Chàng trai Việt đem thứ "cả làng vứt đi" biến thành những món đồ thơm tho xinh xắn
Tiếc hàng tấn bã cà phê hàng ngày bị vứt đi, anh Tấn Lộc đã nghĩ cách biến rác thành tiền, sáng tạo ra hàng loạt sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ dùng hữu ích trong cuộc sống.
Vòng tuần hoàn xanh của bã cà phê
Anh Nguyễn Tấn Lộc, người sáng lập kiêm Giám đốc Công ty TNHH Tái chế Cà phê Lộc Nhân (TP. HCM) trước đây từng là nhân viên ngân hàng có thu nhập ổn định. Giống như bao người Việt khác, anh cũng có sở thích khởi động mỗi ngày bằng một tách cà phê. Cảm giác nhâm nhi ly cà phê thơm buổi sáng rồi bắt tay làm việc khiến người ta nghĩ đến thôi đã thấy sảng khoái rồi.
Thế nhưng trong lúc mọi người tận hưởng hương vị đậm đà của cà phê thì anh Lộc lại chú ý đến... đống bã nâu chất thành đống trong thùng rác.
"Nhìn thấy bã cà phê tại các quán bỏ đi rất lãng phí, tôi trăn trở nghĩ làm sao có thể tái chế bã cà phê thành những sản phẩm mang tính ứng dụng trong đời sống. Mà sản phẩm phải giải quyết được vấn đề gì đó của xã hội, giảm thiểu rác thải môi trường và có thể lan tỏa cách làm đến cộng đồng.
Tôi đã dành cả tâm lực, trí lực, tài lực trong hơn 2 năm để tìm hiểu cách tái chế bã cà phê. Tôi thử nghiệm thất bại rất nhiều lần nhưng không từ bỏ ý tưởng, thậm chí nghỉ luôn công việc ổn định tại ngân hàng để khởi nghiệp dự án tái chế bã cà phê vào tháng 6/2023. Khởi nghiệp với muôn vàn khó khăn, vất vả, áp lực từ mọi phía, tư liệu về tái chế bã cà phê gần như không có nên tôi phải tự nghiên cứu sáng tạo ra công thức".
Dù bị mọi người xung quanh chê là "khùng điên" khi ngày đêm ăn ngủ với đống rác, nhưng anh Lộc vẫn kiên trì dồn hết tâm huyết vào bã cà phê. Kết quả anh Lộc đã thành công trong việc biến ước mơ của mình thành sự thật, tạo nên hệ sinh thái sản phẩm bã cà phê thân thiện với môi trường.
"Sản phẩm tái chế từ bã cà phê để giải quyết vấn đề khử mùi mà không cần dùng đến hóa chất độc hại. Từ loại nguyên liệu bị coi là rác, tôi có thể sáng tạo thành nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, có tính ứng dụng cao trong đời sống. Ví dụ như sản phẩm tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ mang đậm chất văn hóa, nước xịt khử mùi xe ô tô, nước lau sàn, nước tẩy bồn cầu, viên nén khử mùi cho túi xách, cốp xe, tủ quần áo, bộ sản phẩm quà tặng, viên nén đốt tạo ra năng lượng xanh, mực viết...".
Một số thành phẩm từ bã cà phê do anh Lộc sáng tạo ra
Anh Lộc chia sẻ, sản phẩm viên nén cà phê được làm hoàn toàn thủ công, dễ làm, chi phí đầu tư rất thấp, giá của mỗi khuôn ép chỉ vài chục ngàn đồng vì thế mà ai cũng có thể làm được sản phẩm này. Tính ứng dụng và nhân bản mô hình rất khả thi. Thời gian hoàn thiện một sản phẩm chỉ mất khoảng 2-3 phút, một người lao động bình thường có thể đạt năng suất 100-200 sản phẩm mỗi ngày. Giá mỗi sản phẩm khoảng 20.000 – 100.000 đồng tùy loại, mang đến nguồn thu nhập khả quan và tạo cơ hội việc làm cho nhiều người.
Đổi hạt thơm nâu lấy màu xanh hi vọng
Với hiệu quả thực tế đạt được thì dự án tái chế bã cà phê vì cộng đồng của anh Lộc đã giành được khá nhiều giải thưởng từ năm 2022 đến nay. Riêng trong năm 2024, dự án này được vinh danh tại các giải thưởng và cuộc thi như Top 150 tại Cuộc thi Worldcup Startup Việt Nam 2024, Giải Ba tại Cuộc thi “Ý Tưởng Lành Thế Giới Xanh” được tổ chức tại Suối Tiên, Top 10 Cuộc thi Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 (I-Star 2024)...
Các lợi ích của việc thu gom tái chế bã cà phê
* LỢI ÍCH MÔI TRƯỜNG:
- Góp phần giải quyết vấn đề rác thải ra môi trường, chống lãng phí.
- Giảm lượng phát thải khí nhà kính.
* LỢI ÍCH KINH TẾ - XÃ HỘI:
- Tạo ra nguồn thu nhập mới cho bà con.
- Nâng cao giá trị kinh tế của bã cà phê.
- Thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển như vận tải, công nghệ...
- Thương mại hóa các sản phẩm tái chế.
Các sản phẩm tái chế từ bã cà phê của anh Lộc hiện tại đã được bày bán ở khá nhiều nơi, nhận được sự ủng hộ từ đông đảo người dân vì tính hữu ích cho cộng đồng. Anh ước mơ vài năm tới có thể thành lập Hiệp hội tái chế cà phê đầu tiên tại Việt Nam, hợp tác với nhiều tổ chức doanh nghiệp khác để quảng bá sản phẩm bã cà phê tái chế ra thế giới.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo” tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West, Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:
1. Ra mắt ấn phẩm “Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam” – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
2. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:
PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.
Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.
Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực.
Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình Tp.HCM, Tiktok.
Cổng thông tin Đề cử dự án vì cộng đồng cho Giải thưởng Human Act Prize 2024, chính thức mở từ ngày 23/9/2024. Tất cả quý vị đều có thể đề cử tại đây.
Mỗi sáng kiến - dự án mà quý vị đề cử, sẽ góp phần kiến tạo, nâng bước cho các hoạt động vì cộng đồng và góp sức cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.