Châu Âu đối mặt với vấn đề sức khỏe tâm thần mặc dù đã nới lỏng các hạn chế COVID-19

Quỳnh Chi (Theo Reuters),
Chia sẻ

Số người ở châu Âu báo cáo tình trạng sức khỏe tâm thần "tồi tệ" hoặc "rất tồi tệ" đã tăng vọt trong đại dịch COVID-19, thậm chí sau khi các nước dỡ bỏ hạn chế COVID-19.

Đây là kết quả của một cuộc thăm dò mới ở châu Âu. Cơ quan Liên minh châu Âu Eurofound khảo sát 200.000 người cho thấy, số người báo cáo về tình trạng sức khỏe tâm thần "tồi tệ" hoặc "rất tồi tệ" đã tăng gấp đôi, từ 6,4% vào tháng 3/2020, khi bắt đầu cuộc khủng hoảng COVID-19, lên 12,7% hai năm sau đó, ngay cả khi các hạn chế đã được nới lỏng.

"Với sự mở cửa trở lại của xã hội, nhiều người hy vọng rằng sức khỏe tinh thần sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, vào mùa xuân năm 2022, nguy cơ mắc bệnh trầm cảm vẫn cao đáng lo ngại đối với nhiều người", báo cáo đồng thời cho biết, nguy cơ này cao hơn đối với những người trẻ tuổi.

Các cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện từ tháng 3/2020 đến tháng 5/2022 cũng cho thấy, có nhiều người hơn ở 27 quốc gia EU đang phải vật lộn để kiếm sống và số người có nguy cơ nghèo năng lượng cao hơn, đặc biệt là do lạm phát cao.

Châu Âu đối mặt với vấn đề sức khỏe tâm thần mặc dù đã nới lỏng các hạn chế COVID-19 - Ảnh 1.

Hành khách đeo khẩu trang tại ga Friedrichstrasse trong thời gian đóng cửa giữa đại dịch COVID-19 ở Berlin, Đức, ngày 5/2/2021. (Ảnh: Reuters)

Khoảng 53% người được hỏi báo cáo rằng gia đình của họ gặp khó khăn trong cuộc sống mưu sinh vào mùa xuân năm 2022, so với 47% khi bắt đầu đại dịch, Eurofound cho biết trong một báo cáo riêng.

"Mức độ lo lắng cao (về tài chính) cùng với sự không chắc chắn về tương lai có thể tiếp tục có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần", theo báo cáo.

Bên cạnh đó, gần 1/5 số người được hỏi cho biết, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của họ chưa được đáp ứng, đặc biệt là liên quan đến chăm sóc tại bệnh viện và chuyên gia về phúc lợi tinh thần.

Chia sẻ