Châu Bùi chơi đố chữ không dấu trên livestream, nội dung khiến cư dân mạng tranh cãi dữ dội vì "xem tới đâu đỏ mặt tới đấy"
Một livestream mới đây của Châu Bùi khiến dân tình bàn tán rôm rả với những ý kiến trái chiều.
Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam. Những loạt tin nhắn không dấu thường được chia sẻ rộng rãi trên mạng khiến giới trẻ cười bò vì sự "bá đạo" và trí tưởng tượng phong phú của nhiều người là một trong những "minh chứng" cho sự phức tạp của tiếng Việt.
Tuy vậy, ranh giới giữa đùa vui và phản cảm đôi khi rất mong manh, nhất là ở một kênh mạng xã hội có hàng triệu lượt theo dõi như của Châu Bùi càng phải cực kỳ tế nhị khi đu "trend" bởi chỉ cần bỏ dấu đi thôi, câu nói đã trở thành một nghĩa khác hẳn.
Mới đây trên fanpage chính thức của mình, Châu Bùi đã tổ chức buổi phát trực tiếp để giao lưu, tâm sự cùng người hâm mộ. Đáng chú ý, Châu Bùi đã tổ chức trò chơi nói tiếng Việt không dấu trong buổi livestream bằng cách, sẽ có những bình luận của phía ekip Châu Bùi được viết bằng tiếng Việt không dấu và Châu Bùi cùng với khán giả sẽ cùng nhau đoán ra ý nghĩa chính xác của câu nói đó là gì.
Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu trong buổi livestream không xuất hiện hàng loạt câu không dấu có ý nghĩa vô cùng nhạy cảm khiến nhiều người sẽ suy nghĩ theo hướng lệch lạc và dễ xuất hiện nhiều ý nghĩa thô tục.
Nhiều cư dân mạng chỉ trích trò chơi này là phản cảm, việc thực hiện trò chơi như vậy sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới những người đang theo dõi buổi phát sóng trực tiếp của Châu Bùi.
Trước phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng, mới đây phía ekip của Châu Bùi đã chính thức lên tiếng giải thích về trò chơi gây tranh cãi trong buổi phát sóng trực tiếp vừa qua. Theo như bài đăng, phía ekip của Châu Bùi chia sẻ muốn tạo ra trò chơi vui vẻ và thoải mái, mang lại tiếng cười cho khán giả trong mùa giãn cách. Tuy vậy, do sai sót trong khâu xử lý nội dung dẫn đến loạt tranh cãi trên và gửi lời xin lỗi tới tất cả những người đã bị ảnh hưởng bởi trò chơi này.
Châu Bùi được biết tới là một cô gái thông minh và tài giỏi. Mới đây, cô lọt danh sách “30 Under 30 Asia” hàng năm lần thứ 6, gồm 300 doanh nhân trẻ, các nhà lãnh đạo trẻ và những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng khắp Châu Á, tất cả đều dưới 30 tuổi.
Trong thời gian gần đây, một số trang mạng xã hội đã lan truyền trend "đọc tiếng Việt không dấu" với mục đích tạo tiếng cười cho netizen. Không thể phủ nhận, sự màu sắc, phong phú của tiếng Việt cùng với trí tưởng tượng vô biên đã khiến nhiều ngôn từ chỉ cần bỏ đi dấu sắc, dấu huyền… cũng có thể đẻ ra 1001 tình huống cười ra nước mắt.
Tuy nhiên "vui thôi đừng vui quá". Việc sử dụng Tiếng Việt không dấu có thể gây ra những hiểu lầm nghiêm trọng và trong một vài trường hợp có thể khác xa so với những gì mà bạn muốn nói, gây sự phản cảm, thô tục không phù hợp.
Châu Bùi còn có rất nhiều người hâm mộ là đối tượng trẻ vị thành niên, mới học cấp 2, cấp 3 và còn chưa đủ chín chắn trong suy nghĩ. Khi livestream thử thách có phần 18+ này rộng rãi trên mạng xã hội, chí ít cô nàng nên 'cảnh báo' trước về ngôn từ nhạy cảm để hạn chế tiếp cận những khán giả nhỏ tuổi.