Chỉ có 6-7% rau mất an toàn ?
Một loạt những con số rất “đẹp” về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản đã được Bộ NN-PTNT công bố tại cuộc họp chiều qua 20.11 tại Hà Nội.
Yên tâm khi đi chợ mua rau ?
Mở đầu cuộc họp, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thông báo, phân tích 54 mẫu mực khô sơ chế và mực khô tẩm gia vị ăn liền lấy tại Quảng Ninh, Nha Trang và TP.HCM đều không phát hiện mẫu nào nhiễm vi sinh vật gây bệnh Salmonella, các độc tố nấm mốc Aflatoxin B1, hóa chất Rhodamine B và Trichlorfon; E.coli không vượt quá giới hạn cho phép trong sản phẩm; chỉ có một mẫu nhiễm Chloramphenicol vượt mức giới hạn định lượng cho phép.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, sau một năm thực hiện Thông tư số 13 về kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nông sản nhập khẩu có nguồn gốc từ thực vật, các cán bộ của Cục này đã lấy 1.545 mẫu để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm nhưng chỉ phát hiện 12 mẫu (chiếm 0,8%) vi phạm, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức dư lượng tối đa cho phép. Kết quả phân tích 50 mẫu rau ăn sống như xà lách, rau diếp, húng, mùi tại TP.HCM và Hà Nội để kiểm nghiệm các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng (gồm 11 hoạt chất sử dụng phổ biến và có nguy cơ cao, chì và arsen) thì cả 50 mẫu đều đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm đối với các chỉ tiêu được kiểm tra.
Cả ông Tiệp và ông Hồng sau đó đều khẳng định: hiện đã có quy định ngưỡng tồn dư đối với từng hoạt chất và từng loại rau, nếu ở ngưỡng đó thì hoàn toàn an toàn, người tiêu dùng yên tâm sử dụng.
Theo ông Hồng, độ an toàn của rau Việt Nam hiện đang ở mức trung bình khá nếu so với các nước trong khu vực. Qua giám sát, chỉ có 6-7% rau trên các cánh đồng trên cả nước là có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, 93% còn lại là an toàn đối với người tiêu dùng. “Con số này ở Thái Lan là 10%, Malaysia là 12%, Trung Quốc thì tùy từng vùng nhưng phổ biến là từ 2% đến 15-17%... Chúng ta đang ở mức trung bình chứ không phải quá thậm tệ mặc dù chúng ta còn nhiều việc phải làm, cố gắng 5 năm tới giảm xuống còn dưới 5%”, ông Hồng tự tin.
Chưa thuyết phục
Tuy nhiên, trong báo cáo của mình, ông Hồng lại cảnh báo, dựa trên kết quả khảo sát về sử dụng thuốc, giám sát an toàn thực phẩm trên rau tươi cho thấy, mối nguy gây mất an toàn đáng chú ý nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, các loại rau ăn lá như rau muống, rau cải các loại, rau ngót... là nhóm sản phẩm có nguy cơ cao gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm nhất, tiếp đó là đậu đỗ. Rau cải, rau muống và rau ngót có tỷ lệ vượt mức tối đa cao hơn các loại rau khác. Các loại chất thường phát hiện dư lượng vượt mức tối đa cho phép sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh và hệ miễn dịch của con người. Tại Đà Nẵng, Khánh Hòa và Hà Nội có tỷ lệ mẫu vượt mức tối đa cho phép cao hơn, tiếp theo là TP.HCM, Lâm Đồng và Tiền Giang.
Trả lời Thanh Niên sau cuộc họp, ông Hồng lại thừa nhận, hiện nay có một bộ phận nông dân vẫn sử dụng thuốc trừ sâu không được phép phun cho rau, củ quả, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, báo chí đã liên tục phanh phui và cảnh báo việc người dân trồng rau bằng nước nhiễm bẩn, trồng rau muống trên sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, lạm dụng thuốc trừ sâu đến mức không dám ăn rau mình bán, thậm chí phải trồng riêng những luống rau cho gia đình sử dụng, rồi dùng “viên độc” để trồng rau “siêu tốc” nhưng lại “siêu độc”, ủ giá đỗ bằng hóa chất…
“Lo nhất là rau bị nhiễm vi sinh vật. Qua giám sát chúng tôi phát hiện 40% mẫu giá nhiễm các vi sinh vật gây bệnh vượt mức tối đa cho phép, trên rau sống tỷ lệ đó còn cao hơn, đa số mẫu rau chứa vi sinh vật vượt mức tối đa cho phép. Thời gian qua, trên 50% sự cố mất an toàn thực phẩm ở nước ta xảy ra đều có liên quan tới vi sinh vật”, ông Hồng trả lời Thanh Niên.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, tiếp tục tổ chức giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mực khô, rau và mật ong theo hướng mở rộng quy mô giám sát, nhất là đối với rau sống để có thông tin chính thống cho người tiêu dùng, khẳng định các loại rau ở các địa bàn là an toàn, mọi người yên tâm sử dụng. “Nếu giờ mình công bố là an toàn nhưng người dân thấy số liệu và cách thức kiểm soát của mình chưa thuyết phục là không được”. Theo bà Thu, sản phẩm mực khô là một ví dụ, ở Thanh Hóa báo chí lấy mẫu đem đi phân tích đã phát hiện có dư lượng hóa chất nhưng báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản lại khẳng định mực khô rất an toàn.