Chi Pu mời khán giả 'ăn tươi'
Sashimi - MV mới của Chi Pu mở ra không gian ẩm thực Nhật. Nhân vật chính dẫn dụ: “Phòng em thì hơi khó tìm/ Phải lên tầng 3 rẽ phải đến 3 lần/ Mời anh mở cửa bước vào/ Anh thấy thế nào?/ Order now I’ll make you wow…”.
Để ý cô không dùng từ “quán” hay “nhà hàng”. Từ “phòng” nghe có vẻ riêng tư hơn hẳn. “Order” trong tiếng Anh không chỉ dùng để gọi món ăn mà còn dùng cho mọi loại dịch vụ mà khách hàng mong muốn. Nên câu tiếng Anh tạm dịch là “Chỉ việc yêu cầu rồi em sẽ làm anh phải ồ lên cho xem”.
Cũng có thể nhà hàng này có nhiều phòng riêng, mỗi phòng có một nhân viên phục vụ. Và mỗi cô sẽ phải ra sức chèo kéo khách: “Ở đây em có rất nhiều loại sushi/ Anh thích đồ nướng có thể gọi yaki/ Anh thích đồ hấp có thể gọi mushi/ Anh thích ăn tươi nuốt sống thì…/ Ở đây chúng em có sashimi”.
Bắt đầu có sự đong đưa ở cụm từ “ăn tươi nuốt sống” và khoảng lặng sau đó. Nhưng rồi cô “trấn an” khách ngay như thể đó chỉ là một cách nói vui để gây chú ý mà thôi. Nhưng cũng lưu ý bắt đầu có sự xuất hiện của “chúng em”. Nhân vật của Chi Pu hẳn là bà chủ điều hành một đội ngũ tiếp viên nữ. Chắc các cô có nhiệm vụ ngồi ăn cùng cho khách đỡ buồn…
Từ đó trở đi Chi Pu chỉ còn nhắc tới sashimi, như một thứ đặc sản hấp dẫn nhất của bản quán đặc biệt khuyến dùng. Tiếng Việt- Anh được sử dụng lẫn lộn. “So tươi so yummy”. Câu này có thể thay bằng “So fresh so yummy” chả ảnh hưởng gì, mà vẫn đảm bảo giữ gìn sự trong sáng của cả hai thứ tiếng. Nhưng rõ ràng trong cách dùng này, từ “tươi” lại bật lên, sẽ có tác động mạnh tới khán giả đương nhiên chủ yếu là người Việt. Trong ngữ cảnh này, nó gợi đến “thịt tươi”, “đồ tươi sống”, “bữa ăn tươi”. Một cảm giác rất thịt thà.
Bị nhận một số ý kiến cho là dung tục, tác giả Hứa Kim Tuyền thanh minh rằng bài hát viết theo đặt hàng của Chi Pu có nội dung và ý đồ rõ ràng. Kể về một thực khách bước vào một quán ăn Nhật được cô chủ chào mời, sau đó giới thiệu các món ăn. “Còn ở phần lời thứ hai, tôi so sánh tình yêu giống như sashimi, lúc nào cũng phải tươi và hấp dẫn”, anh nói.
Ngay khi chưa có một chữ “tình yêu” nào, lời một đã gợi nhiều liên tưởng về xác thịt. Nữa là: “Cũng như tình yêu phải luôn giữ gìn/Cho tươi và ngon cả ngày”. Tình yêu chi lạ, có thể thiu nếu để qua ngày mà không bảo quản tốt?!
Tác giả còn dùng từ “kimochi” để kết hợp với “sashimi”. Đây là một từ cảm thán được dùng trong nhiều văn cảnh bao gồm phòng the. Chưa kể ý nghĩa của lời hát còn được củng cố qua hình ảnh, vũ đạo của ca sĩ và vũ công. Khi tất cả đều dùng phục trang để tự biến thành các miếng sashimi thì biết rồi…
Dĩ nhiên đa nghĩa là một thuộc tính của nghệ thuật. Nếu tác phẩm gợi cho khán giả nhiều liên tưởng mà tác giả cũng không ngờ tới thì một là tác giả ngây thơ thật, hai là giả vờ… Nếu Hứa Kim Tuyền chỉ phát ngôn được như trên thì im lặng có khi tốt hơn. Vì cũng như nhiều MV lọt top xu hướng khác, nhanh chậm gì rồi cũng rời vị trí để nhường cho những sản phẩm sau đó, của những nghệ sĩ nổi tiếng khác với những ý tưởng gây tranh cãi khác. Nghĩa là tiếp tục đầu tư, tiếp tục gây sốc thì còn tiếp tục dẫn đầu “xu hướng”. Rồi được lọt vào các bảng xếp hạng của các nhân vật “gây ảnh hưởng” này kia. Còn ảnh hưởng tốt đẹp cỡ nào người xếp hạng đâu chịu trách nhiệm.
Nghệ sĩ muốn lọt top có thể bán nhà để đầu tư, mời hẳn ê-kíp quốc tế. Tầm này tiền có thể giải quyết được khá nhiều việc, trừ giọng hát cần năng khiếu và thời gian tập luyện. Nếu Chi Pu thực sự muốn trải nghiệm trong nghề ca sĩ, thì đã đến lúc cô nên ra album và làm liveshow. Bằng đấy MV đã quá đủ để giới chuyên môn và khán giả kết luận về một Chi Pu chưa tròn vai ca sĩ đã mơ làm “nữ hoàng giải trí”. Chi Pu đáng đi vào lịch sử là ca sĩ bị nhiều đồng nghiệp đi trước phản đối nhất khi vừa ra nghề. Tuy vậy sau 5 năm, cô đã được ghi nhận ở tinh thần làm việc chăm chỉ, đeo bám dai dẳng…
Ngay trước MV tông hồng Sashimi, Chi Pu còn ra một MV lấy đen làm gam chủ đạo tên là Black hickey. “Black” là “màu đen”, “hickey” chỉ vết cắn mà các cặp đôi cuồng nhiệt để lại trên người nhau khi làm "chuyện đó". Bài này thì dụng ý quá rõ rồi và tất nhiên cũng bị khán giả phản ứng. Nói chung, loạt MV này của Chi Pu nên được đánh dấu 16 hay 18+. Dù đã cố công tạo ra những nội dung nhạy cảm, gây sốc, xem ra Chi Pu vẫn không đánh lạc hướng được người nghe khỏi giọng hát của cô. Ngược lại có khi nó càng làm nổi bật lên phần tiếng thì thào thiếu sức sống, chẳng ăn nhập gì với hình ảnh “tươi ngon”.