ngay giá trị, bạn sẽ không thể bán nó với giá tương đương hoặc cao hơn giá mua, trừ khi là dòng xe sang phiên bản giới hạn. Ô tô chỉ là phương tiện giúp che nắng che mưa, mang lại sự thuận tiện hơn trong việc di chuyển. Không có nhiều tiền hay quá dư dả, đừng nghĩ tới việc mua xe cho oai.

2 - Tính toán rõ ràng chi phí nuôi xe

Có tiền mua xe là một chuyện, có tiền nuôi xe hay không lại là chuyện khác. Câu hỏi quan trọng mà bạn phải trả lời trong trường hợp này: Chi phí nuôi xe (bao gồm tiền thuê chỗ để xe, xăng xe, chi phí đăng kiểm, bảo dưỡng định kỳ, phí bảo hiểm) tính theo tháng sẽ khoảng bao nhiêu tiền? Con số này liệu có ảnh hưởng tới các khoản chi tiêu cơ bản, khoản tiết kiệm/đầu tư khác của gia đình hay không?

3 - Tìm kiếm các phương án thay thế

Hay nói cách khác là nếu không móc tiền túi ra mua ô tô, thì những lúc cần di chuyển bằng ô tô, có dễ thuê taxi/đặt xe công nghệ hay không? Nếu sinh sống ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, việc đặt xe công nghệ rất đơn giản, điều này ai cũng biết. Nhưng nếu ở những tỉnh nhỏ, chưa có dịch vụ đặt xe công nghệ, thì liệu thuê taxi có dễ không? Gọi một cái là có xe ngay hay phải đặt trước?

Tất cả những câu hỏi này, chỉ có bạn mới trả lời được, vì còn phụ thuộc vào nhu cầu và địa điểm sống. Gia đình có con nhỏ, giả sử con ốm cần đi viện mà không đặt được xe hoặc phải đợi đặt xe lâu quá thì cũng bất tiện thật.

Cuối cùng, lựa chọn hay quyết định nào cũng đều có ưu - nhược điểm. Mua ô tô cũng không phải là ngoại lệ. Cách duy nhất để không phải hối hận sau khi mua ô tô chính là bàn bạc cùng nhau thật kỹ. Chứ mua vì muốn chiều chồng, hoặc vì “bạn bè có nên mình cũng phải có”, thì có phần lãng phí quá, đúng không?

Chia sẻ