Chỉ khi chứng kiến con trai ngày càng trượt dốc, tôi mới nhận ra: Có một kiểu hiểu lầm khiến nhiều cha mẹ đánh mất con mình

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Con trai tôi giận dữ hét lên: "Đứa trẻ đó đã chết rồi! Mẹ ép nó chết! Nó sẽ không bao giờ trở về nữa!".

Trong mắt người thân và bạn bè, tôi là một bà mẹ đơn thân rất có năng lực, biêt quan tâm đến con cái. Kể từ khi con trai bước vào lớp một, việc dạy kèm cho con đã trở thành trọng tâm trong cuộc sống của tôi. Tôi có kỷ luật nghiêm khắc, tuyệt đối không để cháu lười biếng. Dưới sự giám sát đó, điểm số của con ở tất cả các môn đều rất xuất sắc.

Chỉ khi chứng kiến con trai ngày càng trượt dốc, tôi mới nhận ra: Có một kiểu hiểu lầm khiến nhiều cha mẹ đánh mất con mình - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

01.

Con thay đổi không tin nổi

Ban đầu tôi nghĩ rằng sau khi đặt nền móng và phát triển thói quen tốt, việc học của con sẽ thuận buồm xuôi gió. Nhưng đến khi lên cấp 2, thành tích của con tuột dốc. Tôi không thể hiểu được chứ đừng nói đến việc chấp nhận. Mỗi ngày trước khi đến trường và sau khi về nhà, tôi đều cố gắng tận dụng mọi cơ hội để giáo dục, mong cháu sẽ nhận ra sự xấu hổ của mình và dũng cảm hơn.

Thái độ của con trai tôi thay đổi từ im lặng lúc đầu sang chán nản và đối đầu. Thường thì trước khi tôi nói xong, con sẽ nóng nảy quay người bỏ đi, phàn nàn: "Ngày nào cũng cằn nhằn. Thật khó chịu! Mẹ có thể im đi không!" khiến tôi càng tức giận. Tất cả những gì tôi làm đều là vì lợi ích của con, tại sao con không những không trân trọng mà còn đầy oán hận.

Sau kỳ thi giữa kỳ, nhà trường tổ chức họp phụ huynh, hiệu trưởng cũng báo cáo rằng gần đây tình trạng con tôi không được tốt, không tập trung vào việc học. Bài kiểm tra giữa kỳ lần này cũng mắc rất nhiều lỗi cơ bản. Không theo kịp tiến độ, sau này sẽ bị bỏ lại phía sau, hối hận cũng đã muộn!

Nghe xong tôi rất tức giận và lo lắng nên về nhà, vào phòng chuẩn bị thẩm vấn con. Sự xuất hiện đột ngột của tôi khiến con giật mình. Nó vội lấy một cuốn sách và úp nó xuống bàn. Tôi mở ra thì thấy ẩn bên dưới là một cuốn tiểu thuyết về việc tu tiên. Tôi tức giận đến mức lập tức lấy cuốn sách, xé làm đôi và ném thẳng vào mặt con.

"Mẹ yêu cầu con học tập chăm chỉ mỗi ngày và con đang xem cái này! Thảo nào giáo viên nói rằng đầu óc con không tập trung vào việc học. Làm sao con có thể tốt hơn nếu chỉ đọc tiểu thuyết mỗi ngày? Con đã làm bài thi như thế nào? Con có lòng tự trọng không?" - Tôi nổi cơn thịnh nộ và trút sự bất mãn lên con, mong rằng có thể thức tỉnh nó bằng cách mắng mỏ và quay trở lại như cũ.

Nhưng không ngờ, con trai tôi nhìn tôi chằm chằm như kẻ thù. Nhìn ánh mắt đầy hận thù đó, trong lòng tôi dâng lên một cảm giác bất lực vô cùng: "Con sao vậy? Ngày xưa con không như thế này! Con trai tôi đã đi đâu rồi, đứa trẻ hiếu học và ngoan ngoãn đó?". Con trai tôi giận dữ hét lên: "Đứa trẻ đó chết rồi! Mẹ ép nó chết! Nó sẽ không bao giờ trở về nữa!".

