'Chế độ yêu tinh': Từ của năm phản ánh lối sống buông thả, không quan tâm chuẩn mực xã hội

Sông Thương,
Chia sẻ

Vượt qua 2 đề cử khác với số phiếu áp đảo, 'Goblin mode' (chế độ yêu tinh) đã trở thành từ của năm 2022, phản ánh lối sống của nhiều người sau đại dịch.

"Goblin mode" (chế độ yêu tinh) đã được Oxford bình chọn là từ của năm 2022. Thuật ngữ này đề cập đến "một loại hành vi buông thả, lười biếng, cẩu thả hoặc tham lam, điển hình là việc từ chối tuân theo các chuẩn mực hoặc kỳ vọng của xã hội".

Đó có thể là những lúc xem tivi say sưa mà không cần lo lắng về thời gian. Đó có thể là hành động ăn uống trên giường mà không lo sợ những mảnh vụn còn sót lại sẽ làm bẩn phòng ngủ. Hay đó cũng có thể là việc mặc cùng một bộ đồ ngủ cho cả một tuần làm việc tại nhà.

'Chế độ yêu tinh': Từ của năm phản ánh lối sống buông thả, không quan tâm chuẩn mực xã hội - Ảnh 1.

"Chế độ yêu tinh" là từ dùng để chỉ lối sống buông thả, lười biếng

The Guardian ví von chế độ yêu tinh biểu hiện qua việc bạn bước vào phòng bếp lúc 2h đêm, không mặc gì ngoài chiếc áo phông dài và làm một món snack kỳ dị nào đó. Trong văn hóa phương Tây, yêu tinh là loài không quan tâm tới thẩm mỹ hay kỷ luật.

Với số phiếu là 318.956 trên 340.000, từ này đã giành được chiến thắng áp đảo với tỷ lệ lên đến 93% số phiếu bầu. Từ phổ biến đứng thứ 2 trong năm nay là "metaverse" (vũ trụ ảo) và đứng cuối cùng là "#IStandWith" (sát cánh với).

Tại sao "chế độ yêu tinh" lại trở thành từ của năm?

Dù đã xuất hiện từ năm 2009 nhưng mãi cho đến đầu năm 2022, từ này mới thực sự trở nên phổ biến và được nhiều người yêu thích.

Casper Grathwohl, Chủ tịch của Oxford Language - công ty phát hành từ điển tiếng Anh Oxford - chia sẻ với tờ The Guardian: "Với một năm mà chúng ta vừa trải qua, từ "chế độ yêu tinh" phù hợp với tất cả mọi người, những người đang cảm thấy bị choáng ngợp vào thời điểm này.

Thật nhẹ nhõm khi có thể thừa nhận rằng không phải lúc nào chúng ta cũng sống một cuộc đời lý tưởng và khuôn mẫu như cách mà chúng ta vẫn thường thấy trên các trang mạng xã hội".

'Chế độ yêu tinh': Từ của năm phản ánh lối sống buông thả, không quan tâm chuẩn mực xã hội - Ảnh 2.

"Chế độ yêu tinh" bác bỏ xu hướng lý tưởng hóa cuộc sống trên các trang mạng xã hội

"Chế độ yêu tinh" trở thành xu hướng như một cách để bác bỏ "that girl" (cô gái ấy), một từ dùng để chỉ một người trong "phiên bản tốt nhất của chính họ". Đây vốn chính là một trào lưu về cuộc sống lý tưởng mà ta thường hướng đến: dậy sớm tập thể dục, thực hiện các quy trình dưỡng da tỉ mỉ và uống sinh tố làm từ các loại rau quả hữu cơ.

Nhà xuất bản Đại học Oxford cũng chỉ ra rằng việc sử dụng "chế độ yêu tinh" đã tăng lên trong nửa đầu năm 2022, khi các hạn chế về Covid-19 được nới lỏng ở nhiều quốc gia.

"Dường như từ này đã nắm bắt được tâm trạng phổ biến của những cá nhân từ chối quay trở lại cuộc sống bình thường trước đại dịch, hoặc cá nhân phản đối những tiêu chuẩn cuộc sống ngày càng khó đạt được trên mạng xã hội".

Quả thật như vậy, từ này đã gây ấn tượng đặc biệt đối với những người đang choáng váng trước sự phục hồi của thế giới sau đại dịch và biến động chính trị diễn ra khắp mọi nơi.

'Chế độ yêu tinh': Từ của năm phản ánh lối sống buông thả, không quan tâm chuẩn mực xã hội - Ảnh 3.

Mọi người đang dần chấp nhận "con yêu tinh" bên trong mình

Như để đáp lại, họ đang từ chối những kỳ vọng mà xã hội đưa ra. Thay vào đó, những người này chỉ tập trung vào quy tắc sống của riêng mình dù cho nó có tệ đến mức nào. Mọi người đang chấp nhận "con yêu tinh" bên trong mình.

Các từ điển khác cũng đã lựa chọn từ của năm cho riêng mình. Vào tuần trước, từ điển Merriam-Webster đã chọn "gaslighting" làm từ của năm 2022 - có nghĩa là hành vi thao túng tâm lý nhằm khiến một người nghi ngờ về tính hợp lý trong suy nghĩ của chính bản thân họ.

Nguồn: NPR, The Guardian

Chia sẻ