Cháy rừng châu Âu và tương lai u ám về biến đổi khí hậu

VŨ ANH TUẤN,
Chia sẻ

Một loạt các quốc gia tại châu Âu như Hy Lạp, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua đợt cháy rừng tồi tệ nhất trong vòng một thập niên, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và môi trường.

Những đám cháy rừng diễn ra trong bối cảnh khu vực đang hứng chịu đợt nắng nóng nhất khiến các chuyên gia cảnh báo về tương lai u ám về tình trạng biến đổi khí hậu.

Cháy rừng châu Âu và tương lai u ám về biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Đối mặt với cháy rừng ở Hy Lạp. Ảnh: France24.

Hôm qua (8/8), những cột khói và tro bụi cuồn cuộn biến bầu trời thành màu cam và chặn ánh nắng mặt trời phía trên Evia, hòn đảo lớn thứ hai của Hy Lạp khi trận cháy rừng kéo dài nhiều ngày nuốt chửng những khu rừng nguyên sơ và xâm lấn các ngôi làng. Cảnh tượng này trông giống như ngày tận thế.

Các đám cháy rừng tại đảo Evia, miền Trung Hy Lạp bắt đầu từ ngày 3/8 và nhanh chống vượt ngoài tầm kiểm soát.

Nhiều ngôi nhà và cơ sở kinh doanh đã bị phá hủy và hàng nghìn người dân và khách du lịch phải chạy trốn thậm chí ngay trong đêm.

Mina, một du khách trên đảo Evia cho biết: “Cảnh tượng này thật khủng khiếp. Những gì xảy ra khiến chúng tôi cảm thấy sợ hãi và đơn độc. Tất cả những gì chúng tôi nhìn thấy xung quanh mình là những đám cháy”.

Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Dân sự Hy Lạp Nikos Hardalias cho biết, ngọn lửa đang lan từ cả phía Bắc và phía Nam đảo Evia khiến các phi công lái máy bay chữa cháy phải đối mặt với "mối nguy hiểm lớn" với tầm nhìn hạn chế và nhiễu động không khí.

"Các lực lượng đang không ngừng tăng cường đến Evia gồm cả lính cứu hỏa, cảnh sát, quân đội, lực lượng bảo vệ bờ biển. Hiện các máy bay chữa cháy đã bắt đầu thả bom nước. Trong cuộc chiến hỏa hoạn, chúng tôi còn nhận được sự trợ giúp của một số quốc gia khác trong khu vực nhằm hạn chế thiệt hại đối với tài sản và môi trường cũng như cứu nhiều mạng sống”.

Thổ Nhĩ Kỳ đang phải trải qua đợt cháy rừng tồi tệ nhất trong vòng một thập niên qua, xóa sổ những khu rừng nguyên sơ cùng đất nông nghiệp trù phú trên khắp các bờ biển Địa Trung Hải và Aegean của nước này. Phần lớn các vụ hỏa hoạn đều không kiểm soát được sớm. Do nhiệt độ cao, gió mạnh và khô, cháy rừng càng bùng lên dữ dội. Theo cơ quan cứu hỏa châu Âu, diện tích các đám cháy rừng trong 2 tuần qua ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lớn gấp 3 lần diện tích rừng bị cháy trung bình hàng năm.

Trong khi Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang quay cuồng đối phó với “giặc lửa” trong bối cảnh thời tiết nắng nóng tiếp diễn, nhiều đám cháy rừng cũng diễn ra tại nhiều quốc gia châu Âu khiến các nước này phải ban bố tính trạng khẩn cấp.

Tại Italy, chính quyền trên đảo Sardinia ban bố tình trạng khẩn cấp và sơ tán khoảng 1.500 người vào cuối tuần trước khi cháy rừng thiêu rụi khoảng 20.000 hécta ở tỉnh Oristano, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Các đám cháy cũng đã buộc chính phủ Bắc Macedonia phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 30 ngày và Bộ Quốc phòng nước láng giềng Albania tuyên bố tình hình “nguy cấp”.

Những đám cháy rừng có một điểm chung đó là khu vực đang hứng chịu đợt nắng nóng nhất trong nhiều thập kỷ tại đây. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc đã gọi khu vực Địa Trung Hải là "một điểm nóng về biến đổi khí hậu" và cảnh báo những đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn do nhiệt độ tăng cao.

Dự kiến, trong ngày hôm nay, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc  (IPCC) công bố một phần báo cáo mới nhất về tình trạng biến đổi khí hậu sau quãng thời gian 8 năm.

Theo báo Washington Post, sau nhiều tháng trời bị hoãn vì Covid-19, báo cáo ngày hôm nay nhiều khả năng đưa ra những kết luận u ám hơn về tốc độ ấm lên toàn cầu. Theo nhà khoa học khí hậu Kelly Levin của Quỹ Trái đất Bezos (Mỹ), báo cáo một mặt đề cập thực tế rằng chúng ta đang phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác liên quan đến biến đổi khí hậu, một mặt cảnh báo thế giới đã bước vào vùng lãnh thổ chưa từng được biết đến về nước biển dâng và băng tan./.

Chia sẻ