Nhai nuốt nghẹn vì khối bướu ở cổ, bệnh nhân 20 tuổi được bác sĩ cứu chỉ trong 10 phút
Chỉ bằng một thủ thuật kéo dài trong 10 phút, khối bướu cổ của 1 bệnh nhân đã được các bác sĩ giải quyết, bệnh nhân nhanh chóng xuất viện sau đó.
Đó là trường hợp của bệnh nhân V.H.K. (20 tuổi, ngụ tại TPHCM).
Nửa năm nay K. xuất hiện bướu nhỏ ở cổ, khi ăn hoặc nuốt thấy hơi nghẹn.
Sau khi thực hiện siêu âm và sinh thiết bằng kim, các bác sĩ khoa Lồng ngực – mạch máu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) chẩn đoán em K. bị bướu giáp nhân lành tính và chỉ định điều trị bằng sóng cao tần.
Đây là một phương pháp ít xâm lấn, người bệnh không cần được gây mê, không cần uống thuốc trước mổ, không cần nhịn ăn.
Khi thực hiện thủ thuật, em K. chỉ cần tiêm một lượng thuốc tê vừa đủ để đưa mũi kim can thiệp vào bướu và đốt bằng sóng cao tần. Thời gian thực hiện thủ thuật chỉ trong 10 phút.
30 phút sau khi thực hiện thủ thuật, K. đã có thể xuất viện và được hẹn tái khám sau 7 ngày.
TS.BS. Phan Tôn Ngọc Vũ, Trưởng khoa Gây mê – Hồi sức của BV cho biết, đây là 1 trường hợp bệnh nhân điển hình cho việc áp dụng hình thức phẫu thuật trong ngày (PTTN).
Đây là hình thức phẫu thuật phù hợp với người bệnh không mắc các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp nặng, đái tháo đường… với tính chất ca mổ không quá phức tạp.
Thời gian thực hiện cho mỗi phẫu thuật, thủ thuật chỉ dưới 90 phút. Tại các nước Anh, Mỹ, hình thức phẫu thuật này chiếm khoảng khoảng 2/3 trong số tất cả các phẫu thuật.
Bác sĩ Vũ cho biết, PTTN mang lại nhiều lợi ích cho cả người bệnh và BV.
Đối với người bệnh, PTTN giúp rút ngắn thời gian nằm viện, tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh ảnh hưởng sinh hoạt và công việc, đồng thời giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng cho người bệnh sau phẫu thuật.
Đối với BV, PTTN giúp tăng số lượng người bệnh được phẫu thuật, rút ngắn danh sách chờ; giảm tải cho các khoa phòng, giảm tải phòng mổ. Ngoài ra giúp BV sử dụng phòng mổ hiệu quả đồng thời rút ngắn quy trình và thủ tục cho người bệnh.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, dù PTTN được chứng minh an toàn, hiệu quả cho nhiều loại phẫu thuật, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu người bệnh thực hiện ở những cơ sở không có trình độ chuyên môn, trang thiết bị không đảm bảo.
Do đó khi chọn hình thức phẫu thuật này, người bệnh cần được tiến hành phẫu thuật tại những cơ sở y tế có quy trình tốt, chuyên môn kỹ thuật cao để đạt hiệu quả điều trị và hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.