Từ đó, ngoài việc hỏi về chi phí sinh hoạt, con trai không muốn nói bất cứ điều gì với tôi. Khi tôi có những thắc mắc, nó chỉ trả lời đơn giản là "ừm, ồ". Nhìn bóng lưng con trai, tôi thấy đau lòng. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nghi ngờ sâu sắc về phương pháp giáo dục của chính mình - chẳng lẽ tôi thật sự ép con mình phải trở thành như vậy sao? Tôi tìm kiếm sự hỗ trợ từ một chuyên gia giáo dục trẻ em.

02.

Tại sao đứa trẻ vốn ngoan ngoãn nghe lời giờ lại "nổi loạn" như vậy?

Trong quá trình tư vấn, giáo viên nói với tôi rằng phương pháp giáo dục cho trẻ em và thanh thiếu niên là khác nhau. Những thay đổi ở con trai tôi cũng liên quan đến việc cháu đang bước vào tuổi thiếu niên. Trước 6 tuổi, lời nói của cha mẹ là vàng; sau 12 tuổi, lời nói của cha mẹ là “gió thoáng qua”. Trẻ vị thành niên có ý thức mạnh mẽ về lòng tự trọng và quyền tự chủ. Dù vẫn còn là trẻ em trong mắt cha mẹ nhưng các em đã coi mình như người lớn.

Nhiều bậc cha mẹ quen dùng những lời lẽ cay nghiệt để làm bẽ mặt, mong con thấy xấu hổ để dũng cảm phấn đấu hoàn thiện bản thân. Nhưng trên thực tế, phương pháp khiêu khích không mang lại hiệu quả tích cực. Mọi thay đổi đều đòi hỏi phải huy động sức mạnh nội tâm để phá bỏ thói quen ban đầu. Bạn càng chỉ trích và lên án, bạn sẽ càng tước đi khả năng thay đổi của trẻ. Lời của chuyên gia đã làm tôi "tỉnh giấc".

Tôi đã bỏ qua giai đoạn đặc biệt của tuổi thiếu niên, tôi vẫn coi con mình như một đứa trẻ, ám ảnh về việc giáo dục con nghe lời mà không chú ý đến phương pháp. Tôi giảng và la mắng bất kể thời gian và địa điểm, tôi lặp lại điều đó không mệt mỏi. Nhưng tôi không biết rằng sự thúc giục của tôi lại “vô giá trị” đối với con, điều đó khiến con tôi rất khó chịu. Sự sỉ nhục và kích thích cố ý hay vô ý của tôi sẽ chỉ tước đi sức mạnh để thay đổi của đứa trẻ.

Giờ nghĩ lại, tất cả những vấn đề mà con trai tôi đang gặp phải hiện nay đều đã được báo trước. Những ánh mắt bực bội và những lý lẽ thuyết phục đó đều bị tôi dập tắt. Lúc đó, tôi vẫn tự hào về nỗ lực giáo dục con trai của mình.

03. 

Hai điều cần làm để thay đổi một đứa trẻ "nổi loạn"

Bây giờ tôi đã hiểu được căn nguyên, tôi nên làm gì để giải quyết cơn giận và nổi loạn của con? Giáo viên nói với tôi rằng chỉ cần bạn nhớ được hai điểm là có thể cải thiện một cách hiệu quả:

1. Đừng bận tâm đến những vấn đề tầm thường, đừng tiêu tốn sức lực vào những chi tiết nhỏ và học cách bao dung với những lỗi nhỏ

Trước đây tôi rất nghiêm khắc với con mình. Viết cẩu thả và lặp đi lặp lại những lỗi sai cơ bản đều là những lỗi không thể tha thứ đối với tôi. Sau mỗi kỳ thi, tôi yêu cầu con chép lại những câu hỏi, lỗi sai và phân tích nguyên nhân mắc lỗi. Tôi xé đi và yêu cầu con viết lại cho đến khi được chấp thuận. Sau đó tôi đưa cho con những câu hỏi tương tự và kiểm tra nhiều lần cho đến khi hoàn toàn đúng.

