Chỉ là nồi cháo thịt bằm, và Sài Gòn vẫn luôn dễ thương đến thế!
“Cháo thịt bằm miễn phí”, tấm bảng nhỏ đặt cạnh một nồi cháo tỏa khói nghi ngút giữa khiến những ai đi qua con hẻm nhỏ 660, đường Lê Hồng Phong, phường 10, quận 10, TP.HCM đều cảm thấy ấm lòng trước một Sài Gòn nghĩa tình.
Xuất phát từ tấm lòng sẻ chia với bà con nghèo, hơn 6 tháng nay, mỗi ngày chị Nguyễn Thị Hoàng Linh (39 tuổi) đều đặn nấu một nồi cháo thịt bằm, đặt trước con hẻm nhỏ 660 để giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn.
"Cháo thịt bằm miễn phí", cái bảng hiệu đơn giản nhưng đầy ắp sự sẻ chia giữa lòng Sài Gòn rộng lớn
Để cháo không bị nguội, bị Linh mang cả bếp củi ra để hâm nóng cho nồi cháo
Cứ đều đặn vào khoảng 14g mỗi ngày, nồi cháo của chị Linh được đặt trước hẻm 660 Lê Hồng Phong để giúp đỡ cho mọi người
Tầm khoảng 14g mỗi ngày, khi nồi cháo đã được nấu chín, chị Linh cùng đứa con gái lụi hụi khiêng nồi cháo từ trong hẻm ra ngoài ngõ để bà con đi ngang qua, ai cần thì đến lấy cháo mang về. Vì sợ để lâu cháo sẽ nguội, chị Linh cẩn thận đặt nồi cháo lên bếp than nóng hổi để giữ nhiệt cho nồi cháo.
Một người phụ nữ nhặt ve chai vui vẻ chờ đợi phần cháo của mình
Để tiện cho những người đến lấy cháo, chị Linh mua những chiếc ly nhựa để lấy cháo mang về cho người dân
Chị cho biết: "Dù bản thân chị không giàu có gì, cũng phải vất vả kiếm từng đồng cho cuộc sống mưu sinh nhưng chị còn có sức khỏe, còn kiếm ra tiền nhiều hơn một số người nên mình san sẻ bớt cho nhau. Một nồi cháo như vầy có đáng là bao, điều quan trọng là tình cảm giữ con người với nhau".
Dù hàng ngày phải vất vả mưu sinh bằng việc buôn bán hàng nước nhưng chị Linh vẫn dành thời gian, chăm chút cho nồi cháo của mình mỗi khi có người đến lấy
Một phụ nữ mua ve chai vui vẻ tìm đến nồi cháo thịt bằm miễn phí của chị Linh
Phần cháo được đựng gọn gàng trong chiếc ly nhựa, có cả muỗng cho mọi người tiện sử dụng
Đặt tại một góc trước con hẻm nhỏ 660, nồi cháo thịt bằm đã trở thành điểm đến quen thuộc của hàng trăm người lao động nghèo. Cứ cách mười lăm, hai mươi phút thì có người đến nồi cháo của chị Linh để lấy một phần mang về. Có người vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, xin chị cho ba, bốn phần để đem về cho mọi người dùng.
Chị Linh cần mẫn múc cháo cho người đến lấy
Từ khi nồi cháo thịt bằm của chị Linh ra đời, người lao động nghèo tại đường Lê Hồng Phong lúc nào cũng thấy ấm lòng
Cầm trên tay 4 phần cháo thịt bằm nóng hổi, bà Ánh (70 tuổi) hồ hởi nói: "Từ ngày biết được nồi cháo thịt bằm của chị Linh, mấy bà già bán vé số như bà đỡ được một bữa ăn tối, tiết kiệm thêm một khoản tiền để gởi về quê nuôi cháu, bà vui lắm!".
Bà Ánh làm nghề bán vé số vui vẻ chờ đợi lấy 4 phần cháo để mang về cho các cụ già bán vé số chung nhà trọ
Những lúc chị Linh bận, nhiều người trong hẻm 660 sẵn sàng ra tay giúp đỡ, lấy cháo cho mọi người
Tranh thủ lúc vắng người, chị Linh liền lấy tranh chữ thập ra thêu. Chị cho biết do bận quá nên bức tranh này dù có thâm niên gần bằng nồi cháo miễn phí mà vẫn chưa xong
Đa phần những người tìm đến nồi cháo của chị Linh là người dân lao động nghèo, có người bán vé số, có người thu mua ve chai, xe ôm, người tàn tật…hàng ngày mưu sinh qua đường Lê Hồng Phong. Đối với họ, việc bỏ ra vài chục ngàn cho một bữa ăn rất khó khăn…Chính vì vậy, nồi cháo nhỏ của chị Linh từ khi ra đời mang một ý nghĩa hết sức lớn lao, làm ấm lòng hàng trăm người lao động nghèo có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Nồi cháo của chị Linh làm ấm lòng hàng trăm người lao động nghèo tại khu vực này
Thay vì bỏ ra một số tiền vài chục cho một bữa ăn, phần cháo miễn phí của chị Linh đã giúp đỡ rất nhiều người tiết kiệm một khoản tiền cho cuộc sống mưu sinh
Chị Linh cho biết lúc trước chị chỉ đặt thùng trà đá miễn phí trước xe nước giải khát, sau vì nhiều lần vào bệnh viện chăm bố ốm, thấy được sự khó khăn, thiếu thốn của những người dân ở quê lên thành phố kiếm sống, ăn những bữa ăn qua loa…Thế rồi "Nồi cháo thịt bằm miễn phí" đã ra đời, gói gọn tất cả tình yêu thương, san sẻ của chị Linh dành cho người nghèo.
Giữa Sài Gòn tấp nập, nồi cháo thịt bằm của chị Linh mang một thông điệp to lớn về sự sẻ chia, yêu thương của người Sài Gòn trong cuộc sống, họ tử tế, hào sảng và vô cùng dễ thương!