Chi 10 triệu đồng mua thuốc chữa đái tháo đường, người đàn ông suýt mất mạng
Sau khi uống thuốc mua từ người quen chữa đái tháo đường, người đàn ông 63 tuổi phải nhập viện trong tình trạng đau bụng, khó thở, nhiễm toan chuyển hoá nặng.
Ngày 7-2, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại Trung tâm Chống độc vừa tiếp nhận bệnh nhân nam (63 tuổi, ở Hà Nội) trong tình trạng đau bụng, khó thở, nhiễm toan chuyển hóa nặng.
Người nhà cho hay bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, đã mua 20 gói thuốc nam dạng viên với giá 10 triệu đồng do người quen bán. Người này quảng cáo có thuốc chữa đái tháo đường rất tốt và đã có người nhà sử dụng nên bệnh nhân tin mua.
Mẫu thuốc chữa đái tháo đường bệnh nhân đã sử dụng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Sau khi dùng thuốc 20 ngày, ông bị đau bụng, nôn mửa nên người nhà đưa đến Bệnh viện Bạch Mai, rồi được chuyển đến Trung tâm Chống độc.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết người bệnh nhập viện trong tình trạng đau bụng, khó thở, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ đã tiến hành điều trị hồi sức tích cực và lọc máu cấp cứu. Hiện tình trạng của bệnh nhân dần cải thiện.
Kết quả xét nghiệm viên thuốc bệnh nhân uống cho thấy thành phần thuốc là phenformin. Đây là loại thuốc từng dùng để chữa đái tháo đường. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi, người ta nhận thấy phenformin dù giúp kiểm soát đường huyết nhưng lại đe dọa tính mạng người bệnh nghiêm trọng, dẫn đến tử vong cho nhiều người. Do đó, thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng loại thuốc này từ những năm 1970.
Bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tích cực tại Trung tâm Chống độc
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều người đã cố tình trộn loại chất bị cấm này vào trong các thuốc chữa đái tháo đường "rởm", mạo danh các thuốc y học cổ truyền, thuốc nam, thực phẩm chức năng để bán ra thị trường gây ra ngộ độc.
Các trường hợp ngộ độc thuốc chữa đái tháo đường phenformin xảy ra gần đây còn xuất hiện thêm các biểu hiện nhiễm toan chuyển hóa, nồng độ lactat trong máu cao, tụt huyết áp gây nhầm hoặc lẫn lộn với sốc nhiễm khuẩn, suy gan, nên dễ bị bỏ sót. Kể cả khi điều trị tích cực, tỉ lệ bệnh nhân tử vong cũng rất cao.