Chàng trai 29 tuổi mang khối bướu nguy hiểm ở bàn tay nhưng nếu mổ bỏ đơn thuần sẽ chảy máu không kiểm soát
Khối bướu của chàng trai nếu không loại bỏ sẽ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng tại chỗ và toàn thân. Nhưng nếu phẫu thuật cắt bướu đơn thuần thì sẽ gây nguy cơ chảy máu khó kiểm soát.
BS Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BV ĐKTW CT) cho biết nơi đây đã điều trị thành công một trường hợp bướu máu vùng bàn tay trái.
Bệnh nhân là Bùi Văn D. (29 tuổi, ngụ tại Bình Minh, Vĩnh Long) nhập viện vì khối u to lòng bàn tay trái gây đau, tê tay trái nhiều.
Bệnh nhân đã phát hiện khối u khoảng 5 năm nhưng gần đây thấy khối u lớn nhanh hơn gây đau và tê tay trái nhiều nên mới đi khám.
Sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán là bướu máu bàn tay trái.
Các bác sĩ hội chẩn quyết định can thiệp tắc mạch cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật loại bỏ bướu máu. Cách này sẽ làm giảm nguy cơ chảy máu khó kiểm soát trong quá trình bóc trọn bướu hoàn toàn.
Ekip can thiệp mạch tiến hành chụp xác định hình ảnh tăng sinh mạch máu và bơm hỗn hợp spongel vào động mạch nuôi u, sau đó thực hiện phẫu thuật.
Ca mổ kéo dài 1 giờ 30 phút, khối bướu được bóc trọn và lượng máu mất chỉ 50ml. Sức khỏe bệnh nhân hậu phẫu ổn định, có thể cầm nắm bàn ngón tay trái tốt, giảm đau, giảm tê tay trái nhiều và đã ra viện.
BS Huỳnh Thống Em, Giám đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình của BV cho biết bướu máu thường là bướu lành tính, được chia làm 2 loại: khối u mạch máu và dị dạng mạch máu.
Dị dạng tĩnh mạch là loại dị dạng mạch máu bẩm sinh phổ biến nhất với tỷ lệ mắc từ 1 đến 2 trên 10.000.
Bệnh thường gây ra đau và khó chịu đáng kể cho bệnh nhân, thêm vào đó bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng tại chỗ và toàn thân.
Dị dạng tĩnh mạch xảy ra do bất thường trong quá trình hình thành của thành tĩnh mạch.
Bệnh thường xuất hiện từ nhỏ, ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng chủ yếu bướu ở vùng đầu (40%), thân mình (20%) và tứ chi (40%).
Triệu chứng thường gặp là khối sưng nề, đau, có màu đen và xanh/tím, mềm và dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực tác động và không theo nhịp mạch.
Bệnh thường tồn tại lớn dần theo tuổi, và có thể lan rộng hơn bởi nhiễm trùng, chấn thương hay sự thay đổi nội tiết tố (như dậy thì và khi mang thai).
Các phương pháp điều trị bệnh dị dạng tĩnh mạch bao gồm phẫu thuật, phương pháp gây tắc mạch và điều trị bằng laser.
Can thiệp phẫu thuật là phương pháp điều trị truyền thống giúp phục hồi giải phẫu và chức năng tối thiểu nhưng gặp nhiều khó khăn bởi chảy máu nhiều trong lúc mổ và khả năng tái phát cao.
Hiện nay phương pháp gây tắc mạch khối dị dạng mạch máu là một phương pháp điều trị mới, mang lại hiệu quả cao và ít xâm lấn.
Phương pháp này có thể thực hiện đơn độc hay phối hợp với phẫu thuật giúp giảm chảy máu trong và sau mổ giúp quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi, có thể lấy toàn bộ tổn thương, mang lại kết quả tối ưu hơn.
Bác sĩ cho biết, hiện tại chưa có phương pháp dự phòng cho bệnh bướu mạch máu.Vì thế, nếu phát hiện bất kỳ khối u bất thường nào trên bất cứ vị trí nào trên cơ thể nên đến khám và tầm soát sớm tại các cơ sở y tế để có hướng giải quyết kịp thời.