Chỉ có 2 trong số Tam chủng thần khí xuất hiện trong lễ thoái vị và đăng cơ của nhà vua Nhật Bản, tấm gương linh thiêng nhất vì sao vắng mặt?
Lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito và lễ kế vị của Thái tử Naruhito được diễn ra trước sự hiện diện của 2 món bảo vật gồm thanh gươm và viên ngọc, chiếc gương quý giá nhất lại không hề xuất hiện.
Đúng 17 giờ ngày 30/4 (giờ địa phương), Nhật hoàng Akihito sẽ chính thức tiến hành nghi thức thoái vị tại phòng Matsu-no-Ma, hay còn được gọi là phòng Cây thông, hội trường trang trọng nhất cung điện hoàng gia. Nghi lễ sẽ được diễn ra dưới sự chứng kiến của 2 trong số 3 món thuộc Tam chủng thần khí gồm Thảo Thế kiếm và Bát Xích Quỳnh Khúc ngọc. Tại sao món còn lại là Bát Chỉ kính lại không xuất hiện trong dịp trọng đại này?
Nhật hoàng Akihito xuất hiện cùng 2 trong số 3 món bảo vật thuộc Tam chủng thần khí tại lễ thoái vị.
Được biết, Bát Chỉ kính có lịch sử tồn tại từ hơn 1000 năm và được cho là đang được bảo quản tại Thần cung Ise thuộc tỉnh Mie. Đây là báu vật quan trọng và quý giá nhất trong Tam chủng thần khí nhưng vì quá linh thiêng nên nó đã không xuất hiện từ lễ đăng quang gần nhất từ 30 năm trước. Cùng với Thảo thế kiếm và Bát Xích Quỳnh Khúc ngọc, Bát Chỉ kính lần lượt tượng trưng cho lòng dũng cảm, lòng nhân từ và sự khôn ngoan.
Sự tồn tại của Tam chủng thần khí được ghi lại trong sử sách và qua lời truyền miệng của mọi người nhưng chưa một ai có thể tận mắt nhìn thấy chúng, thậm chí nhà vua cũng chỉ nhận được những bản sao trong lễ đăng quang và thoái vị. Chính vì lẽ đó, Tam chủng thần khí được cho là biểu tượng của sự trường tồn triều đại cũng như chứa đựng sự bí ẩn của vị hoàng đế.
Nhật hoàng Akihito cũng chưa có diễm phúc nhìn thấy 3 món bảo vật. Bức ảnh được chụp tại lễ đăng cơ của ông vào năm 1990 cùng thanh kiếm và viên ngọc.
Nhật hoàng Akihito sẽ giữ ngôi vị của mình cho đến nửa đêm ngày 30/4 trước khi chuyển giao "Ngai vàng Hoa Cúc" cho người kế vị là Thái tử Naruhito, chính thức đánh dấu sự bắt đầu của niên hiệu mới Reiwa (Lệnh Hòa). Trong buổi lễ kế vị, Bát Chỉ kính cũng sẽ không có mặt nhưng một người sẽ được phái đi trao lời cầu nguyện nghi lễ trước tấm gương. Đây là nghi thức kế thừa tấm gương của tân Hoàng đế.
(Nguồn: Tổng hợp)