Chất tạo ngọt nhân tạo có gây ung thư không?
Ai cũng biết rằng quá nhiều đường có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc thay thế đường bằng chất tạo ngọt nhân tạo liệu có tốt cũng là điều gây tranh cãi.
Cuộc tranh luận về nội dung trên đã được khơi lại theo một nghiên cứu quy mô lớn, được đánh giá ngang hàng ở Pháp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo (còn gọi là chất tạo ngọt tổng hợp hay đường hóa học) có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.
Các nhà nghiên cứu Pháp đã nghiên cứu thói quen ăn uống và sức khỏe của hơn 100.000 tình nguyện viên trong suốt một thập kỷ. Kết quả phân tích thống kê được công bố trên tạp chí PLOS Medicine cho thấy, những người tiêu thụ lượng lớn chất làm ngọt nhân tạo, đặc biệt là aspartame (chất làm ngọt nhân tạo không chứa đường saccharide được sử dụng như một chất thay thế đường trong một số thực phẩm và đồ uống) và acesulfame-K, thường được sử dụng trong nước giải khát, có nguy cơ phát triển ung thư cao hơn, đặc biệt là bệnh ung thư vú và béo phì.
Charlotte Debras, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Nghiên cứu quy mô lớn mang tính tiềm năng này cho thấy rằng, chất làm ngọt nhân tạo được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống ở Pháp và trên khắp thế giới có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Bà Debras lưu ý rằng, những phát hiện này phù hợp với các nghiên cứu thực nghiệm trước đây cho thấy, chất tạo ngọt nhân tạo có thể có tác dụng gây ung thư trên loài gặm nhấm.
Chất làm ngọt nhân tạo được tìm thấy trong nhiều đồ uống và sản phẩm thực phẩm trên toàn thế giới và được hàng triệu người tiêu thụ bởi mỗi ngày. Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ và Viện Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh lại cho rằng, chất tạo ngọt nhân tạo không gây ung thư.
Chất làm ngọt nhân tạo có thể không giúp giảm cân nhưng có thể gây hại cho sức khỏe. (Ảnh: CBN News)
Trên toàn Liên minh châu Âu, việc sử dụng chúng được quy định bởi Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA). Cơ quan này hiện đang hoàn thành việc đánh giá lại tất cả các chất phụ gia thực phẩm được phép bán trên thị trường EU, bao gồm cả chất tạo ngọt nhân tạo, một phát ngôn viên của EFSA nói với Euronews Next.
Người phát ngôn cho biết: "Nghiên cứu mới này sẽ được xem xét như một phần của quá trình đánh giá lại".
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu đối với 102.865 người trưởng thành tham gia vào nghiên cứu NutriNet-Santé của Pháp từ năm 2009 đến năm 2021.
Các tình nguyện viên đã tự báo cáo lịch sử y tế, dữ liệu xã hội học và hoạt động thể chất, cũng như thông tin về lối sống và sức khỏe của họ.
Trong quá trình nghiên cứu, những tình nguyện viên đã cung cấp thông tin chi tiết về lượng thức ăn của họ bằng cách gửi cho các nhà khoa học hồ sơ đầy đủ về những gì họ đã tiêu thụ trong khoảng thời gian 24 giờ, bao gồm cả tên và nhãn hiệu của sản phẩm.
Điều đáng chú ý là 78,5% những người tham gia nghiên cứu là phụ nữ, 37% trong số họ cho biết đã tiêu thụ chất tạo ngọt nhân tạo. Nước giải khát chiếm hơn một nửa lượng chất tạo ngọt nhân tạo, trong khi chất tạo ngọt trên bàn ăn chiếm 29% và sữa chua hoặc phô mai tươi 8%.
Sau đó, các nhà nghiên cứu so sánh việc tiêu thụ những chất làm ngọt này với tỷ lệ ung thư ở những người tham gia, đồng thời điều chỉnh các yếu tố khác có thể xảy ra như tuổi tác, chỉ số khối cơ thể, hút thuốc, chế độ ăn uống kém, hoạt động thể chất và tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư.
Nghiên cứu cho thấy, những người tham gia tiêu thụ lượng chất tạo ngọt nhiều nhất có nguy cơ ung thư tăng 13% so với những người không tiêu thụ: "Cụ thể hơn, lượng aspartame có liên quan đến việc gia tăng các bệnh ung thư liên quan đến béo phì và ung thư vú".
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tuyên bố rõ ràng rằng, phát hiện của họ không thiết lập mối liên hệ nhân quả giữa chất làm ngọt nhân tạo và ung thư, và cần có các nghiên cứu sâu hơn.