Cháy nắng cấp độ 3 nghiêm trọng đến mức nào và biện pháp ngăn ngừa tình trạng này
Cháy nắng cấp độ ba làm phá hủy biểu bì và toàn bộ lớp bên dưới của da. Đây là vấn đề nghiêm trọng và cần điều trị kịp thời nhằm tránh để lại tổn thương vĩnh viễn trên da.
Cháy nắng là tình trạng khó thể tránh khỏi trong mùa hè. Trên thực tế, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không phải lúc nào cũng gây hại. James Beckman, chuyên gia y khoa, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ kiêm giảng viên khoa da liễu tại Đại học Y Arkansas cho biết, ánh mặt trời góp phần tạo ra Vitamin D, từ đó giúp bảo vệ sức khỏe của xương. Tuy nhiên, nếu bạn không cẩn thận và tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, da sẽ bị bỏng và để lại hậu quả nghiêm trọng. Theo chuyên gia Beckman, tia cực tím từ ánh sáng mặt trời có thể gây tổn thương da vĩnh viễn.
Những trường hợp cháy nắng nặng như cấp độ 2 và độ 3 không phổ biến bằng cấp độ 1. Dưới đây là lời giải thích của chuyên gia về các mức độ cháy nắng, phương pháp điều trị tại nhà và biện pháp ngăn ngừa:
Nguyên nhân gây cháy nắng cấp độ 3
Carolyn Jacob, chuyên gia y khoa, bác sĩ da liễu tại Chicago kiêm thành viên của Viện Da liễu Hoa Kỳ giải thích, cháy nắng cấp độ 1 có thể xảy ra khi bạn ra ngoài nắng vài giờ, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều mà không bôi kem chống nắng. Mức độ cháy nắng nghiêm trọng hơn, cấp độ 2 và 3, sẽ xuất hiện khi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.
Dù hiếm gặp, tình trạng này cũng có thể xảy ra khi bạn bị bỏng do lửa hoặc hóa chất. Hơn nữa, bác sĩ Jacob cho biết, vết cháy nắng có xu hướng lan nhanh và trở nên nghiêm trọng hơn ở những người đang dùng các loại thuốc làm tăng nhạy cảm với ánh sáng như thuốc kháng sinh liều cao doxycyclin nhằm điều trị nhiễm trùng, spironolactone, thuốc lợi tiểu để điều trị cao huyết áp.
Dấu hiệu cháy nắng cấp độ 3
Cháy nắng cấp độ 3 là hiện tượng hiếm gặp nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Theo chuyên gia Beckman, chúng phá hủy da, làm da chết hoàn toàn và tạo ra một vết bỏng dày. Màu da sẽ chuyển sang màu trắng hoặc xỉn. Hơn nữa, người mắc có thể không cảm thấy đau đớn do ánh nắng mặt trời đã phá hủy các dây thần kinh trên da.
Nếu nghi ngờ bị cháy nắng cấp độ 2 hoặc thậm chí cấp độ 3, bạn cần đi khám ngay lập tức. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để loại bỏ da chết, sau đó ghép da, lấy da từ nơi khác trên cơ thể để ghép.
Sự khác biệt giữa các cấp độ cháy nắng
Quá trình phân loại vết cháy nắng phụ thuộc vào dấu hiệu trên vùng da chịu ảnh hưởng. Dưới đây là sự khác biệt giữa ba cấp độ cháy nắng:
- Cấp độ 1: Cháy nắng cấp độ đầu tiên chỉ khiến da đỏ, làm bong tróc nhẹ lớp biểu bì.
- Cấp độ 2: Không chỉ ảnh hưởng tới lớp biểu bì, da sẽ bị phồng rộp, đỏ, bong tróc và thậm chí xuất hiện mụn nước. Một người bình thường cần tiếp xúc trực tiếp vài giờ với ánh nắng mặt trời để nhận thấy vết bỏng có màu hồng hoặc đỏ, kết hợp với cảm giác đau đớn tại khu vực chịu ảnh hưởng. Nếu cháy nắng đi kèm với sốt hoặc buồn nôn, bạn có thể đang phải đối mặt với tình trạng ngộ độc ánh nắng và cần bổ sung chất lỏng kịp thời, ngoài việc đi khám bác sĩ.
- Cấp độ 3: Cháy nắng cấp độ này ảnh hưởng sâu tới lớp da bên dưới. Nếu không điều trị kịp thời, chúng có thể để lại những vết sẹo vĩnh viễn.
Biện pháp chống cháy nắng
Nếu bị cháy nắng nghiêm trọng, bạn có thể bôi nha đam để giảm viêm, đắp khăn ẩm nhằm cải thiện cơn đau. Theo bác sĩ Jacob, sử dụng hydrocortisone hai lần mỗi ngày cũng có thể giúp ích. Trong trường hợp cháy nắng cấp độ hai hoặc nặng hơn, bạn cần dùng thuốc bôi cortisone được bác sĩ kê để điều trị.
Khi bị cháy nắng, bác sĩ Jacob khuyên, mọi người nên làm dịu vùng da bị kích ứng và mẩn đỏ bằng nước. Các vết cháy nắng cấp độ hai cần được băng kín để tránh phơi nhiễm với không khí hay ma sát với quần áo. Do đó, hãy chú ý thay băng thường xuyên, hàng ngày để đảm bảo vết cháy nắng không bí khí.
Một biện pháp khắc phục tại nhà khác là bọc một túi nước đá bằng vải và chườm vào khu vực bị tổn thương trong khoảng 10 phút, hai giờ một lần. Hơn nữa, đừng quên mặc áo chống nắng ngay cả trong những ngày nhiều mây và luôn bôi lại kem chống nắng thường xuyên.
Theo Woman'shealth