Chỉ một lưu ý nhỏ, bố mẹ có thể giúp con tự tin đọc những cuốn sách nhiều chữ khi vào lớp 1
Thói quen đọc sách được duy trì từ nhỏ tạo một nền tảng vô cùng vững chắc cho trẻ khi vào lớp 1, để giúp con phát triển kỹ năng đọc và khả năng đọc hiểu tốt hơn khi vào lớp 1 hãy cho trẻ làm quen với những cuốn sách nhiều chữ.
Ở độ tuổi từ 0-6, thể loại sách phù hợp và được trẻ yêu thích nhất là sách tranh (picture book). Sách tranh có cấu trúc đơn giản bao gồm tranh minh họa và lượng từ vựng vừa phải (tùy theo độ tuổi của trẻ). Tuy thế, đọc sách tranh từ nhỏ mang đến cho trẻ một nguồn lợi ích đáng kinh ngạc. Đó là, bổ sung làm giàu vốn từ, kết nối định nghĩa các khái niệm, tăng cường khả năng tư duy hình ảnh cho trẻ, nuôi dưỡng thói quen đọc và gắn kết tình cảm gia đình…
Sách tranh cũng giúp trẻ tư duy về việc đọc và khích lệ trẻ "đọc" theo cách của riêng mình dù có thể chưa thực sự biết đọc. Đây chính là một nền tảng rất quan trọng, hình thành nên những thói quen học tập tốt giúp trẻ tự tin và dễ dàng thích nghi hơn khi vào lớp 1.
Độ tuổi vào lớp 1 cũng là cột mốc cha mẹ gặp phải nhiều khó khăn để duy trì thói quen đọc sách cho con với mong muốn trẻ đọc các cuốn sách nhiều chữ hơn mà không có được sự hợp tác của trẻ. Nguyên nhân là do, rất nhiều bố mẹ đã bỏ qua một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng - đó là giai đoạn trẻ "chuyển từ đọc sách tranh sang sách nhiều chữ".
Để chuyển giai đoạn từ đọc sách tranh sang sách nhiều chữ (sách phân chương) trẻ rất cần một giai đoạn đọc "bước đệm" để "chống sốc" với một thể loại sách tạm gọi là "bước nhảy sang sách phân chương". Nhiệm vụ của các cuốn sách thuộc thể loại này là gì:
1. Giới thiệu với trẻ một "cấu trúc" sách mới, khác với các cuốn sách tranh (picture book) mà trẻ vẫn đọc, đó là các cuốn sách có phân thành các chương nhỏ hoặc chia thành các tập nhỏ. Mỗi chương/mỗi tập sách có thể là một câu chuyện độc lập nhưng vẫn có kết nối giữa các chương với nhau, ví dụ vũ trụ nhân vật, diễn biến tiếp nối của câu chuyện, không gian diễn ra câu chuyện…
2. Tăng dần vốn từ và tính phức tạp của các câu thoại cũng như nội dung câu chuyện để giúp trẻ kéo dài khả năng tập trung, theo dõi và tiếp nhận thông tin khi đọc sách.
3. Kể những câu chuyện với cốt truyện phức tạp, nhiều tình tiết với nhiều thông tin, dữ liệu, cao trào hơn thay vì chỉ một cốt truyện liền mạch từ đầu đến cuối như sách tranh.
Các cuốn sách thuộc thể loại chuyển tiếp này cũng được chia thành nhiều cấp độ khác nhau từ đơn giản đến phức tạp phù hợp với khả năng tiếp nhận và sở thích của trẻ. Đặc biệt, sách thường được in cỡ chữ to, rõ ràng để giúp trẻ đọc và theo dõi câu chuyện dễ dàng hơn. Cha mẹ có thể giới thiệu với trẻ thể loại sách này từ khi trẻ 4-5 tuổi, hoặc sớm hơn nếu trẻ thể hiện nhu cầu hoặc sự tò mò với các cuốn sách nhiều chữ hơn. Điều quan trọng nhất là bố mẹ cần chọn đúng sách và thực sự đồng hành cùng con để trẻ thực sự yêu thích đọc sách và đắm mình vào thế giới của cuốn sách.
Một vài gợi ý dưới đây sẽ giúp bố mẹ chọn được những cuốn sách phù hợp để đọc cùng trẻ trong giai đoạn bước đệm này.
Bộ sách "Nhật ký của cú nhỏ" của tác giả Rebecca Elliott
Đây là một bộ sách viết theo dạng nhật ký, siêu vui vẻ và hài hước, toàn là những câu chuyện trường lớp đáng yêu, vặt vãnh của các bạn nhỏ độ tuổi tiểu học. Ngôn ngữ của một cuốn nhật ký khiến cuốn sách trở nên gần gũi và dễ đồng cảm với các bạn nhỏ, đồng thời việc mỗi tập sách lại được chia thành các chương be bé giúp các bạn nhỏ quên đi cảm giác "phải đọc" và say sưa với những câu chuyện của bạn cú Eva.
Bộ sách "Ở nơi xa tít mù khơi" của tác giả Toon Tellegen
Bộ sách là những câu chuyện bé nhỏ về cuộc sống của những người bạn trong một khu rừng được kể bằng chất liệu ngôn ngữ ngọt ngào, trong trẻo và ấm áp. Những đoạn văn ngắn, cốt truyện đơn giản mà vẫn hấp dẫn được in với cỡ chữ to vừa vặn xen lẫn những hình minh họa dễ thương giúp trẻ có thể tự học đánh vần hay tự đọc mà không bị cảm giác "ngợp" trong câu chữ.
Bộ "Những chuyện kể của Thorton Bugess" của tác giả Thorton Bugess
Ngoài sự thu hút ấn tượng về tranh minh họa tuyệt đẹp và những câu chuyện sống động về thế giới tự nhiên và muôn loài thì ưu điểm rất lớn của bộ sách này chính là cỡ chữ và phông chữ rất thân thiện và phù hợp cho trẻ lứa tuổi tiểu học tự đọc và các bạn mẫu giáo cùng đọc với bố mẹ. Sách cũng được chia thành nhiều chương nhỏ, độ dài mỗi chương đọc vừa hết trong khoảng 20 phút vào giờ đọc sách trước khi đi ngủ để trẻ bị hấp dẫn một cách tự nhiên với một cuốn sách phân chương, nhiều chữ.
Chúc các bố mẹ và các bạn có một chặng đường đọc sách thật vui.
Nhà báo, Tác giả sách thiếu nhi và Làm cha mẹ Phạm Thị Hoài Anh.
Chị là tác giả của các cuốn sách như "Trái tim của mẹ", "Bàn tay của bố", "Mỗi ngày 15 phút yêu con".
Trong đó, cuốn sách "Trái tim của mẹ" đã từng đoạt giải thưởng Grand Prize cuộc thi Samsung KidsTime Authors' Award awarded dành cho các tác giả Đông Nam Á tại Asian Festival of Children's Content (AFCC) do Hội đồng Sách Singapore tổ chức năm 2015 và Giải Bạc sách Hay Việt Nam 2016 do Hiệp hội xuất bản Việt Nam trao tặng. Hiện chị đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Độc giả có thể tìm đọc những bài viết của tác giả Hoài Anh TẠI ĐÂY.