Chị đồng nghiệp đến gõ văn bản còn không thông thạo nhưng lại cực giỏi nịnh bợ các sếp

Mạn Ngọc,
Chia sẻ

Tôi đi lên bằng thực lực nên mỗi lần nghe giọng điệu nịnh bợ thớ lợ của cô đồng nghiệp bàn bên đều cảm thấy sởn da gà.

Tôi tự nhận rằng bản thân không phải là người quá xuất sắc trong việc giao tiếp, tôi sống khá hướng nội nên hầu hết các mối quan hệ tôi có hiện tại đều là những người hiểu tôi, tôi và họ duy trì mối quan hệ bằng thứ tình cảm thật sự.

Có lẽ bởi vậy, tôi khá nể phục những người có khả năng ngoại giao tốt, tôi nghĩ rằng công việc và cuộc sống của họ sẽ thuận lợi hơn nhiều nếu họ biết cách ứng xử như vậy. Và không ít bạn bè của tôi, họ thành công hơn bởi năng lực giao tiếp tốt đó.

Tuy nhiên, khi làm việc càng lâu, tiếp xúc với càng nhiều người, tôi mới nhận ra giữa việc giỏi ngoại giao và nịnh bợ, khôn lỏi khác nhau hoàn toàn.

Hiện tại, tôi là một nhân viên văn phòng, công việc chủ yếu thao tác trên máy tính, bởi vậy không có gì là lạ khi tôi phải thành thạo rất nhiều thao tác trên máy tính. Ban đầu vốn kiến thức có phần hạn hẹp, nhưng càng làm thì nó càng vỡ ra, mình càng trau dồi được nhiều kinh nghiệm hơn.

Tôi là đứa cần cù bù thông minh, nếu cảm thấy mình không giỏi, tôi sẽ học tập và làm thuần thục cho đến khi đạt được yêu cầu thì thôi. Những cố gắng của tôi cũng không hề lãng phí khi tôi được cấp trên tin tưởng và phân phó cho nhiều mảng việc.

Vất vả thì có chứ, nhưng cuộc sống mà, nếu không phấn đấu thì mọi thứ sẽ dậm chân tại chỗ. Dù phải tăng ca không hề ít nhưng tôi chưa bao giờ đổ tại cấp trên chèn ép, một phần không hề nhỏ là do mình chưa biết cách sắp xếp, điều chỉnh các đầu việc mà thôi.

Ngồi ngay cạnh tôi là một chị đồng nghiệp lớn hơn tôi hai tuổi, chị đã vào làm ở công ty này trước tôi hơn một năm. Mới đầu khi mới về đây, tôi cảm thấy mừng rỡ vô cùng khi có một người chị niềm nở, sẵn sàng nói chuyện với mình rất nhiều. Tôi cũng dè dặt đáp lời chị và mong chị giúp đỡ trong công việc.

Chị đồng nghiệp đến gõ văn bản còn không thông thạo nhưng lại cực giỏi nịnh bợ các sếp - Ảnh 1.

Thế nhưng mới chỉ thử việc một tuần tôi chợt nhận ra người cần giúp ở đây không phải là tôi mà là chị ấy. Chị ấy thường xuyên nhờ tôi viết hộ các lệnh excel, tìm hộ tài liệu, nhập các số liệu, hay thậm chí là bản báo cáo để gửi cho sếp…

Càng về sau, mức độ nhờ vả của chị ấy càng tăng lên, tôi để ý rằng chị ấy thậm chí còn không thông thạo việc sử dụng phần mềm soạn thảo văn bản. Không ít lần chị phải hỏi tôi những câu hỏi ngô nghê như “làm thế nào để gõ được tiếng việt em nhỉ” hay “đổi tên file tài liệu này kiểu gì em ơi”...

Khi việc nhờ vả diễn ra thường xuyên, cùng với khối lượng công việc của tôi tăng dần, tôi bắt buộc phải từ chối chị ấy. Cũng kể từ đó, chị đồng nghiệp liền “trở mặt” với tôi.

Mỗi khi tôi chào hỏi chị đều lờ đi, nếu lỡ có gặp nhau trong thang máy, chị sẽ coi như tôi là người dưng nước lã. Thậm chí, mỗi lần nói chuyện với đồng nghiệp khác, chị cũng tranh thủ mọi cơ hội để “đá đểu” tôi.

Nhận ra thái độ không mấy thiện cảm của chị, tôi cũng không để bụng, mỗi người có một cách sống riêng và dù tôi không thoải mái với họ đi chăng nữa thì tôi cũng chẳng có quyền gì mà can thiệp.

Bên cạnh đó, mỗi lần có cuộc họp với các sếp thì tôi lại phải ngồi rùng mình để nghe chị ấy nịnh nọt. Thậm chí, chỉ cần có lãnh đạo nào đi ngang qua phòng, chị ấy cũng không bao giờ bỏ lỡ cơ hội chạy ngay qua nịnh bợ.

Không ít lần, chị đồng nghiệp “mượn hoa cúng phật” bằng cách đòi trích tiền quỹ của phòng ra để mua quà tặng sếp, tổ chức sinh nhật cho sếp nhưng lại chỉ đứng dưới danh nghĩa của một mình chị mà thôi. Mỗi lần lễ tết, chị ấy sẽ nằng nặc đòi đến nhà sếp một mình, tiền thì là của chung cả phòng nhưng một mình chị ấy quyết xem mua gì, tặng gì và chưa bao giờ dùng danh nghĩa của phòng để đi lễ tết các sếp.

Công việc thì chị ấy đùn đẩy, có nhân sự mới thì chị tìm mọi cách để “nhờ vả”, nếu không kịp hoàn thiện thì sẽ bị chị trách cứ, thậm chí mắng mỏ dù đó chẳng phải là việc của người ta.

Không ít lần, tôi chứng kiến các bé thực tập sinh phải tăng ca để hoàn thiện công việc mà đáng lẽ chị ấy phải tự ngồi mà làm. Cùng lúc đó, tôi thấy trên Facebook của chị đăng tải trạng thái chơi bời ở khắp nơi.

Mặc dù với thái độ rõ ràng của tôi, giờ chị đồng nghiệp chẳng thèm gây sự với tôi nữa, nhưng quả thật ai cũng cảm thấy không thoải mái với cách làm việc chung của chị. Tôi nên lờ đi và tiếp tục công việc của mình hay nên góp ý để chị ấy biết hành xử không hay của chị đang làm ảnh hưởng đến đồng nghiệp khác?

Chia sẻ