Kỷ luật nghiêm khắc như vậy thực sự có thể có tác dụng ở các lớp dưới. Nhưng khi lớn lên, sự ép buộc của tôi dần mất đi tác dụng. Tôi càng nghiêm khắc thì con càng chán ghét. Ngay cả khi làm theo chỉ dẫn, con cũng sẽ phản ứng một cách thụ động và ngày càng rời xa mục tiêu của mình.

Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy việc nghiêm túc với trẻ vị thành niên rất dễ dẫn đến tác dụng ngược. Vì vậy, tôi quyết định không lãng phí thời gian vào những chi tiết nhỏ nhặt, không quan trọng, không theo nguyên tắc đó. Khi tôi thấy cháu bị mất điểm do bất cẩn, hoặc có những chữ viết nguệch ngoạc, tôi không còn giữ lại mắng mỏ mà thay vào đó trêu chọc: "Nếu con cứ viết thế này thì có một ngày mẹ không đọc được chữ con viết mất". Thay vì la mắng, tôi góp ý nhẹ nhàng.

2. Điều chỉnh cách giao tiếp với con, không còn đối đầu mà chinh phục con bằng sự mềm mỏng

Trước đây tôi áp dụng cách giáo dục đối với con trai mình: Ra lệnh, mắng mỏ, ép buộc, chế giễu... Mãi cho đến khi con im lặng, tôi mới nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Qua tìm hiểu, tôi thực sự hiểu rằng việc đối đầu trực diện với trẻ vị thành niên thực sự là một ý tưởng tồi. Chỉ khi từ bỏ những sự cứng rắn, ép buộc đó, con mới có thể buông bỏ sự phản kháng và cởi mở với bạn.

Sau khi con làm bài ở lớp xong, tôi không còn giục con tìm bài nâng cao nữa. Tôi sẽ quan tâm con bằng cách hỏi thăm: "Con có muốn xem tivi một chút không?"; "Con có muốn uống một cốc nước nóng không?". Nếu kết quả thi không tốt, tôi sẽ không chế giễu hay chỉ trích mà để con sắp xếp lại những điểm kiến thức chưa nắm rõ và giao con quyền giải quyết vấn đề.

Thật lạ khi tôi càng chia sẻ với cháu những điều không liên quan đến việc học và nói với con những điều thú vị ở trường mà không hề thúc giục hay nhắc nhở “đến giờ học rồi”, con tôi càng quan tâm đến việc học hơn. Con nói: "Trước đây mẹ ép buộc và mắng mỏ, dù biết làm vậy là vì lợi ích của con nhưng con vẫn không kiềm chế được cơn tức giận vì những lời nói đó quá tổn thương. Càng muốn giải thích, tranh cãi, mẹ càng nói gay gắt, khiến con cảm thấy mệt mỏi, muốn buông xuôi.

Nhưng bây giờ, mẹ càng bao dung, con càng cảm thấy việc học là của mình, quyền quyết định là của mình con không thể phản bội lòng tin của mẹ". Những lời của con trai làm tôi cảm động sâu sắc.

Có thể nói rằng, để giành chiến thắng ở vạch xuất phát, nhiều đứa trẻ phải tham gia đường đua, chịu áp lực rất lớn từ khi nhỏ. Nếu cha mẹ đặt quá nhiều áp lực cho con ngay từ đầu, điều có thể khiến con bị "chấn thương".

Ban đầu, khi một đứa trẻ chào đời, hy vọng duy nhất của cha mẹ là chúng có thể lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi dạy con cái, nhiều bậc cha mẹ sẽ quên đi ý định ban đầu của mình và ngày càng đặt nhiều kỳ vọng vào con. Nhiều đứa trẻ đã trầm cảm, thậm chí có hành động dại dột vì những áp lực này.

Tôi cảm thấy biết ơn vì mình dừng lại đúng lúc. Biết đâu, nếu cứ cứng nhắc, tôi đã đánh mất con trai của mình rồi.

* Chia sẻ của chị Tiểu Quyên, một phụ huynh ở Trung Quốc

Chia sẻ